Thứ bảy, 23/11/2024 03:09 (GMT+7)
    Thứ năm, 09/06/2022 17:55 (GMT+7)

    Tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất ngày 9/6

    Theo dõi KTMT trên

    Gần 93% doanh nghiệp Đức sẽ tiếp tục đầu tư vào Việt Nam; Hơn 2 triệu người dùng Việt Nam từng sở hữu NFT... là những tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất hôm nay 9/6/2022.

    Gần 93% doanh nghiệp Đức sẽ tiếp tục đầu tư vào Việt Nam

    Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức tại Việt Nam vừa công bố kết quả khảo sát đánh giá niềm tin doanh nghiệp Đức tại Việt Nam. Kết quả cho thấy, gần 93% doanh nghiệp Đức cho biết họ sẽ tiếp tục đầu tư vào Việt Nam và hơn 64% doanh nghiệp kỳ vọng hoạt động kinh doanh sẽ phát triển tốt hơn trong 12 tháng tới. Đồng thời, 46% doanh nghiệp có kế hoạch tuyển dụng thêm lao động trong năm tới.

    Những yếu tố quan trọng nhất giúp doanh nghiệp Đức đưa ra quyết định đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam, bao gồm: Tình hình chính trị ổn định, có nguồn nhân lực chất lượng cao trong các ngành kỹ thuật và các nhóm ngành khác như vận tải và logistics.

    Bên cạnh yếu tố trên, theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Đức, Việt Nam có điều kiện thuận lợi để thu hút dòng vốn đầu tư từ nước ngoài nhờ tham gia các Hiệp định Thương mại Tự do.

    Tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất ngày 9/6 - Ảnh 1
     Gần 93% doanh nghiệp Đức sẽ tiếp tục đầu tư vào Việt Nam.

    Cụ thể, có hơn 73% doanh nghiệp Đức tin rằng, việc triển khai Hiệp định Thương mại tự do giữa Liên minh châu Âu và Việt Nam (EVFTA) làm tăng khả năng cạnh tranh của họ tại Việt Nam. Đồng thời, các doanh nghiệp Đức cho biết, họ thường xuyên tận dụng Hiệp định Thương mại Tự do giữa ASEAN và Trung Quốc (ACFTA) và Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

    Ông Robin Hoenig - Tư vấn cấp cao về chính sách thương mại (châu Á/ASEAN) đánh giá: Việt Nam là một trong 2 nước ở ASEAN có Hiệp định Thương mại tự do với châu Âu, cùng với Singapore. Đây là Hiệp định có chất lượng cao, không chỉ liên quan đến việc giảm thuế quan mà cả các yếu tố phi thuế quan như mở cửa các thị trường hàng hóa đầu vào, yêu cầu quy định với doanh nghiệp nhà nước hay các hoạt động thương mại điện tử, phát triển bền vững…

    “Đây cũng là một thế mạnh của Việt Nam để thu hút các doanh nghiệp Đức cũng như châu Âu đầu tư, kinh doanh” – ông Robin Hoenig cho biết thêm.

    Đánh giá cao những yếu tố thuận lợi khi đầu tư vào Việt Nam, nhưng đại diện Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức cũng cho biết, môi trường đầu tư tại Việt Nam có lợi thế về sự ổn định, chất lượng giáo dục khá, nhưng hạn chế về năng lực của ngành công nghiệp hỗ trợ so với một số nước ASEAN và Thái Lan. Cùng với đó, chất lượng nguồn nhân lực của Việt Nam vẫn chưa được đánh giá cao.

    Theo đó, để phát huy lợi thế vốn có của môi trường đầu tư, cộng đồng doanh nghiệp Đức cho rằng, không cách nào khác Việt Nam phải tăng cường năng lực, công nghệ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, bởi nguồn nhân lực chất lượng cao, có khả năng vận hành máy móc hiện đại, thành thạo kỹ năng vận hành sản xuất sẽ giúp Việt Nam thu hút tốt hơn đầu tư từ Đức và các quốc gia khác. Cùng với đó, để thu hút dòng vốn từ các doanh nghiệp Đức, Việt Nam cũng cần tăng cường đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp, từ đó có các chính sách phù hợp, tăng tính hấp dẫn môi trường đầu tư.

    Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến tháng 5/2022, Việt Nam thu hút được 422 dự án đầu tư của doanh nghiệp Đức còn hiệu lực, với tổng vốn đăng ký 2,31 tỷ USD, đứng thứ 18/139 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam.

