Thanh Hóa: Kiên quyết cấm tham gia đấu thầu đối với nhà thầu gian lận
Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa vừa ban hành văn bản yêu cầu các đơn vị liên quan thực hiện một số nội dung trong hoạt động đấu thầu, trong đó có việc xử lý nghiêm và kiên quyết cấm tham gia hoạt đấu thầu đối với nhà thầu gian lận khi dự thầu.
Nhằm kịp thời khắc phục những hạn chế, chấn chỉnh và tăng cường hiệu quả công tác đấu thầu trên địa bàn, đảm bảo tính cạnh tranh, công bằng, minh bạch, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành văn bản số 10665/UBND-THKH ngày 25/7/2023 yêu cầu giám đốc các sở, trưởng các ban, ngành, đơn vị cấp tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố, giám đốc các Ban QLDA đầu tư chuyên ngành, khu vực, các chủ đầu tư, bên mời thầu thực hiện tốt một số nội dung, trong đó có việc xử lý vi phạm về đấu thầu.
Theo đó, người đứng đầu chủ đầu tư, lãnh đạo UBND các huyện, thị xã, thành phố được phân công phụ trách trực tiếp công tác quản lý đấu thầu chịu trách nhiệm về công tác đấu thầu và giao nhiệm vụ cho đơn vị, phòng, ban trực thuộc chịu trách nhiệm quản lý hoạt động đấu thầu thuộc phạm vi quản lý của đơn vị, ngành, địa phương mình; trả lời kiến nghị của nhà thầu đảm bảo rõ ràng, cụ thể, đúng quy định, không để xảy ra tình trạng khiếu kiện kéo dài, vượt cấp; xử lý theo thẩm quyền và đề xuất cấp có thẩm quyền xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong hoạt động đấu thầu; chịu trách nhiệm trước pháp luật và Chủ tịch UBND tỉnh nếu để xảy ra tình trạng kiến nghị, khiếu nại của nhà thầu và để xảy ra vi phạm trong công tác đấu thầu thuộc phạm vi quản lý của đơn vị, ngành, địa phương mình.
Chủ đầu tư, bên mời thầu phải yêu cầu đơn vị tư vấn và tổ chuyên gia đánh giá, nghiên cứu kỹ hồ sơ dự thầu nhằm kịp thời phát hiện hồ sơ sử dụng hợp đồng tương tự không hợp lệ, các tài liệu giả mạo, kê khai không trung thực... để kịp thời xử lý nghiêm. Kiên quyết cấm tham gia hoạt động đấu thầu đối với các nhà thầu gian lận khi dự thầu. Trường hợp qua quá trình thanh tra, kiểm tra phát hiện các hành vi gian lận mà chủ đầu tư, bên mời thầu không xử lý hoặc không đề xuất xử lý vi phạm thì người đứng đầu chủ đầu tư, bên mời thầu sẽ bị xử lý kỷ luật theo quy định.
Giám đốc các sở, trưởng các ban, ngành, đơn vị cấp tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố, giám đốc các Ban QLDA đầu tư chuyên ngành, khu vực chịu trách nhiệm toàn diện trước Chủ tịch UBND tỉnh trong trường hợp để xảy ra vi phạm thuộc phạm vi quản lý của mình.
Trước đó liên quan đến hoạt động này, ông Mai Xuân Liêm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã ký quyết định về việc cấm tham gia đấu thầu trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đối với Công ty Cổ phần tư vấn đầu tư và xây dựng Phú Giang (Công ty Phú Giang) số đăng ký kinh doanh 2801191737, thời gian cấm trong vòng 3 năm, kể từ ngày 2/6/2023. Công ty Phú Giang bị cấm tham gia hoạt động đấu thầu đối với các gói thầu tư vấn giám sát xây dựng công trình do Sở Giao thông Vận tải Thanh Hóa quản lý, tổ chức lựa chọn nhà thầu. Lý do bị cấm là vì Công ty Phú Giang đã cung cấp các thông tin không trung thực trong E-HDST, làm sai lệch kết quả lựa chọn nhà thầu, vi phạm Luật đấu thầu 2013.
Cùng với đó, ông Mai Xuân Liêm cũng đã ký quyết định cấm tham gia hoạt động đấu thầu 3 năm đối với Công ty Cổ phần TST. Công ty này bị cấm tham gia hoạt động đấu thầu trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đối với các dự án đầu tư xây dựng sử dụng vốn ngân sách do các cơ quan, ban, ngành và các huyện, thị, thành phố, các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh quản lý, tổ chức lựa chọn nhà thầu. Lý do cấm là bởi Công ty Cổ Phần TST khi tham gia dự thầu đã cố ý cung cấp các thông tin không trung thực trong hồ sơ quan tâm, hồ sơ dự sơ tuyển, hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất, làm sai lệch kết quả lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư - vi phạm điểm c, khoản 4 Điều 89 Luật Đấu thầu năm 2013. Thời gian cấm là 3 năm, kể từ ngày 11/7/2023.
Theo Luật sư Huỳnh Quốc Nhân - Công ty Luật TNHH Lập Phương (Đoàn Luật sư TP.HCM), tổ chức, cá nhân có hành vi gian lận trong đấu thầu thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Ngoài việc bị xử lý như trên, các tổ chức, cá nhân gian lận sẽ bị cấm tham gia hoạt động đấu thầu.
Theo khoản 1, Điều 122 Nghị định 63/2014 quy định, tùy theo mức độ vi phạm mà áp dụng hình thức cấm tham gia hoạt động đấu thầu đối với tổ chức cá nhân. Trong đó, gian lận sẽ bị cấm tham gia hoạt động đấu thầu từ 3 - 5 năm.
Ngoài ra, Điều 124 Nghị định này cũng nêu, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật về đấu thầu gây thiệt hại thì phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo quy định pháp luật về bồi thường thiệt hại và các quy định khác của pháp luật liên quan.
Về trình tự xử lý vi phạm, theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 90 Luật Đấu thầu, người có thẩm quyền ban hành quyết định cấm tham gia hoạt động đấu thầu đối với các dự án, dự toán mua sắm trong phạm vi quản lý của mình.
Trường hợp vi phạm nghiêm trọng thì đề nghị Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ban hành quyết định cấm tham gia hoạt động đấu thầu trong phạm vi quản lý của bộ, ngành, địa phương hoặc đề nghị Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành quyết định cấm tham gia hoạt động đấu thầu trên phạm vi cả nước.
Quyết định xử lý vi phạm phải được gửi cho tổ chức, cá nhân bị xử lý và các cơ quan, tổ chức liên quan, đồng thời phải được gửi đến Bộ Kế hoạch và Đầu tư để theo dõi, tổng hợp và phải được đăng tải trên Báo đấu thầu, hệ thống mạng đấu thầu quốc gia.
Đình Đông