Thứ sáu, 26/04/2024 03:56 (GMT+7)
    Thứ ba, 05/04/2022 18:00 (GMT+7)

    Tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất ngày 5/4

    Theo dõi KTMT trên

    WB dự báo GDP Việt Nam năm 2022 giảm từ 6,5% xuống 5,3%; Giá xăng dầu trong nước tăng thấp hơn thế giới... là những tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất hôm nay 5/4/2022.

    Bộ Công Thương: Giá xăng dầu trong nước tăng thấp hơn thế giới

    Trong 3 tháng đầu năm, giá xăng đã có 6 lần tăng, một lần giảm giá. Tổng cộng, giá đến cuối tháng 3 đắt thêm 4.061-5.394 đồng một lít, kg tùy loại so với giữa tháng 1 năm nay, tương đương tăng 22,27-29,8%. Đỉnh điểm là ngày 11/3, giá xăng bán lẻ trong nước đã lên sát ngưỡng 30.000 đồng một lít, cao nhất lịch sử.

    Tuy vậy, Bộ Công Thương cho hay, trong khi giá xăng dầu thành phẩm trên thị trường thế giới (căn cứ dùng để tính giá cơ sở) đã tăng 33,7-38,9% từ đầu năm thì giá bán lẻ trong nước tăng thấp hơn, ở mức 9-11%.

    Công cụ bình ổn giá - Quỹ bình ổn xăng dầu, liên tục được liên Bộ Công Thương - Tài chính sử dụng trong quý I với mức bù thêm cho mỗi lít xăng, dầu 100-1.500 đồng, để giá trong nước phù hợp với diễn biến của thế giới, nhưng mức tăng thấp hơn.

    Tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất ngày 5/4 - Ảnh 1
    Giá xăng dầu trong nước tăng thấp hơn thế giới.

    Ngoài ra, việc sử dụng Quỹ bình ổn cũng hỗ trợ duy trì nguồn cung từ các nguồn (gồm cả nhập khẩu) cho thị trường và bảo đảm duy trì công cụ Quỹ ở mức phù hợp, có dư địa điều hành thời gian tới.

    Để tránh cú sốc về giá, chuyên gia Ngô Trí Long gợi ý, doanh nghiệp nên chủ động nguồn hàng và sử dụng các công cụ bảo hiểm giá để tránh cú sốc về giá. Công cụ này đã các doanh nghiệp xăng dầu thế giới sử dụng, giúp họ duy trì được lợi nhuận dù giá lên hay xuống. Hiện, Việt Nam đã có Sở giao dịch hàng hóa với đầy đủ các công cụ, liên thông với các sàn giao dịch quốc tế.

    Từ giữa tháng 1, nguồn cung xăng dầu trong nước khan hiếm sau khi Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn giảm công suất từ cuối tháng 1 do khó khăn tài chính. Nhiều cây xăng đã tạm ngưng bán hoặc bán cầm chừng do được phân phối nhỏ giọt.

    Hiện nhà máy này đã vận hành trở lại, nhưng kế hoạch giao hàng tháng 5 và 6 cho các doanh nghiệp xăng dầu đầu mối vẫn chưa rõ ràng. Theo Bộ Công Thương, kế hoạch điều hành xăng dầu quý II sẽ không gồm nguồn từ nhà máy lọc dầu Nghi Sơn. Và để có nguồn bù đắp thiếu hụt từ Nghi Sơn, tháng trước Bộ này đã giao 10 doanh nghiệp xăng dầu nhập khẩu bổ sung 2,4 triệu lít xăng dầu trong quý II.

    Sau khi giảm hơn 1.000 đồng mỗi lít từ ngày 1/4, giá xăng E5 RON 92 lùi về 27.300 đồng, xăng RON 95 là 28.150 đồng. Cũng từ ngày 1/4 đến hết năm, giá xăng dầu bán lẻ trong nước được giảm 50% thuế bảo vệ môi trường theo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

    Gia Lai: Nông dân lo lắng vì khoai lang mất giá 50%

    Hiện tại hàng trăm người nông dân trên địa bàn huyện Phú Thiện (Gia Lai) đang tất bật thu hoạch khoai lang vì giá liên tục giảm. Những người dân đã thu hoạch từ trước vui mừng, phấn khởi khi “trúng đậm” vụ khoai lang.

    Bà Ngô Thị Chanh (xã Chư A Thai, huyện Phú Thiện) cho biết, gia đình bà có 4ha khoai lang. Do diện tích khoai lang của gia đình bà trồng sớm nên hiện nay đã được thương lái đến thu gom hết.

