Thứ ba, 23/04/2024 22:33 (GMT+7)
Thứ năm, 04/08/2022 18:00 (GMT+7)

Tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất ngày 4/8

Theo dõi KTMT trên

Chóng mặt với giá vàng SJC, quay đi quay lại 'mất' 2 triệu đồng/lượng; 7 tháng, cả nước xuất siêu gần 764 triệu USD... là những tin tức kinh tế nổi bật ngày 4/8.

7 tháng, cả nước xuất siêu gần 764 triệu USD

Theo Tổng cục Hải quan, tổng giá trị xuất nhập khẩu hàng hoá của cả nước trong 7 tháng/2022 ước đạt 431,95 tỷ USD, tăng 14,8%, tương ứng tăng 55,79 tỷ USD về số tuyệt đối so với cùng kỳ năm 2021.

Trong đó, xuất khẩu ước đạt 216,36 tỷ USD, tăng 16,1% (tương ứng tăng 29,93 tỷ USD) và nhập khẩu ước đạt 215,59 tỷ USD, tăng 13,6% (tương ứng tăng 25,86 tỷ USD).

Tuy nhiên, tính riêng trong tháng 7, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hoá của Việt Nam ước đạt 60,62 tỷ USD, giảm 6,8% so với tháng trước (tương ứng giảm 4,45 tỷ USD). Trong đó, trị giá xuất khẩu ước đạt 30,32 tỷ USD, giảm 7,7% (tương ứng giảm 2,52 tỷ USD) và trị giá nhập khẩu ước đạt 30,3 tỷ USD, giảm 6% (tương ứng giảm 1,93 tỷ USD).

Tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất ngày 4/8 - Ảnh 1
7 tháng, cả nước xuất siêu gần 764 triệu USD.

Như vậy, trong tháng 7 cả nước ước xuất siêu 21 triệu USD. Tính đến hết 7 tháng đầu năm, cả nước ước tính xuất siêu 763,5 triệu USD.

Về tình hình thu ngân sách nhà nước (NSNN), số thu NSNN từ hoạt động xuất nhập khẩu tháng 7/2022 đạt 34.474 tỷ đồng. Tổng thu 7 tháng đầu năm 2022 đạt 261.062 tỷ đồng, bằng 74,2% dự toán được giao, bằng 70,6% chỉ tiêu phấn đấu, tăng 12,7% so với cùng kỳ 2021.

Chóng mặt với giá vàng SJC, quay đi quay lại 'mất' 2 triệu đồng/lượng

Sáng nay (4/8), các doanh nghiệp lớn ở Hà Nội giao dịch vàng miếng SJC tại 66,2 - 67,62 triệu đồng/lượng (mua - bán), tăng 200.000 đồng/lượng ở mỗi chiều so với phiên trước. Tại TPHCM, giá thu mua tương đương thị trường Hà Nội nhưng giá bán ra rẻ hơn 20.000 đồng/lượng. Chênh lệch mua bán dao động 1 - 1,02 triệu đồng/lượng.

Chiều qua (3/8), các doanh nghiệp lớn niêm yết giá vàng SJC tại 66 - 67,02 triệu đồng/lượng, giảm 1,4 triệu đồng/lượng ở mỗi chiều so với phiên trước. Chênh lệch mua bán vẫn ở mức cao, lên tới 1,02 triệu đồng/lượng.

Trong ngày 3/8, giá vàng miếng SJC biến động không ngừng. 9h, giá là 67,2 - 68,22 triệu đồng/lượng (mua - bán) nhưng 14h, giá vàng giảm về 66,2 - 67,22 triệu đồng/lượng (mua - bán). Đến 16h, giá vàng giảm 2 triệu đồng/lượng ở chiều mua, giảm 1,6 triệu đồng/lượng ở chiều bán so với lúc 9h.

Diễn biến của giá vàng trong phiên hôm qua không khác gì phiên 18/7 khi giá vàng nhảy múa lên xuống loạn xạ.

Tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất ngày 4/8 - Ảnh 2

Trên thị trường quốc tế, giá vàng giao ngay trên Kitco ở mức 1.768 USD/ounce (tương đương 49,94 triệu đồng/lượng), giữ nguyên giá so với phiên cũ. Quy đổi theo tỷ giá USD tự do chưa thuế phí, vàng thế giới đang rẻ hơn trong nước 17,68 triệu đồng/lượng.

