Thứ năm, 02/05/2024 12:20 (GMT+7)
Thứ tư, 12/07/2023 15:50 (GMT+7)

Tiêu thụ điện tăng cao kỷ lục trong những ngày nắng nóng gay gắt

Theo dõi KTMT trên

Thời tiết nắng nóng kéo dài ở miền Bắc khiến hệ thống điện ghi nhận mức công suất và sản lượng tiêu thụ điện cao nhất từ trước đến nay với 465,9 triệu kWh.

Theo thông tin từ Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) vừa công bố, thời tiết nắng nóng ở miền Bắc kéo dài từ ngày 6/7 - 9/7 khiến sản lượng tiêu thụ điện, công suất điện tăng cao kỷ lục.

Trong đó, ngày 7/7, hệ thống điện miền Bắc đã ghi nhận mức công suất và sản lượng tiêu thụ điện cao nhất từ trước đến nay với 465,9 triệu kWh - - tăng 104% so với cùng kỳ năm trước và công suất đỉnh hệ thống điện Pmax đạt 23.094 MW, tăng 103%.

Sản lượng trung bình ngày toàn quốc trong thời gian này đạt 853,3 triệu kWh, cao hơn so với tuần trước đó khoảng 45,7 triệu kWh. Công suất cực đại đạt 45.305,3MW (cũng vào ngày 7/7), cao nhất từ đầu năm đến nay và tăng 3.482,6 MW so với tuần trước.

Tiêu thụ điện tăng cao kỷ lục trong những ngày nắng nóng gay gắt - Ảnh 1
Nắng nóng ở miền Bắc kéo dài khiến sản lượng tiêu thụ điện, công suất điện tăng cao kỷ lục.

Nếu so sánh với cùng kỳ năm ngoái, sản lượng tiêu thụ điện trung bình ngày của miền Bắc năm nay tăng 104%, công suất đỉnh lớn nhất tăng 103%. Dù nhu cầu điện tăng cao kỷ lục nhưng cung cấp điện ở miền Bắc vẫn được đảm bảo, do mực nước các hồ thủy điện đã được cải thiện và có nhiều phương án sẵn sàng cung ứng điện.

Nguyên nhân là do lượng nước về các hồ chứa thủy điện trong cả nước tăng cao, mực nước tại các hồ thủy điện lớn ở phía Bắc đã cao hơn từ 10 - 25 m so với mực nước chết.

Cùng với đó, sự cố các nhà máy nhiệt điện cũng được sửa chữa kịp thời, huy động năng lượng tái tạo tăng đã cơ bản khắc phục được tình trạng thiếu điện ở miền Bắc. 

Mặc dù phụ tải tăng cao kỷ lục nhưng do công tác chuẩn bị kỹ lưỡng và tình hình thủy văn các hồ miền Bắc được cải thiện, hệ thống điện đáp ứng được nhu cầu phụ tải. Các nhà máy thủy điện đa mục tiêu miền Bắc được huy động tiết kiệm, để hỗ trợ đáp ứng sản lượng và đảm bảo công suất khả dụng hệ thống miền Bắc. Thuỷ điện miền Nam được huy động tối ưu theo tình hình thủy văn thực tế để đảm bảo cung ứng điện.

Trong tuần tới, nếu không có sự cố đặc biệt, dự báo miền Bắc sẽ không có tái diễn cảnh cắt điện luân phiên. Mực nước giới hạn đã được tính toán cập nhật phù hợp tình hình vận hành hệ thống điện và yêu cầu nước của địa phương, cũng như quy trình liên hồ nhằm đảm bảo đủ nước đáp ứng an ninh cung cấp điện và nhu cầu nước hạ du đến hết mùa khô 2023.

Cũng theo Cục Điều tiết điện lực, dự kiến từ 10/7 - 15/7 miền Bắc bước vào giai đoạn nắng nóng kéo dài với mức nhiệt từ 37 - 39 độ C. Nhiệt độ tăng cao kéo theo phụ tải sẽ tăng cao, dự kiến sản lượng tiêu thụ của miền Bắc sẽ tăng 102,3% so với tuần từ ngày 3 - 7/7. 

Trong bối cảnh đó, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam tiếp tục chỉ đạo các đơn vị liên quan nỗ lực tối đa trong công tác đảm bảo điện như: tăng cường các nguồn điện, vận hành linh hoạt hồ chứa; đôn đốc các nhà máy nhiệt điện tập trung ưu tiên xử lý sự cố các tổ máy; đảm bảo cung ứng than, khí cho phát điện; tăng cường vận hành an toàn hệ thống truyền tải điện; đẩy mạnh tuyên truyền về thực hành tiết kiệm điện…

Hiện miền Bắc đã bước vào giai đoạn bắt đầu có mưa lũ, mức nước của hầu hết các hồ thủy điện lớn đều đã đủ nước để phát điện.

“Miền Bắc đã cơ bản không còn thiếu điện do khu vực miền Bắc đang bước vào giai đoạn lũ chính vụ, lưu lượng nước về các hồ thủy điện dự kiến sẽ tăng cao hơn so với thời gian qua.

Vì vậy, các nhà máy thủy điện miền Bắc cần phải được điều chỉnh huy động cao, vừa để đảm bảo cung cấp điện cho hệ thống điện miền Bắc, đồng thời hạ dần mực nước hồ để tạo dung tích đón lũ, phòng lũ theo quy định”, Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia đưa ra nhận định.

Lan Anh

Bạn đang đọc bài viết Tiêu thụ điện tăng cao kỷ lục trong những ngày nắng nóng gay gắt. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

9,27 tỷ USD vốn FDI chảy vào Việt Nam trong 4 tháng đầu năm
Tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam tính đến ngày 20/4/2024 bao gồm: Vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 9,27 tỷ USD, tăng 4,5% so với cùng kỳ năm trước.

Tin mới