    Theo bà Chanh, với mỗi sào khoai lang cho thu hoạch được khoảng 3 tấn. Vào thời điểm đầu vụ gia đình bà bán được giá khoảng 8.000 - 9.000 đồng/kg. Với mức giá này người nông dân thu nhập được khoảng 10 triệu đồng/sào.

    “Trồng khoai lang Nhật thì cũng tùy từng năm và thời điểm. Như năm ngoái giá khoai lang rất thấp, chỉ dao động từ 2.000 - 3.000 đồng/kg. Năm nay giá tăng hơn gấp đôi nên người dân cũng phấn khởi. Gia đình nhà tôi cũng may mắn khi thu hoạch sớm nên bán được giá cao. Hiện nay, giá khoai cũng đang giảm dần nên người dân cũng khá lo lắng”, bà Chanh chia sẻ.

    Tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất ngày 5/4 - Ảnh 2
    Nông dân lo lắng vì khoai lang mất giá 50%.

    Trái với niềm vui, phấn khởi của những hộ thu hoạch khoai lang sớm, ông Lê Duy Khánh (trú tại xã Ia Sol, huyện Phú Thiện) đang tất bật thu hoạch 4ha khoai lang của gia đình vì lo “trượt giá”.

    Theo ông Khánh, vào thời điểm đầu vụ người dân bán được khoai lang với giá 8.000 đồng/kg. Có thời điểm giá khoai đạt 9.000 đồng/kg. Tuy nhiên, càng vào chính vụ giá khoai giảm dần, hiện nay chỉ còn khoảng 5.000 đồng/kg.

    Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Gia Lai, năm 2021 - 2022 toàn tỉnh có hơn 2.000 ha khoai lang. Trong đó, huyện Phú Thiện chiếm hơn 1.000 ha, chủ yếu là giống khoai lang Nhật được người tiêu dùng ưa chuộng.

    “Với 4ha khoai lang của gia đình thì đạt khoảng 80 tấn khoai/vụ. Tuy nhiên, giá ngày càng giảm nên nhà tôi phải tranh thủ thu hoạch để kiếm thêm chút thu nhập. Với giá 5.000 đồng/kg như hiện nay thì nông dân vẫn có lãi nhưng không được bao nhiêu.

    Như gia đình tôi với 4ha trừ chi phí thì cho thu nhập được khoảng 100 triệu đồng. Tuy nhiên nếu để lâu thêm ít hôm nữa mới thu hoạch, khi giá giảm sâu thì gia đình có thể bị lỗ nặng”, ông Khánh tâm sự.

    Ông Trần Quang Hùng – Bí thư Đảng ủy xã Chư A Thai cho biết, niên vụ này, trên địa bàn xã có khoảng 160ha khoai lang. Với khí hậu, thổ nhưỡng tại địa phương thì rất phù hợp để trồng loại cây này nên 1ha khoai lang đạt khoảng 15 - 20 tấn.

    Theo ông Hùng, vào thời điểm đầu vụ khoai lang đạt giá từ 8.000 - 9.000 đồng/kg. Giá này cao hơn nhiều so với vụ mùa những năm trước. Tuy nhiên, hiện nay giá khoai đang bắt đầu giảm xuống hiện nay chỉ còn 5.000 - 6.000 đồng/kg. Nhưng với giá như hiện nay, trừ chi phí thì người nông dân vẫn có lãi.

    Ông Hùng cho hay, địa phương cũng thường xuyên tuyên truyền, khuyến cáo người dân cần lựa chọn cây giống có nguồn gốc rõ ràng, nắm vững kĩ thuật để tăng năng suất và chất lượng sản phẩm. Bên cạnh đó, chủ động canh tác theo hướng bền vững và liên kết với các doanh nghiệp, không phát triển ồ ạt khi giá tăng.

    Doanh số ôtô tại Indonesia cao nhất ASEAN, Việt Nam đứng thứ 4

    Trong 2 tháng đầu năm 2022, Indonesia là thị trường đạt doanh số ôtô cao nhất khu vực Đông Nam Á, vượt qua Thái Lan và Malaysia, 2 thị trường ôtô lớn nhất khu vực trước đây.