Trái với kỳ vọng của giới đầu tư, giá vàng thế giới đang hồi phục chậm và khó duy trì mức 1.800 USD/ounce. Kể từ khi đạt đỉnh vào tháng 3 (giao dịch trên 2.000 USD/ounce), kim loại quý đã "bốc hơi" 11% giá trị.

Sự trượt giá này được thúc đẩy bởi đồng USD khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) diều hâu trong vấn đề lãi suất. Hơn nữa, lợi tức kho bạc Mỹ liên tục tăng cao cũng là nguyên nhân dìm giá vàng.

Ông Caroline Bain, kinh tế trưởng Capital Economics dự báo, cuối năm nay giá vàng có thể giảm về 1.650 USD/ounce. Theo ông, kim loại quý chỉ "dễ thở" khi các chính sách về tài chính, tiền tệ được nới lỏng. Và điều này phụ thuộc vào mức độ tăng trưởng của nền kinh tế cũng như lạm phát được hạ nhiệt ra sao.

Dữ liệu từ Hội đồng vàng thế giới (WGC) cho thấy, thị trường vàng trong 6 tháng đầu năm đã chứng kiến nhu cầu tăng mạnh mẽ, tuy nhiên tốc độ tăng trưởng chậm lại kể từ quý II. Những thách thức trong nền kinh tế vừa tạo ra những trở ngại, đồng thời cũng mang lại cơ hội cho vàng.

Trong triển vọng trái chiều, các nhà phân tích cho rằng áp lực lạm phát dai dẳng cùng với sự bất ổn của thị trường ngày càng tăng sẽ hỗ trợ giá vàng trong suốt thời gian còn lại của năm. Tuy nhiên, đà tăng giá ổn định của đồng USD sẽ đóng vai trò như một "cơn gió ngược".

Còn ông George Milling Stanley, chuyên gia từ State Street Global Advisors lại cho rằng, vàng còn nhiều dư địa để phát triển trong thời gian tới. Những bất ổn về mặt kinh tế, chính trị khiến sứ mệnh nơi trú ẩn của vàng được đề cao.

"Hiện tại, các thị trường lo sợ về suy thoái kinh tế hơn là việc Fed tăng lãi suất. Ngay cả khi nền kinh tế tăng trưởng chậm lại thì Fed cũng khó có thể kiểm soát lạm phát hoàn toàn. Và thị trường không thích điều này nhưng vàng sẽ được hưởng lợi", ông nói.

Giá cao gấp 3 lần đẩy kim ngạch nhập khẩu than tăng tới 122,8%

Bộ Công Thương cho biết, 7 tháng năm 2022, kim ngạch nhập khẩu than đá tăng tới 122,8% so với cùng kỳ năm trước do nhu cầu lớn của các nhà máy nhiệt điện than.

Trong bối cảnh giá nhiên liệu tăng cao do ảnh hưởng từ xung đột địa chính trị trên thế giới, Bộ Công Thương cho hay đã phối hợp với UBND tỉnh Quảng Ninh chỉ đạo các đơn vị cung cấp than, đồng thời yêu cầu chủ đầu tư các nhà máy nhiệt điện than có giải pháp đảm bảo đủ nhiên liệu cho phát điện.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, lượng than nhập khẩu từ đầu năm đến hết ngày 15/7/2022 giảm 2,9 triệu tấn so với cùng kỳ năm trước, tuy nhiên kim ngạch than nhập lại tăng rất mạnh.

Cụ thể, đến hết ngày 15/7, kim ngạch nhập khẩu than vào khoảng 4,7 tỷ USD, bình quân khoảng 5,8 triệu đồng/tấn, gấp gần 3 lần so với giá bình quân nhập khẩu than cùng kỳ năm 2021 (tổng kim ngạch 2,1 tỷ USD, bình quân giá than là 2,1 triệu đồng/tấn).

Tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất ngày 4/8 - Ảnh 3

Ở chiều ngược lại, hoạt động xuất khẩu than cũng suy giảm về lượng, nhưng tăng nhẹ về kim ngạch. Hết ngày 15/7, xuất khẩu than của Việt Nam đạt 762.000 tấn, giảm hơn 200.000 tấn so với cùng kỳ năm trước; kim ngạch đạt hơn 251 triệu USD, tăng hơn 130 triệu USD. Giá than xuất khẩu bình quân là 7,5 triệu đồng/tấn, tăng 2,6 lần so với cùng kỳ năm trước (2,8 triệu đồng/tấn).

Hiện, mức chênh lệch giữa giá bình quân xuất khẩu và nhập khẩu than của Việt Nam là khoảng 1,7 triệu đồng/tấn. Tuy nhiên, lượng xuất khẩu than giảm, trong khi than nhập có chiều hướng gia tăng.

Theo báo cáo từ Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV), luỹ kế 7 tháng đầu năm, than sản xuất đạt trên 24,2 triệu tấn; than tiêu thụ đạt 28,3 triệu tấn… Kế hoạch còn lại 5 tháng cuối năm: sản xuất than 15,3 triệu tấn; than tiêu thụ 17,3 triệu tấn, trong đó than cho nhiệt điện hơn 13,7 triệu tấn; phấn đấu năm 2022, than sản xuất đạt 41,5 triệu tấn, than tiêu thụ đạt 45,6 triệu tấn, trong đó than cấp cho nhiệt điện 35 triệu tấn.

Để hoàn thành kế hoạch 5 tháng cuối năm và cả năm 2022, đại diện TKV cho rằng, ngoài việc đẩy mạnh sản xuất, chế biến, các Ban chuyên môn của Tập đoàn chỉ đạo các đơn vị tăng cường than pha trộn để đáp ứng các chủng loại than. Về kế hoạch năm 2023, cần sớm có kế hoạch đấu thầu than nhập khẩu, pha trộn, chuẩn bị lượng than dự trữ để chủ động nguồn than đáp ứng cho tiêu thụ trong những tháng đầu năm

Trước đó, ở thời điểm cuối tháng 3, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) có thông tin về tình hình cung cấp than cho sản xuất điện còn nhiều khó khăn và kêu gọi tiết kiệm điện. Do lượng than cung cấp thiếu và tồn kho ở mức thấp nên đến cuối tháng 3/2022, nhiều tổ máy nhiệt điện than trong hệ thống đã phải dừng hoặc giảm phát.

Cụ thể, các Nhà máy nhiệt điện Nghi Sơn 1, Vũng Áng 1, Vĩnh Tân 2, Duyên Hải 1 chỉ đủ than vận hành 1 tổ máy ở mức 60 – 70% công suất; Nhà máy nhiệt điện Hải Phòng chỉ đủ than vận hành cho 1 trong 4 tổ máy.

Nguyên nhân thiếu nhiên liệu đốt bởi vì hai đơn vị cung cấp than là TKV và Tổng công ty Đông Bắc gặp khó khăn trong quá trình khai thác từ các mỏ mặc dù đã cố gắng khắc phục. Bên cạnh đó, việc nhập khẩu than về để pha trộn cũng bị vướng mắc.

Trước tình trạng này, Bộ Công Thương cho biết đang tìm mọi giải pháp để đẩy nhanh nhập khẩu than trong thời gian tới.

Thu ngân sách từ ngành thuế tăng 17,2%, giảm khoảng 8.909 tỷ đồng thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu

Theo Tổng cục Thuế, chính sách giảm thuế bảo vệ môi trường theo Nghị quyết số 18/2022/UBTVQH15 ước tính làm giảm thu NSNN trong 7 tháng đầu năm 2022 khoảng 8.909 tỷ.

Theo Tổng cục Thuế, từ đầu năm đến nay, tình hình kinh tế nước ta tiếp tục khởi sắc nhờ kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh và các chính sách hỗ trợ của Nhà nước đã và đang phát huy tác dụng.

Tốc độ tăng trưởng GDP hai quý đầu năm tăng 6,42%, cao hơn tốc độ tăng 5,74% so cùng kỳ năm 2021 và 2,04% so cùng kỳ năm 2020. Hoạt động sản xuất kinh doanh đã trở lại trạng thái bình thường, chỉ số sản xuất công nghiệp 7 tháng đầu năm 2022 tăng 8,8% so với cùng kỳ; Kim ngạch xuất khẩu tăng 16,1%; nhập khẩu tăng 13,6% so cùng kỳ;...

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 7 tháng đầu năm 2022 tăng 16% so với cùng kỳ (là mức cao nhất trong vòng 5 năm trở lại đây). Hoạt động du lịch, vận tải hành khách và hàng hóa phục hồi mạnh mẽ (lượng khách du lịch quốc tế đến nước ta 7 tháng đầu năm đạt 954 nghìn lượt người, gấp 10 lần cùng kỳ năm 2021);... đã góp phần tăng thu NSNN trong 7 tháng đầu năm 2022.

