Thứ sáu, 22/11/2024 22:42 (GMT+7)
Thứ sáu, 22/11/2019 07:05 (GMT+7)

Thừa Thiên Huế: Ký ức làng Rồng sau 20 năm ‘Đại hồng thủy’

Theo dõi KTMT trên

Chỉ trong một đêm kinh hoàng vào ngày 2/11/1999, trận lũ “đại hồng thủy” bất ngờ đổ về đã quét sạch làng Hải Thành (thị trấn Thuận An, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế). Sau đó, làng Rồng được khai sinh sau trận lũ lịch sử qua đi, do nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu đặt cho những người dân may mắn sống sót, sinh sống trên vùng đất mới.

Thừa Thiên Huế: Ký ức làng Rồng sau 20 năm ‘Đại hồng thủy’ - Ảnh 1
Khu vực làng Rồng (thị trấn Thuận An, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế), sau 20 năm.

Ký ức trận lũ “đại hồng thủy”

Sau 20 năm, tại làng Rồng, những ngôi nhà hai tầng được xây dựng kiên cố, khang trang mọc lên ngày càng nhiều hơn, cuộc sống của người dân đang đổi thay từng ngày. Trong ký ức của người dân làng Rồng, thời khắc sinh tử trong trận lũ “đại hồng thủy” năm ấy không bao giờ quên được.

Chia sẻ với PV Kinh tế Môi trường, ông Trần Văn Thu – người dân sinh sống tại làng Rồng, kể lại: “Năm ấy, trận lũ đã cướp đi 12 người trong gia đình tôi. Vào đêm 2/11/1999, khi biết lũ đang dâng cao, tôi liền đưa 3 con nhỏ và vợ sang nhà ông bà nội để tránh lũ vì đây là căn nhà kiên cố nhất làng. Sau đó, tôi quay lại nhà của mình để cất dọn đồ đạc, khi trở lại, thì nước đã lên quá cao và tôi cũng bị nước lũ cuốn đi. Lúc đó, tôi bị thương ở chân, trong lúc chới với giữa đêm tối, may mắn tôi gặp chiếc thuyền của người dân và được chở vào đồn biên phòng để cấp cứu. Sau đó, đập Hòa Duân bị vỡ, nước lũ chảy siết đã cuốn đi cả gia đình tôi”.

Ðược biết, vào năm 1999, đập Hòa Duân bị vỡ trong trận lũ lịch sử đó đã xóa sổ toàn bộ làng Hải Thành (thị trấn Thuận An) với 64 ngôi nhà, 14 người dân thiệt mạng. Sau khi có chỉ đạo của Tổng Bí thư, Quân khu 4 đã huy động các chiến sĩ khẩn cấp tái thiết cuộc sống mới cho những hộ dân mất nhà, tái lập một ngôi làng mới tại thị trấn Thuận An.

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Văn Mễ - nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, trận lũ lịch sử năm vào năm 1999, tỉnh Thừa Thiên - Huế thiệt hại nặng nề, toàn tỉnh có hơn 350 người chết, nhiều làng mạc bị xóa sổ. Khi Tổng Bí thư vào chứng kiến cảnh đau thương mất mát của người dân tỉnh Thừa Thiên - Huế và làng biển Hải Thành đã quyết định, tìm cách ổn định đời sống cho người dân.

Làng Rồng “hồi sinh”

Ðến nay, làng Rồng đã có 64 hộ dân với 276 nhân khẩu. Người dân trong làng chủ yếu sinh sống bằng nghề đi biển và buôn bán. Toàn thôn có nhiều nhà 2 tầng khang trang và nhiều học sinh đỗ đại học, cao đẳng. Ðặc biệt, cả làng không có hộ nghèo, cuộc sống của người dân trong làng ngày càng phát triển.

Thừa Thiên Huế: Ký ức làng Rồng sau 20 năm ‘Đại hồng thủy’ - Ảnh 2
Ông Phan Ngọc Thọ (áo xanh) Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế trong một lần đến thăm hỏi bà con làng Rồng.

Ðể có sự thay đổi của làng Rồng đến ngày hôm nay, ông Nguyễn Văn Giàu - Phó Chủ tịch UBND thị trấn Thuận An cho biết, sau trận lũ “đại hồng thủy”, với sự nỗ lực vươn lên của từng người đân, từng hộ gia đình và nhờ sự quan tâm, giúp đỡ từ Trung ương và chính quyền địa phương nên đời sống của người dân làng Rồng đã cải thiện đi lên từng ngày, ổn định cuộc sống mới.

Sau 20 năm trận lũ “đại hồng thủy” qua đi, ông Phan Ngọc Thọ - Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế cùng đoàn công tác đã đến thăm hỏi, tặng quà, động viên các gia đình có người thiệt mạng trong trận lũ lịch sử tại làng Rồng.

Trước những thành tựu mà người dân làng Rồng đã xây dựng, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế rất vui mừng khi thấy người dân nơi đây đã biết vượt qua những khó khăn, mất mát, thiếu thốn của những ngày đầu. Ðến nay, cuộc sống của người dân làng Rồng đã có những khởi sắc, với những ngôi nhà mới vươn cao, cơ sở hạ tầng được đầu tư đầy đủ.

Trong buổi thăm hỏi người dân làng Rồng, ông Phan Ngọc Thọ cho hay, sau 20 năm xảy ra trận lũ lịch sử, được sự hỗ trợ của Trung ương Ðảng, Chính phủ, tất cả các khu vực dân cư bị thiệt hại do cơn lũ 1999 đã được hồi sinh, trong đó có làng Rồng.

“Mất mát nào rồi cũng sẽ qua đi, chúng ta phải biết phát huy tinh thần vượt khó, nỗ lực cùng nhau vươn lên, biến khó khăn thành cơ hội, luôn hướng về phía trước. Người dân và chính quyền phải cùng nhau đoàn kết để xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp hơn, người dân có cuốc sống no ấm và hạnh phúc” - ông Phan Ngọc Thọ chia sẻ.

Cũng trong buổi thăm hỏi, lãnh đạo tỉnh cùng đoàn đã đến thắp hương, dâng hoa tại nơi thờ 2 liệt sĩ: Trung sỹ Lê Ðình Tư và Ðại úy Phạm Văn Ðiền, cán bộ Hải Ðội 2 (Bộ đội biên phòng tỉnh Thừa Thiên - Huế) hi sinh trong lúc làm nhiệm vụ cứu dân trong trận lũ năm 1999. Cùng với đó, lãnh đạo tỉnh cũng đã thăm, tặng quà các gia đình có nạn nhân trong vụ sạt lở đợt lũ lịch sử năm 1999 ở Mũi Né (thị trấn Phú Lộc, huyện Phú Lộc), thắp hương khu thờ chung của 13 nạn nhân tử vong do trận lũ “đại hồng thủy”.

Ðược biết, làng Rồng là tên do chính nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu đặt, với mong muốn những người dân sau đại họa sẽ có cuộc sống đầy đủ, ấm no và phát triển mạnh mẽ hơn.

Trường Sơn – Đại Nghĩa

Bạn đang đọc bài viết Thừa Thiên Huế: Ký ức làng Rồng sau 20 năm ‘Đại hồng thủy’. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới