Thứ năm, 25/04/2024 18:17 (GMT+7)
Thứ hai, 14/11/2022 17:55 (GMT+7)

Tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất ngày 14/11

Theo dõi KTMT trên

Giá vàng SJC đồng loạt giảm 100.000 đồng mỗi lượng phiên đầu tuần, nguồn cung xăng dầu dần đi vào ổn định, 2 cổ phiếu ngân hàng ngược dòng tăng giá và được khối ngoại gom mạnh...là những tin tức kinh tế nổi bật ngày 14/11.

Giá vàng SJC đồng loạt giảm 100.000 đồng mỗi lượng phiên đầu tuần

Mở cửa phiên giao dịch ngày 14/11, thương hiệu vàng SJC tại các doanh nghiệp đã đảo chiều giảm 100.000 đồng mỗi lượng, tỷ giá trung tâm cũng giảm 5 đồng.

Theo đó, Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn và Công ty Phú Quý cùng niêm yết giá mua và bán vàng SJC từ 66,50 - 67,50 triệu đồng/lượng, giảm 100.000 đồng mỗi lượng. Cùng thời điểm trên, Công ty Doji Hà Nội niêm yết giá mới từ 66,40-67,40 triệu đồng, cũng giảm 100.000 đồng mỗi lượng.

Tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất ngày 14/11 - Ảnh 1
Giao dịch vàng tại doanh nghiệp. 

Trong tuần qua, thương hiệu vàng SJC có 2 phiên giảm và 3 phiên đi lên nên sau một tuần giao dịch, vàng SJC vẫn giữ mức giá từ đầu tuần. Tuy vậy, chênh lệch chiều mua vào/bán ra vẫn giữ ở mức rất cao lên tới 1 triệu đồng/lượng.

Về phía Công ty Bảo Tín Minh Châu, sáng nay doanh nghiệp này niêm yết giá vàng Rồng Thăng Long từ 52,48 - 53,43 triệu đồng/lượng, không có biến động so với cuối tuần trước. Do điều chỉnh khác nhau nên hiện tại, thương hiệu này tiếp tục thấp hơn giá vàng SJC khoảng 14,4 triệu đồng/lượng.

Trên thế giới, đồng kim loại quý này giao dịch quanh mức 1.763 USD/ounce, giảm 9 USD/ounce so với phiên trước. Khi quy đổi, giá vàng thế giới xấp xỉ 52,8 triệu đồng mỗi lượng.

Theo công bố của Ngân hàng Nhà nước, tỷ giá trung tâm áp dụng ngày hôm nay là 23.678 VND/USD, giảm 5 đồng.

Với biên độ +/-5%, Ngân hàng BIDV áp dụng tỷ giá từ 24.661 - 24.861 đồng/USD, giảm 6 đồng. Phía Ngân hàng VietinBank đưa ra mức giá mới từ 24.625 - 24.862 đồng/USD, cũng giảm 5 đồng.

Tương tự, tỷ giá USD tại Ngân hàng Eximbank cũng giảm 5 đồng, giá mới từ 24.660 - 24.860 đồng/USD (mua vào/bán ra).

Tuy vậy, Ngân hàng Vietcombank niêm yết tỷ giá USD từ 24.630 - 24.860 đồng/USD (mua vào/bán ra), giữ ổn định.

Nguồn cung xăng dầu ổn định

Ngay sau khi có Công điện của Thủ tướng Chính phủ về việc quản lý, điều hành mặt hàng xăng dầu, gửi các Bộ trưởng các Bộ liên quan và Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương vào cuối tuần qua, để ổn định nguồn cung xăng dầu nhiều giải pháp đã được đưa ra để tháo gỡ khó khăn và bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước.

Theo ghi nhận tại một cây xăng trên đường Trần Phú, Hà Đông, Hà Nội sáng nay hoàn toàn không có tình trạng người dân phải xếp hàng dài đi đổ xăng.

Cuối tuần qua, 28 đội quản lý thị trường của Hà Nội cũng đã ra quân kiểm tra hơn 100 cây xăng và 10 doanh nghiệp kinh doanh phân phối xăng dầu trên địa bàn thành phố. Hầu hết các cây xăng đều mở cửa bán hàng.