Tổng thu ngân sách do ngành Thuế quản lý tháng 7 đạt 122.500 tỷ đồng, bằng 10,4% dự toán, tăng 3,8% so với cùng kỳ. Tính chung lũy kế 7 tháng 2022, tổng thu ngành thuế quản lý đạt 911.027 tỷ đồng, bằng 77,5% dự toán, tăng 17,2% so với cùng kỳ. Trong đó riêng số thu nội địa đạt 868.008 tỷ đồng, bằng 75,7% dự toán, tăng 15% so với cùng kỳ.

Số thu ngân sách trung ương lũy kế 7 tháng đạt 75,8% dự toán, tăng 14,7% so với cùng kỳ. Thu ngân sách địa phương đạt 78,9% dự toán, tăng 19,1% so với cùng kỳ.

Miễn, giảm, gia hạn hơn 78.600 tỷ đồng tiền thuế trong 7 tháng đầu năm

Đối với chính sách giảm thuế bảo vệ môi trường (BVMT) đối với nhiên liệu bay theo Nghị quyết 13/2021/UBTVQH15: ước tính làm giảm thu NSNN trong 7 tháng đầu năm là 763,5 tỷ đồng. Giảm thuế BVMT đối với xăng (trừ etanol), dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn, mỡ nhờn, dầu hỏa theo Nghị quyết số 18/2022/UBTVQH15 ước tính làm giảm thu NSNN trong 7 tháng đầu năm 2022 khoảng 8.909 tỷ đồng.

Giảm mức thu một số khoản phí, lệ phí theo Thông tư 120/2021/TT-BTC, ước tính làm giảm thu NSNN trong 6 tháng đầu năm 2022 khoảng 900 tỷ đồng.

Giảm thuế GTGT theo Nghị định số 15/2022/NĐ-CP ngày 28/1/2022 của Chính phủ về chính sách miễn giảm thuế theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc Hội ước tính làm giảm thu NSNN là 12.000 tỷ đồng.

Gia hạn thời hạn nộp thuế TTĐB theo Nghị định 32/2022/NĐ-CP: Tính đến hết ngày 22/7, số tiền thuế dự kiến gia hạn khoảng 1.458 tỷ đồng.

Gia hạn thời hạn nộp thuế theo Nghị định 34/2022/NĐ-CP ước tổng số thuế đã gia hạn khoảng 41.600 tỷ đồng, trong đó: thuế GTGT kỳ tháng 5, tháng 6 và quý 2/2022 được gia hạn ước khoảng 16.600 tỷ đồng; thuế TNDN quý 2/2022 ước khoảng 25.000 tỷ đồng.

Miễn, giảm thuế theo Nghị quyết 406/2021/NQ và NĐ 92/2021/NĐ-CP là 6.453 tỷ đồng, trong đó: Thuế GTGT được giảm là 1.116 tỷ đồng; Thuế TNDN được giảm là 1.388 tỷ đồng; Miễn thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh là: 3.628 tỷ đồng; Tiền thuế được miễn chậm nộp là 321 tỷ đồng.

Giảm lệ phí trước bạ theo Nghị định số 103/2021/NĐ-CP là 6.554 tỷ đồng.

Như vậy, với các chính sách trên, ước số thuế được miễn, giảm là khoảng 35.580 tỷ đồng; số thuế được gia hạn là khoảng 43.058 tỷ đồng, làm giảm thu ngân sách 7 tháng đầu năm hơn 78.600 tỷ đồng.

Hà Lan

Bạn đang đọc bài viết Tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất ngày 4/8. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Các ngân hàng đặt mục tiêu cao trong năm 2024
Vừa qua, một số ngân hàng đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ) với nhiều kế hoạch đáng chú ý liên quan đến việc tái cơ cấu, đẩy mạnh chuyển đổi số, tăng vốn điều lệ.

Tin mới

Hà Tĩnh khai mạc lễ hội du lịch biển năm 2024
Tối 21/4, tại quảng trường Hồ Tùng Mậu (Khu du lịch Thiên Cầm, Cẩm Xuyên), UBND tỉnh Hà Tĩnh đã long trọng tổ chức khai mạc lễ hội du lịch biển năm 2024 với chủ đề “Hà Tĩnh – Thanh âm ngày nắng mới”.