Thêm 6.575 tỉ đồng chảy về dự án KĐT Sài Gòn – Bình An?
SDI Corp vừa phát hành thành công 6.575 tỉ đồng trái phiếu kỳ hạn 3 năm, tài sản thế chấp là toàn bộ lợi ích thu được từ ô đất CT07 tại dự án KĐT Sài Gòn – Bình An.
Theo thông tin từ Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Sài Gòn (SDI Corp), đơn vị giao dịch tín dụng thành công với Ngân hàng TMCP Sài Gòn thu về số tiền 6.575 tỉ đồng từ phát hành trái phiếu. Những thông tin về lãi suất, mục đích phát hành, tài sản đảm bảo, trái chủ, đơn vị thu xếp,... không được SDI Corp công bố.
Tài sản thế chấp là toàn bộ lợi ích thu được từ việc khai thác Dự án Thành phần tại ô đất CT7 theo bản đồ Quy hoạch 1/500 thuộc dự án KĐT Sài Gòn - Bình An (phường An Phú, TP.Thủ Đức) làm tài sản đảm bảo.
Trước đó, Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank) và CTCP Chứng khoán Kỹ Thương (TCBS) đã thu xếp cho 3 doanh nghiệp gồm: Công ty cổ phần Hoàng Phú Vương, Công ty cổ phần Osaka Garden, Công ty cổ phần Hoa Phú Thịnh phát hành 11.500 tỉ đồng để nhận chuyển nhượng KĐT Sài Gòn - Bình An.
Ở các đợt phát hành, trái phiếu đều được đảm bảo bằng toàn bộ động sản và quyền tài sản của tổ chức phát hành phát sinh từ thỏa thuận, hợp đồng liên quan đến một phần KĐT Sài Gòn - Bình An; Cổ phần thuộc sở hữu của các cổ đông SDI, các tài sản gắn liền, phát sinh và liên quan đến KĐT Sài Gòn - Bình An của cả Hoàng Phú Vương và SDI Corp…
Theo tìm hiểu, dự án KĐT Sài Gòn – Bình An do SDI Corp làm chủ đầu tư, An Phong Construction và Tường Việt là nhà thầu thi công dự án. Dự án có tổng diện tích là hơn 117 ha.
Năm 2001, SDI Corp được giao quỹ đất để triển khai dự án trên với tên gọi lúc đó là Khu liên hợp sân Golf – Thể dục thể thao và nhà ở (tên thương mại là Saigon Golf Country Club and Residences).
Dự án được chia làm 2 khu vực: Khu nhà ở diện tích 22 ha với 193 nền nhà biệt thự, nhà liên kế sân vườn và 2 tòa chung cư với 132 căn hộ cao cấp và 8 căn penthouse. Và khu liên hợp sân golf rộng hơn 92 ha với các công trình như câu lạc bộ sân golf, khu nghỉ dưỡng spa, sân golf 18 lỗ, khách sạn 400 phòng.
Quy hoạch ban đầu cho thấy dự án có một sân golf 18 lỗ tiêu chuẩn thi đấu quốc tế, tuy nhiên năm 2014, UBND TP.HCM đề xuất đưa dự án sân golf nói trên ra khỏi danh mục các sân golf dự kiến phát triển đến năm 2020 trên địa bàn thành phố. Đồng thời, chuyển đổi chức năng sân golf - thể thao - nhà ở thành khu dân cư.
Sau khi có quyết định giao đất, dự án chậm tiến độ trong một thời gian dài, đến tháng 11/2015, UBND TP.HCM ban hành Quyết định số 6292/QĐ-UBND, phê duyệt đồ án điều chỉnh quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 KĐT Sài Gòn - Bình An, diện tích 117,42 ha. Dự án sau đó được đổi tên thành KĐT Sài Gòn - Bình An.
Tháng 2/2017, Thủ tướng Chính phủ có Văn bản số 224/TTg-CN chấp thuận đầu tư dự án KĐT Sài Gòn - Bình An, phường An Phú, quận 2, TPHCM. Sau hai thập kỷ được giao đất, mãi đến tháng 3/2021, dự án mới được khởi công.
Liên quan tới dự án KĐT Sài Gòn – Bình An, vào tháng 7/2021 Thanh tra Chính phủ đã ban hành thông báo kết luận thanh tra, trong đó phát hiện nhiều sai phạm.
Cụ thể, Thanh tra Chính phủ kết luận: UBND TP.HCM đã quyết định phê duyệt quy hoạch chi tiết dự án trên khi chưa có văn bản chấp thuận độ cao tĩnh không, không phê duyệt diện tích sàn dành cho đậu xe cho khối nhà ở, nhà ở kết hợp chung cư kết hợp thương mại dịch vụ, để SDI CORP chậm thực hiện việc ký quỹ; chậm xử lý các tồn tại của dự án, dẫn đến chậm tính để thu tiền sử dụng đất theo quy định và chậm tiến độ thực hiện đầu tư xây dựng…
Về phía SDI Corp từng có trao đổi với báo Chính phủ, cho rằng việc này thuộc về thủ tục hành chính của cơ quan chức năng, không phải là việc của doanh nghiệp. Chủ đầu tư KĐT Sài Gòn Bình An đang triển khai dự án theo đúng pháp luật.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) Nguyễn Thị Hồng vừa ban hành Chỉ thị số 01/CT-NHNN về tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của ngành ngân hàng trong năm 2022.
Thống đốc NHNN yêu cầu không nới lỏng các điều kiện cấp tín dụng và tiếp tục kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như đầu tư, kinh doanh bất động sản, chứng khoán, các dự án BOT, BT giao thông, trái phiếu doanh nghiệp…
Cụ thể, Thống đốc NHNN yêu cầu các đơn vị thuộc NHNN giám sát chặt chẽ tổ chức tín dụng (TCTD) trong việc cấp tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro, các lĩnh vực có mức tăng trưởng sản lượng thấp nhưng tăng trưởng tín dụng cao; việc thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi Covid-19,...
Bên cạnh đó, điều hành tín dụng hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế nhưng không chủ quan với rủi ro lạm phát; Chỉ đạo TCTD tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ,...
Đặc biệt, Thống đốc NHNN yêu cầu không nới lỏng các điều kiện cấp tín dụng và tiếp tục kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như đầu tư, kinh doanh bất động sản, chứng khoán, các dự án BOT, BT giao thông, trái phiếu doanh nghiệp, kiểm soát tín dụng ngoại tệ phù hợp với lộ trình hạn chế đô la hóa nền kinh tế theo chủ trương của Chính phủ.
Thanh Tùng