Thực trạng lương tăng nhưng người lao động ở Nhật vẫn phải thắt chặt chi tiêu
Sau hơn 2 năm mức lương thực tế mới có cơ hội được tăng nhưng dường như người lao động ở Nhật Bản vẫn không muốn tăng, thậm chí còn phải giảm chi tiêu. Điều này là do đâu?
Vào tháng 6/2024 vừa qua, mức lương thực tế điều chỉnh theo lạm phát của Nhật đã chính thức tăng lần đầu tiên sau 27 tháng kể từ khi mức lương danh nghĩa tăng với tốc độ nhanh nhất trong 30 năm trở lại đây. Dữ liệu từ Bộ Lao động Nhật bản cho thấy, ngân hàng trung ương nước này đang đồng tình với đề xuất mở rộng mức tăng lương cho người lao động.
Được biết, mức lương thực tế của người lao động ở Nhật Bản đã tăng 1,1% vào tháng 6 và giảm 1,3% vào tháng 5 trước đó. Còn mức lương cho nhân viên chính thức tăng 2,7% vào tháng 6 và tăng 2,6% vào tháng 5. Trong khi đó, mức lương danh nghĩa đã tăng 4,5% lên mức 498.884 yên (tương đương 87,5 triệu đồng). Lương danh nghĩa được hiểu là tổng thu nhập tiền mặt trung bình của mỗi người lao động. Mức tăng lương mà các công ty Nhật Bản đưa ra trong cuộc đàm phán tiền lương năm 2024 đang góp phần thúc đẩy thu nhập hộ gia đình.
Mặc dù mức lương có điều chỉnh tăng nhưng chi tiêu của các hộ gia đình lại giảm nhiều trong tháng 6. Theo dữ liệu được công bố vào ngày 6/8, chi tiêu hộ gia đình đã giảm 1,4% trong tháng 6 so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức giảm cao hơn so với mức dự báo trung bình của thị trường là 0,9%. Điều này có nghĩa chi phí sinh hoạt tăng cao đang khiến người tiêu dùng không muốn tăng chi tiêu.
Với tình trạng này, kế hoạch tăng lãi suất đều đặn của Ngân hàng Nhật Bản (Bank of Japan - BOJ) có thể sẽ bị trì hoãn. Theo phân tích của các chuyên gia, đợt bán tháo mới nhất của thị trường cổ phiếu toàn cầu trong phiên đầu tuần vừa qua cũng có thể gây ảnh hưởng tiêu cực tới tâm lý người tiêu dùng.
Theo: Reteurs
Gia Tuệ