Tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất hôm nay 4/3/2022
Vàng tiến sát mốc 68 triệu đồng/lượng, VCCI đề nghị giảm 2.000 đồng tiền thuế trên mỗi lít xăng,... là những tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất hôm nay 4/3/2022.
Giá vàng lập đỉnh mới, tiến sát mốc 68 triệu đồng/lượng
Trong bối cảnh vàng thế giới tăng trở lại đi kèm triển vọng tích cực trong dài hạn, giá vàng trong nước sáng nay cũng một lần nữa lập đỉnh mới ở vùng gần 68 triệu đồng/lượng.
Cụ thể, trong phiên giao dịch sáng nay, Công ty CP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) là doanh nghiệp niêm yết giá vàng miếng cao nhất thị trường với 66,7 triệu/lượng (mua) và 67,9 triệu/lượng (bán). So với ngày 3/3, giá mua vào tại đây chỉ tăng 100.000 đồng nhưng giá bán ra đã tăng tới nửa triệu đồng.
Đây không chỉ là mức giá cao nhất mà PNJ đưa ra mà còn là mức giá cao nhất mà một doanh nghiệp trong nước niêm yết với mặt hàng vàng miếng.
So với cuối tuần trước, giá bán vàng miếng tại PNJ đã tăng một mạch 2,1 triệu đồng/lượng, tương đương 3,2% giá trị.
Không chỉ vàng miếng, giá vàng nhẫn do PNJ chế tác cũng tăng đạt đỉnh mới trong sáng nay, hiện mua vào hiện ở mức 54,9 triệu/lượng và bán ra ở 55,8 triệu đồng, tăng lần lượt 200.000 đồng chiều mua và 300.000 đồng chiều bán so với hôm qua.
Cũng ghi nhận xu hướng tăng trong sáng nay, Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC) niêm yết giá vàng miếng ở mức 66,8 - 67,55 triệu/lượng (mua vào - bán ra), tăng 200.000 đồng so với cuối ngày hôm qua. Nếu tính riêng tại SJC, đây cũng là mức giá cao nhất doanh nghiệp này từng đưa ra với vàng miếng.
Tương tự PNJ, giá vàng nhẫn SJC loại 99,99% sáng nay cũng thiết lập đỉnh cao mới khi được mua vào ở 54,85 triệu/lượng và bán ra ở 55,65 triệu/lượng, tăng 150.000 đồng so với chiều 3/3.
Tập đoàn Vàng bạc Đá quý DOJI hiện cũng tăng giá mua - bán vàng miếng với mức 66,6 triệu/lượng (mua) và 67,45 triệu/lượng (bán). So với cuối ngày hôm qua, giá mua tại đây đã tăng tới 700.000 đồng, trong khi giá bán chỉ tăng 50.000 đồng. Việc điều chỉnh này của DOJI chủ yếu để thu hẹp chênh lệch giá kim loại quý khi nhu cầu giao dịch của nhà đầu tư trong nước giảm đi.
Với diễn biến kể trên, tính trong tuần này, giá vàng miếng tại cả SJC và DOJI đều đã ghi nhận mức tăng gần 2 triệu đồng.
VCCI đề nghị giảm 2.000 đồng tiền thuế trên mỗi lít xăng
Ngày 4/3, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã có văn bản gửi Bộ Tài chính, góp ý dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn.Theo VCCI, dự thảo hiện đang đề xuất phương án giảm 1.000 đồng/lít với xăng và 500 đồng/lít/kg với dầu, mỡ nhờn đến hết năm 2022. "Mặc dù đây là phương án tích cực nhưng theo phản ánh của các doanh nghiệp, hiệp hội thì việc giảm thuế bảo vệ môi trường cần cân nhắc tiến hành mạnh mẽ hơn"- VCCI nêu rõ.
VCCI cho rằng giá bán lẻ xăng dầu đã đạt mức cao kỷ lục từ trước đến nay và dự báo tiếp tục tăng cao trong thời gian tới trong bối cảnh xung đột quân sự cũng như các trừng phạt kinh tế đang diễn ra căng thẳng tại châu Âu và có xu hướng leo thang.
Giải pháp trợ lực giảm thuế phí từ Nhà nước rất quan trọng trong bối cảnh sức khỏe của doanh nghiệp và cả nền kinh trong giai đoạn này đang ốm yếu, cần hồi phục. Hơn nữa giải pháp này cũng khả thi khi Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ giá xuất khẩu dầu thô tăng và tình hình thu ngân sách 2 tháng đầu năm 2022 rất khả quan.
VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc trình thêm một phương án nữa có mức giảm mạnh hơn, chẳng hạn áp dụng mức giảm 2.000 đồng/lít với xăng; 1.000 đồng/lít với dầu, mỡ nhờn. Thời hạn giảm có thể ngắn hơn, chẳng hạn 3-6 tháng nếu giá xăng dầu ổn định trở lại thay vì áp dụng một mức cố định trong cả 8 tháng, đến hết năm 2022.
TP.HCM mỗi ngày thu về hơn 2.516 tỷ đồng
Báo cáo tại phiên họp thường kỳ về tình hình kinh tế - xã hội, thu chi ngân sách tháng 2/2022, bà Phạm Thị Hồng Hà, Giám đốc Sở Tài chính TP.HCM cho biết, ước thu ngân sách Nhà nước trong tháng 2/2022 là 88.044 tỷ đồng, đạt 22,78% dự toán năm và tăng 14,85% so với cùng kỳ.