    Hơn 2 triệu người dùng Việt Nam từng sở hữu NFT

    Theo số liệu của Statista, nhiều quốc gia thuộc khu vực Đông Á và Đông Nam Á như Việt Nam, Thái Lan, Trung Quốc đang có lượng người dùng NFT đông đảo.

    Tính riêng năm 2021, Thái Lan là quốc gia dẫn đầu số lượng người dùng NFT trên thế giới với 5,65 triệu người. Kế sau đó là Brazil (4,99 triệu người), Mỹ (3,81 triệu người), Trung Quốc (2,68 triệu người) và Việt Nam (2,19 triệu người).

    Xét trên quy mô dân số, Thái Lan vẫn dẫn đầu bảng xếp hạng khi có tới 8,08% người dân sở hữu tài sản kỹ thuật số. Một số quốc gia có lượng người dùng NFT khổng lồ khác bao gồm Canada (3,67% dân số), Brazil (2,33% dân số). Số lượng người dùng NFT tại Việt Nam chiếm 2,43% dân số.

    Tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất ngày 9/6 - Ảnh 2
    Hơn 2 triệu người dùng Việt Nam từng sở hữu NFT.

    NFT là những vật phẩm kỹ thuật số không thể thay thế và có thể mang đi giao dịch, trao đổi. Chúng có thể là những bức tranh, bài hát, món đồ hay thẻ bài trong trò chơi. Điểm đặc biệt và mang lại giá trị cho một vật phẩm NFT là tính độc nhất.

    Theo báo cáo của công ty phân tích Chainalysis, vào năm 2021, thị trường NFT toàn cầu đã tăng lên hơn 41 tỷ USD, sánh ngang quy mô của thị trường nghệ thuật truyền thống, vốn ở mức 50 tỷ USD vào năm 2020.

    Song, thị trường NFT đã chứng kiến sự sụt giảm mạnh vào tháng trước khi doanh số giảm xuống mức trung bình 19.000 NFT/ngày, tương đương 92% so với mức đỉnh 225.000 NFT/ngày vào tháng 9/2021. Trên thực tế, không riêng NFT, thị trường tiền mã hóa thời gian gần đây cũng trải qua nhiều đợt lao dốc mạnh mẽ trước xu hướng tránh đầu tư tài sản rủi ro của người dùng.

    Statista cho biết xu hướng đầu tư NFT ở Đông Nam Á có liên quan đến sự xuất hiện của tựa game Axie Infinity do studio Sky Mavis phát triển. Đây là dự án do đội ngũ founder người Việt, dẫn đầu bởi ông Nguyễn Thành Trung, sáng lập.

    Ngoài ra, phong trào tiến tới thị trường công nghệ số của giới nghệ sĩ trên các kênh truyền thông xã hội cũng là yếu tố thúc đẩy hoạt động giao dịch NFT. Bên cạnh đó, làn sóng metaverse vào cuối năm 2021 khiến người dùng đổ xô đi mua các loại tài sản ảo như bất động sản.

    Song, các chuyên gia tài chính cảnh báo không nên quá phụ thuộc vào NFT vì vẫn còn rất ít cơ sở để định giá.

    “Các NFT không có lợi tức kinh tế cơ bản dựa trên hoạt động kinh doanh của các công ty hoặc quốc gia. Cơ cấu hoàn vốn của chúng mang tính đầu cơ và dễ bay hơi. Bạn có thể thắng một cách khó hiểu nhưng cũng có thể mất tất cả”, Chuin Ting Weber, CEO công ty tư vấn MoneyOwl, nhận định.

    Lạm phát ở Chile chạm đỉnh của 28 năm

    Ngày 8/6, Viện Thống kê Quốc gia Chile (INE) cho biết Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của quốc gia Nam Mỹ này đã tăng 11,5% trong 12 tháng qua, mức cao nhất kể từ năm 1994.

    Theo INE, Chile ghi nhận mức tăng CPI 1,2% trong tháng 5/2022, khiến mức lạm phát tính từ đầu năm đến nay tăng lên 6,1%. Các sản phẩm làm tăng chi phí sinh hoạt nhiều nhất trong tháng trước là đồ uống không cồn và thực phẩm, bao gồm bánh mì, ngũ cốc và nước ngọt, trong khi giá các loại rau củ cũng tăng mạnh.

    Tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất ngày 9/6 - Ảnh 3

    CPI của các nhóm hàng dịch vụ vận tải và nhiên liệu cho phương tiện giao thông cá nhân cũng tăng rõ rệt.

    Trong khi đó, Ngân hàng Trung ương Chile (BCC) dự báo lạm phát sẽ tiếp tục tăng trong quý III và sau đó giảm xuống mức khoảng 10%/năm, cao hơn nhiều so với mức 5,6% được dự báo trước đó.

