Toàn cảnh đèo Ô Quy Hồ bị cày xới để xây khu du lịch sinh thái đỉnh đèo Hoàng Liên
Từ tháng 4/2022, 3,5 ha đất trong đó có nhiều diện tích rừng trên đỉnh đèo Ô Quy Hồ đã bị cày xới, san ủi để thực hiện giai đoạn 2 Khu du lịch sinh thái đỉnh đèo Hoàng Liên.
Dự án khu sinh thái đỉnh đèo Hoàng Liên (xã Sơn Bình, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu) do Công ty Cổ phần Pusamcap Lai Châu làm chủ đầu tư. Dự án được triển khai trên diện tích đất thuê là 517.541 m2, thời hạn thuê 70 năm.
Từ năm 2012 đến 2017, giá tiền thuê đất được xác định với diện tích 100.000 m2 sử dụng vào mục đích sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp có đơn giá là 420 đồng/m2/năm. Diện tích 417.541 m2 đất sử dụng vào mục đích nông nghiệp có đơn giá thuê là 30 đồng/m2/năm.
Giai đoạn một của dự án hoàn thành và vận hành từ năm 2019 với các công trình khách sạn 3 tầng, khu nhà hàng đỉnh đèo, café cùng các hạng mục phụ trợ.
Bắt đầu từ tháng 4/2022, Công ty CP Pusamcap Lai Châu triển khai giai đoạn hai xây dựng các căn Bungalow nghỉ dưỡng và các hạng mục phụ trợ phục vụ khách du lịch tham quan và vui chơi giải trí.
Theo đó, trong quá trình thực hiện Dự án Khu du lịch sinh thái đỉnh đèo Hoàng Liên (xã Sơn Bình, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu) đơn vị thi công đã san gạt một diện tích rừng lớn ngay tại khu vực đỉnh đèo Ô Quy Hồ.
Việc lấn chiếm san gạt một diện tích rừng lớn đã được đoàn kiểm tra gồm Hạt kiểm lâm, Phòng Tài nguyên Môi trường huyện Tam Đường và đại diện xã Sơn Bình xác minh. Cụ thể vào ngày 23/10, đoàn kiểm tra đã có mặt để thực địa hiện trường. Đoàn kiểm tra xác định diện tích bị san ủi là hơn 3,5ha. Trong đó, hiện trạng lô đất trống không có rừng là 2,4ha, hiện trạng đất sạt lở là 0,57ha và đất có rừng bị mất do phá là 0,044ha...
Bên cạnh đó, quá trình triển khai dự án, Công ty Pusamcap còn vấp phải sự phản đối của một số hộ dân ở bản Chu Va 12, xã Sơn Bình, huyện Tam Đường vì cho rằng có sự chồng lấn, xâm phạm với phần đất mà họ đang sở hữu.
Cụ thể, ông Đặng Xuân Thảo là người được ủy quyền thay mặt hộ gia đình ông Trần Đình Hà (bản Nậm Dê, xã Sơn Bình, huyện Tam Đường) toàn quyền định đoạt đối với thửa đất số 18, tờ bản đồ số 3, diện tích 374.314m2.
Tuy nhiên, không hiểu vì lý do gì, một phần lớn diện tích của sổ đất này lại bị chồng lấn vào phần diện tích được cấp cho Công ty Pusamcap triển khai dự án kể trên.
Vấn đề ở chỗ quá trình rà soát, các cấp chức năng Lai Châu nhận định cả 2 sổ đất đều hợp pháp và chưa thể đưa ra kết luận để xảy ra sai sót là do ai, sai từ đâu, từ giai đoạn nào... dẫn đến quyền lợi chính đáng của cả người dân lẫn doanh nghiệp đều bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Liên quan đến việc khu du lịch sinh thái đỉnh đèo Hoàng Liên san gạt, cày xới, phá rừng và chồng lấn, lấn chiếm đất của dân, ngày 3/11 trao đổi với Phóng viên Tạp chí Điện tử Kinh tế Môi trường, ông Vương Thế Mẫn – Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh Lai Châu cho biết, hiện UBND tỉnh Lai Châu đang chỉ đạo các cơ quan chức năng tiến hành làm rõ sự việc đèo Ô Quy Hồ bị đào xới để làm dự án Khu du lịch sinh thái đỉnh đèo Hoàng Liên.
Trước đó, ngày 28/10, UBND tỉnh ra văn bản số 4063/UBND-TD về việc giải quyết đơn của ông Đặng Xuân Thảo. Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu có ý kiến chỉ đạo giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với UBND huyện Tam Đường và các đơn vị liên quan theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền, lĩnh vực được giao tiến hành kiểm tra, xác minh theo nội dung đơn và trả lời công dân theo quy định; trường hợp vượt thẩm quyền, báo cáo, tham mưu UBND tỉnh xem xét, giải quyết; báo cáo kết quả về UBND tỉnh trước ngày 28/11/2022.
Theo chuyên gia Khương Bá Tuân – Hội Khoa học kỹ thuật lâm nghiệp tỉnh Thanh Hóa khẳng định, việc Thủ tướng đề xuất trồng 1 tỉ cây xanh là chủ trương đúng đắn, giúp phát triển ngành lâm nghiệp, cải thiện môi trường sống. Hiện nay, việc quan trọng nhất là phải giữ được vốn rừng hiện có, không đươc phá rừng, chuyển đổi mục đích sử dụng rừng nhất là rừng đã có, rừng tự nhiên gồm rừng đặc dụng và rừng phòng hộ. Sau đó mới chú trọng đến việc trồng mới, nếu như không giữ được rừng thì việc trồng mới cũng không có ý nghĩa. Trước khi triển khai các dự án liên quan đến việc chuyển đổi đất rừng cần tham vấn ý kiến các chuyên gia về ngành bảo tồn rừng, chuyên gia về môi trường trước khi nghĩ đến sân golf và phát triển du lịch”.
Cũng theo ông Tuân, bất cứ hành động nào phá rừng để sử dụng vào mục đích khác, kể cả việc trồng cây cũng cần phải lên án bởi đó là hành vi hủy hoại môi trường, đánh đổi kinh tế lấy môi trường.
Tạp chí Điện tử Kinh tế Môi trường tiếp tục thông tin!
Hà Nam