    Theo báo cáo của Liên đoàn Ôtô Đông Nam Á, trong 2 tháng đầu năm, tổng doanh số ôtô tại Indonesia đạt 165.290 xe, cao hơn 63.179 xe so với cùng kỳ năm ngoái, mức tăng trưởng tương ứng 61,9%. Cụ thể, trong tháng 1, doanh số ôtô tại thị trường này đạt 84.062 xe và tháng 2 là 81.228 xe.

    Vị trí thứ 2 thuộc về Thái Lan, với doanh số ôtô trong 2 tháng đầu năm đạt 143.944 xe, tăng 26,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong tháng 1, doanh số ôtô tại Thái Lan đạt 69.455 xe và tháng 2 là 74.489 xe.

    Malaysia đứng ở vị trí thứ 3 với tổng doanh số 2 tháng đầu năm đạt 84.303 xe, tăng 9,7% so với cùng kỳ năm 2021 (76.840 xe). Trong tháng 1, thị trường ôtô Malaysia đạt doanh số 40.581 xe và tháng 2 đạt 43.772 xe.

    Tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất ngày 5/4 - Ảnh 3

    Việt Nam đứng thứ 4 trong khu vực ASEAN, với doanh số ôtô cộng dồn trong 2 tháng đầu năm đạt 53.544 xe, tăng 33,8% so với cùng kỳ năm ngoái (40.017 xe).

    Doanh số ôtô tại Việt Nam có phần suy giảm trong giai đoạn Tết Nguyên đán. Từ mức doanh số 30.742 xe trong tháng 1 giảm còn 22.802 xe trong tháng 2. Vấn đề đăng ký xe mới cũng là nguyên nhân khiến doanh số ôtô tại Việt Nam suy giảm trong tháng 2. Tuy nhiên, Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô (VAMA) tin rằng thị trường sẽ tiếp tục tăng trưởng trong năm nay.

    Thời điểm tháng 2 trùng vào đúng dịp Tết Nguyên đán, đây là thời điểm mua sắm được coi là thấp nhất trong năm nên dẫn đến sự sụt giảm chung của toàn thị trường ôtô.

    Ngoài ra, người dùng có xu hướng mua xe lắp ráp trong nước để hưởng mức giảm 50% lệ phí trước bạ theo Nghị định 103/2021/NĐ-CP của Chính phủ. Cũng tính đến hết tháng 2/2022, doanh số bán hàng của xe lắp ráp tại Việt Nam đạt 32.310 xe, tăng 41%, còn xe nhập khẩu đạt 21.234 xe, chỉ tăng 25% so với cùng kỳ năm ngoái.

    Ở vị trí thứ 5 là Philippines với doanh số ôtô đạt 45.069 xe sau 2 tháng đầu năm, giảm 9,2% so với 49.610 xe của cùng kỳ năm 2021. Singapore xếp sau với doanh số đạt 6.660 xe, giảm đến 5.070 xe so với cùng kỳ năm trước.

    Myanmar cũng có xu hướng tương tự, doanh số ôtô tại quốc gia này suy giảm mạnh còn 2.138 xe trong 2 tháng đầu năm 2022, so với mức 3.047 xe của cùng kỳ năm 2021. Dữ liệu của Liên đoàn Ôtô Đông Nam Á không có doanh số ôtô ở Lào, Campuchia và Brunei.

    Tổng doanh số ôtô tại 7 quốc gia ASEAN đạt 500.948 xe, với 250.477 xe trong tháng 1 và 250.471 xe trong tháng 2. Mức doanh số này tăng trưởng 26% so với cùng kỳ năm 2021, với 397.463 xe.

    Dự báo xuất khẩu của Thái Lan tăng 5% trong năm 2022

    Ngày 5/4, Hiệp hội Chủ hàng Quốc gia Thái Lan (TNSC) thông báo, do ảnh hưởng từ cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine, dự kiến xuất khẩu của Thái Lan sẽ tăng 5% trong năm 2022, thay cho dự báo trước đó là tăng trưởng ở mức 5-8%.

    Theo dự báo của TNSC, xuất khẩu sẽ tăng 8% trong quý đầu tiên so cùng kỳ năm trước và từ 2-4% trong quý thứ hai.

    Trong cả năm 2021, xuất khẩu của Thái Lan đã tăng 17,1%.

