Thêm hơn 51.000 hộ dân ở địa bàn khó khăn có điện lưới quốc gia
EVN cho biết, trong giai đoạn 2016-2020, Tập đoàn đã đầu tư cấp điện cho hơn 51.000 hộ dân chưa có điện tại địa bàn khó khăn, vùng biên giới.
Việc đầu tư cấp điện nông thôn, miền núi, hải đảo tiếp tục được Tập đoàn chú trọng, đặc biệt khu vực chưa có điện, góp phần thực hiện xóa đói giảm nghèo, giải quyết kịp thời các vấn đề phát triển kinh tế - xã hội ở các địa phương và giữ vững quốc phòng-an ninh, chủ quyền đất nước.
Như vậy đến cuối năm 2019, có 100% số xã trên cả nước có điện lưới quốc gia và 99,52% số hộ dân; trong đó có 99,25% số hộ dân nông thôn được sử dụng điện.
Lắp dựng cột trên địa bàn huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam. Ảnh: Ngọc Hà/TTXVN |
Trong 5 năm qua, Tập đoàn đã tiếp nhận và bán điện trực tiếp tại 11/12 huyện đảo trên cả nước, đặc biệt đã cấp điện và quản lý vận hành cho huyện đảo Trường Sa, góp phần giữ vững chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
Bên cạnh đó, Tập đoàn thường xuyên quan tâm, xây dựng lực lượng dân quân tự vệ, sẵn sàng hoàn thành tốt nhiệm vụ về chính sách dân quân tự vệ; đảm bảo an toàn tại các công trình điện, góp phần đảm bảo an ninh trật tự tại địa phương nơi đơn vị đứng chân.
Như vậy với những cố gắng này, Tập đoàn đã hoàn thành chương trình đưa điện về nông thôn, miền núi, hải đảo. Hầu hết các hộ dân nông thôn có điện theo Nghị quyết của Đảng, góp phần xây dựng nông thôn mới và đảm bảo quốc phòng, an ninh của đất nước.
Theo EVN, bước vào giai đoạn 2016-2020, trước những khó khăn, thách thức trong việc đảm bảo cung ứng điện và cân đối tài chính, Đảng ủy Tập đoàn đã ban hành Nghị quyết về nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và tăng năng suất lao động, trên cơ sở đó, Tập đoàn đã xây dựng đề án và tổ chức thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhóm giải pháp tăng doanh thu, tiết kiệm chi phí. Các giải pháp này đã góp phần quan trọng giúp cho hoạt động sản xuất kinh doanh của Tập đoàn có lãi, nâng cao năng lực tài chính, bảo toàn và phát triển vốn, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ nhà nước, với giá trị nộp ngân sách tăng qua các năm. Một số chỉ tiêu còn hoàn thành vượt mức trước 1-2 năm so với kế hoạch 5 năm Chính phủ giao.
Cụ thể, doanh thu toàn Tập đoàn tăng bình quân 12,8%/năm; tiết kiệm chi phí sản xuất kinh doanh hàng năm, tương đương 7,5% chi phí định mức, riêng năm 2020 dự kiến đạt 10%. Đến cuối năm 2019, tổng giá trị tài sản toàn Tập đoàn đạt 712.678 tỉ đồng, tăng 24% so với năm 2015; trong đó vốn chủ sở hữu là 219.092 tỉ đồng, tăng 42%. Hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu là 2,25 lần, tỉ lệ tự đầu tư 30,7%.
Đánh giá của EVN cho thấy, mặc dù nhu cầu phụ tải tăng trưởng thấp hơn so dự kiến kế hoạch 5 năm 2016-2020 khoảng 4,2 tỉ kWh, nhưng năng suất lao động sản xuất kinh doanh điện toàn Tập đoàn đến năm 2020 ước đạt 2,6 triệu kWh/người. Tốc độ tăng năng suất lao động bình quân giai đoạn 2016-2020 là 10,4%/năm vượt so với chỉ tiêu đề ra.
Đáng chú ý, tỉ lệ tổn thất điện năng toàn Tập đoàn đã giảm mạnh, từ 7,94% năm 2015 xuống còn 6,49% năm 2019 và về đích sớm 1 năm so với chỉ tiêu Kế hoạch 5 năm 2016-2020 được Thủ tướng Chính phủ giao, đồng thời vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Tập đoàn lần thứ II, nhiệm kỳ 2015-2020 đề ra là 6,5%. Độ tin cậy cung cấp điện tiếp tục được cải thiện, đã tăng lên từ 20-50%/năm.
Trong 5 năm tới (2020-2025), EVN tiếp tục đổi mới công tác kinh doanh và nâng cao chất lượng dịch vụ khách hàng; Chú trọng hiện đại hóa, ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý vận hành và kinh doanh bán điện. Cùng với đó, triển khai ứng dụng công nghệ đo đếm, truyền dữ liệu và xử lý dữ liệu khách hàng, ứng dụng công nghệ thông minh cho phép trao đổi thông tin dữ liệu theo phương thức hai chiều giữa nhà cung cấp dịch vụ điện với khách hàng.
Cùng với việc thực hiện các biện pháp giảm thời gian tiếp cận điện năng, rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục của Điện lực và đề xuất, kiến nghị các bộ, ngành, địa phương giảm thủ tục liên quan, Tập đoàn còn hoàn thiện, hiện đại hoá công nghệ bảo dưỡng và sửa chữa hệ thống lưới đang vận hành, trang bị thiết bị bảo dưỡng, sửa chữa nóng để giảm tối thiểu số lần và số giờ cắt điện.
Đặc biệt, Tập đoàn thực hiện thu tiền điện bằng các hình thức tiên tiến, thanh toán các dịch vụ điện lực mọi lúc mọi nơi; Nâng cao tỉ lệ thanh toán tiền điện qua ngân hàng.
Ngoài ra, EVN cũng tiếp tục thực hiện các biện pháp để tiếp tục giảm tổn thất điện năng; Nghiên cứu xây dựng và ban hành sàn tỉ lệ tổn thất điện năng chuẩn của một đường dây cao thế, trung thế, trạm biến áp công cộng theo hiện trạng lưới điện (đã cải tạo hay chưa cải tạo), công suất và sản lượng điện của phụ tải, bán kính cấp điện... đảm bảo điều kiện kỹ thuật - kinh tế, làm cơ sở ra quyết định đầu tư, cải tạo nâng cấp, đồng thời cũng làm cơ sở để tính toán, giao chỉ tiêu kế hoạch cho các đơn vị thực hiện.
Mai Phương