Theo đại diện Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam: Trong tháng 11, đơn vị đã nhập, mua hơn 1,2 triệu m3, đảm bảo đủ nguồn cho hệ thống phân phối, bán lẻ của tập đoàn trên cả nước.

Ông Trần Ngọc Năm - Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam cho hay: "Một trong những vấn đề rất quan trọng đó là các thương nhân đầu mối phải thực hiện đúng trách nhiệm của mình, đúng sự phân giao của Bộ Công Thương đối với tổng nguồn tối thiểu. Đảm bảo vừa đúng tiến độ, đủ số lượng và chất lượng mặt hàng".

Bộ Công Thương cũng vừa ban hành công điện yêu cầu các doanh nghiệp đầu mối, phân phối phải ký cam kết cung ứng đủ xăng dầu cho các cửa hàng bán lẻ; yêu cầu thực hiện trước ngày 16/11.

2 cổ phiếu ngân hàng ngược dòng tăng giá và được khối ngoại gom mạnh phiên 14/11

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 14/11, có tới 23/27 cổ phiếu ngân hàng chìm trong sắc đỏ, trong đó có 2 mã giảm kịch biên độ là KLB (-14,9%) và EIB (-6,8%). Đây cũng là 2 mã giảm mạnh nhất trong nhóm ngân hàng tuần trước khi thị giá mất lần lượt 19% và 26%.

Tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất ngày 14/11 - Ảnh 2

KLB hôm nay tiếp tục giảm mạnh với thanh khoản rất thấp, chỉ 4.200 cổ phiếu được giao dịch. EIB cũng chỉ có hơn 124.800 cp được khớp lệnh và đáng chú ý đây là phiên nằm sàn thứ 4 liên tiếp của EIB.

Nhiều cổ phiếu ngân hàng khác cũng giảm mạnh phiên hôm nay, có thể kể đến như ABB (-8,1%), BVB (-7%), VAB (-5,6%), MBB (-5%), SHB (-4,8%), VPB (-3,7%),…Những cổ phiếu giảm ít nhất là BID (-0,3%), VCB (-0,5%), VIB (-0,6%),…

Ngoài ra, NVB đứng giá tham chiếu và 3 cổ phiếu tăng giá là CTG (1,3%), STB (1,6%), SGB (3,2%).

STB gây chú ý với khối lượng giao dịch hơn 36,9 triệu cp trong hôm nay, giá trị 570 tỷ đồng. Cổ phiếu này được khối ngoại gom mạnh khi mua vào tới hơn 23 triệu cp trong khi bán ra chỉ 1,2 triệu cp, tức mua ròng tới hơn 21,8 triệu đơn vị, giá trị tương ứng là 335 tỷ đồng. Trước đó, phiên giao dịch cuối tuần trước (11/11), nhà đầu tư nước ngoài cũng đã mua ròng hơn 25 triệu cp STB, giá trị 403 tỷ đồng.

CTG cũng được khối ngoại quan tâm khi mua ròng hơn 3,3 triệu cp phiên hôm nay. Trong tuần trước (7 - 11/11), cổ phiếu này cũng đã được mua ròng hơn 6 triệu đơn vị.

Một cổ phiếu khác cũng được mua ròng là HDB. Nhà đầu tư nước ngoài mua vào 3,5 triệu cp này trong khi bán ra 1 triệu cp ngày 14/11. Giá cổ phiếu HDB biến động khá mạnh khi có thời điểm giảm sàn xuống 13.800 đồng/cp, tuy nhiên nỗ lực hồi phục cuối phiên đã giúp cổ phiếu này về mức 14.600 đồng/cp, thu hẹp mức giảm còn 1,4%. Thanh khoản HDB tăng mạnh với hơn 6,6 triệu cp được khớp lệnh, gấp 3 lần phiên trước đó.

Liên tiếp các phiên giảm mạnh đã khiến thị giá của 6 mã ngân hàng rơi xuống dưới mệnh giá, gồm có 5 mã trên UPCoM là VAB, ABB, VBB, NAB, BVB và một mã trên HoSE là SHB. Ngoài ra, LPB cũng đang về sát mốc này khi đóng cửa 14/11 còn 10.300 đồng/cp.