    Giám đốc cấp cao Ngân hàng Thái Lan Chayawadee Chai-Anant cho rằng, xuất khẩu và du lịch là 2 lĩnh vực chính thúc đẩy nền kinh tế của Thái Lan trong tháng 2/2022. Theo đó, giá trị xuất khẩu hàng hóa sau khi điều chỉnh theo mùa đã tăng nhẹ 0,9% so tháng trước, nhờ nhu cầu từ các đối tác thương mại. Tăng trưởng xuất khẩu được ghi nhận ở một số ngành hàng như các sản phẩm liên quan đến dầu mỏ. Xuất khẩu ô-tô và đồ điện tử của Thái Lan cũng có dấu hiệu cải thiện nhờ nhu cầu phục hồi từ các đối tác thương mại.

    Trong khi đó, Ngân hàng Thế giới ngày 5/4 đã cắt giảm triển vọng tăng trưởng của Thái Lan xuống 2,9% trong năm 2022, giảm so mức dự báo 3,9% trước đó.

    Trong một thông báo, Ngân hàng Thế giới cho biết, nhu cầu toàn cầu suy yếu sẽ làm chậm tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa của Thái Lan, trong khi hậu quả từ cuộc xung đột Ukraine - Nga sẽ ảnh hưởng đến tiêu dùng trong nước, nhu cầu bên ngoài và du lịch. Trong năm 2021, nền kinh tế của Thái Lan chỉ tăng trưởng ở mức 1,6%, một trong những nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng thấp nhất ở khu vực Đông Nam Á.

    WB dự báo GDP Việt Nam năm 2022 giảm từ 6,5% xuống 5,3%

    Trong báo cáo công bố ngày 5/4, WB cho biết, mặc dù tháng 10/2021, WB dự báo Việt Nam sẽ tăng trưởng trong năm 2022 là 6,5% nhưng đến nay WB dự báo chỉ còn 5,3%. Tuy nhiên, đó chỉ là kịch bản cơ bản, xấu hơn nữa kịch bản dự báo có thể chỉ còn 4,4%.

    Việc điều chỉnh dự báo tăng trưởng của Việt Nam giảm mạnh theo WB là do những khó khăn mà Việt Nam gặp phải khi đối phó với biến chủng Omicron, dẫn tới số lượng các ca nhiễm mới tăng rất cao. Việt Nam cũng chịu tác động lớn bởi việc nhập khẩu dầu với giá trị lên tới 3% GDP.

    Bên cạnh đó, việc nhập khẩu các loại nguyên vật liệu khác như sắt, thép....bị ảnh hưởng lớn khi giá nhập khẩu trở nên đắt hơn; chi phí giá cả tăng cao hơn dẫn tới Việt Nam trở thành một trong những nước thành công trong việc tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.

    Dự báo tăng trưởng 5,3% được WB căn cứ theo kịch bản các biện pháp hạn chế đi lại được nới lỏng cả trong và ngoài nước. Lĩnh vực dịch vụ được kỳ vọng sẽ phục hồi từng bước khi lòng tin của người tiêu dùng được khôi phục và du lịch khách quốc tế dự kiến sẽ được khôi phục dần từ giữa năm 2022.

    Bên cạnh đó, kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng chế biến, chế tạo được dự báo sẽ tăng với tốc độ chậm hơn do tăng trưởng ở các thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam (như Mỹ, Liên minh châu Âu và Trung Quốc) chững lại.

    Tuy nhiên, theo WB những triển vọng trên còn phải đối mặt với những rủi ro tiêu cực đang gia tăng. Như tăng trưởng chậm lại ở các đối tác thương mại chính cùng với cú sốc tỷ giá thương mại từ căng thẳng Nga - Ukraine và các biện pháp trừng phạt liên quan có thể ảnh hưởng đến quá trình phục hồi.

    Đáng chú ý, tổ chức này nhận định trong trường hợp có thêm các cú sốc khác có thể dẫn đến kịch bản xấu là tăng trưởng GDP chỉ đạt 4% trong năm 2022, phục hồi lại 6% và 6,5% lần lượt vào các năm 2023 và 2024.

    Chuyên gia kinh tế trưởng phụ trách khu vực Đông Á và Thái Bình Dương của Ngân hàng Thế giới, ông Aaditya Mattoo khuyến nghị Việt Nam cũng phải thận trọng hơn khi xem xét hệ thống tài chính. Thực tế, các biện pháp tài chính ngân hàng mà Ngân hàng Nhà nước đưa ra phải được nghiên cứu kỹ.

    Các biện pháp, chính sách của Việt Nam cho đến nay đã giúp Việt Nam có thể đi xa hơn và cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu. Nhưng sự tham gia của Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu vào lúc này phải cao hơn.

    Hà Lan

    Bạn đang đọc bài viết Tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất ngày 5/4. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

    Tin mới