    Trong Báo cáo Chính sách Tiền tệ, BCC chỉ ra rằng lạm phát ở Chile sẽ tiếp tục leo thang và đạt mức cao nhất trong nhiều thập kỷ.

    Ngoài ra, BCC cũng nâng dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2022 lên 1,5%-2,25%, cao hơn mức 1% - 2% ước tính hồi tháng Ba. Tuy nhiên, Chile không loại trừ khả năng kinh tế suy thoái vào năm 2023.

    Trước đó, ngày 7/6, BCC đã tăng lãi suất liên ngân hàng từ 8,25% lên 9,0%, mức cao nhất trong hơn 20 năm, trong nỗ lực kiên trì nhằm kiểm soát làn sóng lạm phát.

    Năm ngoái, người dân Chile đã đổ tiền vào tiêu dùng sau khi rút khoảng 50 tỷ USD từ quỹ tiết kiệm lương hưu và các khoản trợ cấp trong bối cảnh đại dịch.

    Nhà đầu tư kín tiếng đứng sau thương vụ của Elon Musk

    Thương vụ mua lại Twitter của Elon Musk đang bị đe dọa khi nhiều tên tuổi lớn và tỷ phú tại Thung lũng Silicon không muốn góp vốn. Tuy nhiên, một số quỹ đầu tư vẫn đang tiếp tục ủng hộ CEO Tesla.

    Trong đó, quỹ đầu tư Vy Capital, có trụ sở tại Dubai đã cam kết góp 700 triệu USD để Elon Musk có thể thực hiện thỏa thuận với Twitter. Theo hồ sơ pháp lý và những người trong cuộc, khối tài sản của Vy Capital đã tăng lên hơn 5 tỷ USD dưới thời nhà sáng lập Alexander Tamas.

    Với con số trên, Vy Capital là bên góp vốn lớn thứ 3 trong thương vụ mua lại Twitter của Elon Musk, sau khoản đóng góp của CEO Oracle Larry Ellison và quỹ Sequoia Capital, theo hồ sơ chứng khoán.

    Ngoài ra, ông Tamas có kinh nghiệm làm việc với các nhà đầu tư tên tuổi. Trước khi thành lập Vy Capital, ông đã hợp tác với tỷ phú người Israel gốc Nga Yuri Milner và có nhiều liên kết với Elon Musk. Hiện tại, Tamas đang đầu tư tiền vào công ty tên lửa SpaceX và công ty nghiên cứu não bộ Neuralink.

    Song, những thông tin về Vy Capital khá ít. Vào năm 2020, một tài liệu từ công ty Vy Global Growth cho biết quỹ Vy Capital đang quản lý số tài sản trị giá hơn 2 tỷ USD. Hiện tại, quỹ đã tăng gấp đôi số tài sản, bao gồm cả một tỷ USD dự phòng trong trường hợp cần thiết, theo những người có mối quan hệ mật thiết với Vy Capital.

    Trong khi đó, Bloomberg cho biết thông tin cá nhân của ông Alexander Tamas cũng khá hạn chế. Một tài khoản Twitter được cho là của ông Tamas đã tồn tại từ tháng 3/2009. Song, nó chỉ có hình ảnh giống như hồ sơ LinkedIn của Tamas và một hình ảnh nhân vật trong phim Star Wars.

    Theo một tài liệu, Tamas và đồng nghiệp cũ Mateusz Szeszkowski đã thành lập Vy Capital vào năm 2013 với tầm nhìn “đầu tư vào một số công ty hàng đầu thế giới và sở hữu chúng trong nhiều thập kỷ”. Hiện tại, ông điều hành quỹ cùng với John Hering, người sáng lập công ty phần mềm Lookout.

    Ngoài ra, Tamas và Hering có cổ phần cá nhân lớn nhất trong Vy Global Growth, theo hồ sơ chứng khoán. Một trong những nhà đầu tư khác là Javier Olivan, người sẽ trở thành giám đốc điều hành của Meta vào mùa thu năm nay.

    Danh mục đầu tư của Vy Capital bao gồm cổ phần nền tảng thương mại điện tử Shopify, công ty khảo sát ComScore, nền tảng cho vay trực tuyến LendingClub và nhà sản xuất trò chơi Activision Blizzard. Ngoài ra, Vy Capital cũng hỗ trợ các công ty công nghệ như Blockchain.com và Reddit.

    Hà Lan

    Bạn đang đọc bài viết Tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất ngày 9/6. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

    Tin mới