VIB dự kiến chia cổ tức bằng tiền mặt lên tới 35% vốn điều lệ

Ngày 14/11, lãnh đạo Ngân hàng Thương mại cổ phần Quốc tế (VIB) cho biết sau khi kết thúc năm tài chính 2022, VIB có thể sẽ chia cổ tức tiền mặt lên tới 35% vốn điều lệ, nghĩa là mỗi cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu VIB có thể nhận được 3.500 đồng cổ tức.

Con số này có thể cao hơn nhiều nếu các khoản thu bất thường kịp ghi nhận trong năm 2022. Sau khi chi trả cổ tức, VIB vẫn hoàn toàn tuân thủ các hệ số an toàn theo tiêu chuẩn của Ngân hàng Nhà nước và các tiêu chuẩn chọn lọc của Basel II và Basel III. Hệ số an toàn vốn (CAR) Basel II của VIB sau khi chi trả cổ tức dự kiến sẽ ở mức trên 10%, cao hơn so với mức 8% theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.  

Thực hiện hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng, trong đó có VIB đã không chia cổ tức tiền mặt trong 3 năm 2020-2022. Thay vào đó, VIB đều đặn chia cổ phiếu thưởng cho cổ đông trong với tỷ lệ 20% trong năm 2020, năm 2021 là 40% và 35% trong năm 2022, chưa kể ESOP và cổ phiếu thưởng cho cán bộ nhân viên.

Trước đó, trong suốt giai đoạn 2017-2019, ngân hàng này đã liên tục thực hiện việc chia cổ tức bằng tiền mặt hàng năm cho cổ đông. Kế hoạch quay lại thực hiện chia cổ tức tiền mặt trong năm 2023 trong khi vẫn duy trì các chỉ số an toàn, hiệu quả sau 3 năm chịu ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 là điều thiết thực và phù hợp với nguyện vọng của đa số cổ đông.

Lãnh đạo VIB cho biết ngân hàng sẽ tính toán mức cổ tức tối ưu để trình Đại hội đồng cổ đông vào đầu năm 2023, phù hợp với chủ trương của Ngân hàng Nhà nước. Nếu phương án chi trả cổ tức tiền mặt đệ trình được Đại hội đồng cổ đông VIB thông qua và được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận thì đây sẽ là tin vui mà các cổ đông đặc biệt mong đợi sau một thời gian dài việc chia cổ tức bằng tiền mặt bị ngắt quãng.

Thêm vào đó, VIB là ngân hàng luôn tổ chức họp Đại hội đồng cổ đông sớm và thường hoàn thành việc chia cổ tức trong vòng 6 tháng đầu năm, nghĩa là các cổ đông của ngân hàng này hoàn toàn có thể kỳ vọng sớm nhận được cổ tức trong vòng 6-7 tháng nữa.

Với kỳ vọng này, chiến lược trở thành ngân hàng bán lẻ hàng đầu tại Việt Nam về cả chất lượng và quy mô mà VIB kiên trì theo đuổi suốt hơn 5 năm qua dường như đã thực sự phát huy lợi thế, đặc biệt trong bối cảnh thị trường hiện tại, giúp ngân hàng duy trì hiệu quả kinh doanh và các chỉ số an toàn ở nhóm cao nhất tại Việt Nam và khu vực ASEAN trong nhiều năm qua.

Hải Anh

Bạn đang đọc bài viết Tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất ngày 14/11. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

WB: Kinh tế Việt Nam đang hồi phục tăng trưởng
Theo Báo cáo cập nhật kinh tế 6 tháng Điểm lại mới nhất của Ngân hàng Thế giới (WB) được công bố ngày 23/4, Kinh tế Việt Nam đang có những tín hiệu phục hồi khác nhau, với dự báo tăng trưởng sẽ đạt 5,5% vào năm 2024 và tăng dần lên 6,0% vào năm 2025.

Tin mới

Hiến giọt máu đào, trao đời sự sống
Đây là chủ đề của chương trình hiến máu tình nguyện, được Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam phối hợp với Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương tổ chức ngày 24/4.