Trong đó, thu nội địa đạt 69.534 tỷ đồng, đạt 25,75% dự toán, tăng 19,07% so với cùng kỳ; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 18.500 tỷ đồng, đạt 15,88% dự toán, tăng 1,35% so với cùng kỳ.
Đáng chú ý, trong 2 tháng đầu năm, có một số khoản thu đã đạt trên 25% dự toán và tăng hơn so với cùng kỳ.
Thứ nhất, số thuế thu nhập cá nhân đạt 11.016 tỷ đồng, tăng 16,61% so với cùng kỳ nhờ thị trường bất động sản năm 2022 đang có dấu hiệu ấm dần, hoạt động sản xuất kinh doanh, đầu tư vốn, chứng khoán của nhà đầu tư sôi nổi, tăng trường tốt trong những tháng đầu năm.
Đặc biệt, người dân tận dụng chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ ô tô theo Nghị định số 03/2021/NĐ-CP và nhu cầu sở hữu ô tô trước tết tăng cao, nên số thu lệ phí trước bạ cũng ghi nhận tăng 50,30% so với cùng kỳ, đạt 1.420 tỷ đồng.
Thứ hai, là nhờ một số khoản thu phát sinh thu đột biến. Cụ thể, tiền sử dụng đất đạt 8.884 tỷ đồng, tăng hơn 300% so với cùng kỳ do các công ty thực hiện nộp tiền sử dụng đất 1 lần ngay từ đầu năm.
Đặc biệt, khoản thu ngân sách khác ghi nhận 915,115 tỷ đồng, tăng hơn 100% so với cùng kỳ nhờ phát sinh khoản thu đặt cọc 658 tỷ đồng trong cuộc đấu giá 4 lô đất ở Khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Nhờ vậy, kết quả thu ngân sách 2 tháng đầu năm 2022 đạt trên 22% so với dự toán, số thu ngân sách trung bình 1 ngày trong 2 tháng đầu năm là 2.516 tỷ đồng, bằng 162,03% so với mức thu 1 ngày làm việc của Thành phố phải thu (1.552 tỷ đồng).
Từ ngày 5/3, Lạng Sơn tiếp tục nhận hàng xuất khẩu tới biên giới
Theo Văn bản số 326/SCT-QLTM của Sở Công thương Lạng Sơn gửi Sở công thương các tỉnh, thành phố và các doanh nghiệp, thương nhân kinh doanh xuất nhập khẩu hàng hóa qua địa bàn tỉnh Lạng Sơn nêu rõ: Trên cơ sở đánh giá tình hình thực tế năng lực bến bãi, năng lực thông quan tại các cửa khẩu của tỉnh Lạng Sơn và thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở công thương Lạng Sơn đã 2 lần (Văn bản số 220/SCT-QLTM và 268/SCT-QLTM) thông báo tạm dừng tiếp nhận phương tiện chở hoa quả tươi đến cửa khẩu đường bộ của tỉnh đến hết ngày 5/3/2022.
Căn cứ vào năng lực dung chứa của các bến bãi ở biên giới, Sở Công thương thông báo, Lạng Sơn sẽ tiếp tục tiếp nhận hàng hóa đến cửa khẩu của tỉnh từ 5/3.
7 hiệp hội đề nghị điều chỉnh giảm mức thu phí cảng biển tại TP.HCM
Theo đó, 7 hiệp hội gồm: Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), Thực phẩm minh bạch (AFT), Dệt May Việt Nam (VITAS), Da giày Túi xách Việt Nam (LEFASO), Sữa Việt Nam (VDA), Nhựa Việt Nam (VPA) và Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ Hồ Chí Minh (HAWA) đã kiến nghị tới Văn phòng Chính phủ, Hội đồng Tư vấn Cải cách Thủ tục hành chính và HĐND và UBND TP.HCM, đề nghị lùi thời gian thu phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu, cảng biển trên địa bàn TP.HCM theo Nghị quyết số 10/2020/NQ-HĐND đến hết ngày 31/12/2022, bởi còn nhiều bất cập trong quy định về mức thu phí này.
Các hiệp hội cho rằng từ ngày 1/4/2022, thực hiện Nghị quyết số 10/2020/NQ-HĐND về ban hành mức thu phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu, cảng biển TP.HCM có mức phí khá cao và thời gian áp dụng chưa phù hợp.
Cụ thể, về mức thu, với hàng tạm nhập tái xuất, gửi kho ngoại quan, hàng quá cảnh, chuyển khẩu: Container 20ft hàng khô: 2.200.000 đồng/cont; container 40ft hàng khô: 4.400.000 đồng/cont; hàng lỏng, hàng rời không đóng trong container: 50.000 đồng/tấn.
Đối với hàng hóa xuất khẩu hoặc nhập khẩu mở tờ khai ngoài TP.HCM: Container 20ft hàng khô: 500.000 đồng/cont; container 40ft hàng khô: 1.100.000 đồng/cont; hàng lỏng, hàng rời không đóng trong container: 30.000 đồng/tấn.
Đối với hàng hóa nhập khẩu hoặc xuất khẩu mở tờ khai tại TP.HCM: Container 20ft hàng khô: 250.000 đồng/cont; container 40ft hàng khô: 500.000 đồng/cont; hàng lỏng, hàng rời không đóng trong container: 15.000 đồng/tấn.
Hà Lan (T/h)