Thanh Hóa: 236 sản phẩm được chứng nhận sản phẩm OCOP
Mới đây, UBND tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức hội nghị kết nối cung - cầu sản phẩm nông sản, thực phẩm an toàn năm 2022. Tham dự hội nghị có đại diện lãnh đạo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản; các sở, ban, ngành trong tỉnh.
Năm 2022, sản xuất nông nghiệp tỉnh Thanh Hóa tiếp tục duy trì tăng trưởng khá. Phần lớn sản lượng các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh được duy trì ở mức ổn định, một số sản phẩm năm sau cao hơn năm trước. Đến nay, toàn tỉnh đã có 236 sản phẩm được chứng nhận sản phẩm OCOP, trong đó có 1 sản phẩm 5 sao, 51 sản phẩm 4 sao và 184 sản phẩm 3 sao. Các mô hình chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn được hình thành, nhân rộng, tăng cả 3 tiêu chí về số chuỗi, số sản phẩm được kiểm soát theo chuỗi và số cửa hàng kinh doanh thực phẩm an toàn.
Các phong trào, mô hình, điển hình về sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn được phát huy. Đồng thời, xuất hiện các mô hình mới có cách làm sáng tạo, được đông đảo người dân hưởng ứng tham gia. Có nhiều vùng sản xuất an toàn, chuỗi cung ứng thực phẩm nông - lâm - thủy sản an toàn có giá trị kinh tế cao được phát huy hiệu quả, hình thành được mối liên kết giữa sản xuất - cung ứng và tiêu thụ thực phẩm an toàn, tạo tiền đề cho chuỗi liên kết, cung ứng nông sản, thực phẩm phát triển bền vững.
Bên cạnh những kết quả đạt được nêu trên, sản xuất nông nghiệp của Thanh Hoá vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế. Sản xuất nông nghiệp vẫn còn manh mún, nhỏ lẻ; sản phẩm thực phẩm được xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý và dán tem truy xuất nguồn gốc trên địa bàn còn rất ít; việc tiêu thụ các sản phẩm nông sản, thực phẩm của tỉnh vẫn còn gặp nhiều khó khăn; mới có khoảng 25% sản phẩm được phân phối thông qua hệ thống liên kết giữa sản xuất và tiêu dùng theo chuỗi giá trị, còn lại được phân phối tới người tiêu dùng chủ yếu thông qua hệ thống chợ truyền thống, các cửa hàng, điểm kinh doanh thực phẩm, nông sản nhỏ lẻ. Người sản xuất vẫn còn bị động trong sản xuất, thiếu thông tin thị trường, chưa gắn kết chặt chẽ với các cơ sở kinh doanh theo chuỗi giá trị, dẫn đến tình trạng “được mùa, rớt giá”.
Để phát huy những kết quả đạt được, khắc phục những tồn tại, hạn chế, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp theo chuỗi, kết nối các cơ sản xuất với cơ sở tiêu thụ trong và ngoài tỉnh, Thanh Hóa tiếp tục thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp; đẩy mạnh tích tụ, tập trung đất đai để phát triển nông nghiệp quy mô lớn, công nghệ cao, góp phần xây dựng nền nông nghiệp theo hướng “Nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh”. Bên cạnh đó, việc phát triển nông nghiệp bền vững phải gắn với xây dựng thương hiệu sản phẩm, triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình OCOP, đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá các sản phẩm OCOP. Làm tốt vai trò cầu nối, đưa sản phẩm nông sản tỉnh Thanh Hóa đến với người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh thông qua các chương trình hội chợ, triển lãm, các hội nghị, tọa đàm cũng như các hoạt động ký kết thỏa thuận, hợp tác, buôn bán... kịp thời giải quyết những vướng mắc, khó khăn trong tiêu thụ hàng hóa của doanh nghiệp; hỗ trợ các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh xây dựng và phát triển thương hiệu; khai thác hiệu quả cơ hội của các Hiệp định tự do thương mại.
Thời gian tới, Thanh Hoá cũng đẩy mạnh giới thiệu về các mô hình tốt, các tổ chức cá nhân điển hình tiên tiến trong sản xuất kinh doanh thực phẩm an toàn; công khai kết quả kiểm tra và các hành vi, vi phạm quy định về VSATTP để nhân dân biết, phòng tránh. Các địa phương tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách của Trung ương và tỉnh về phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn; đẩy mạnh tích tụ, tập trung đất đai để phát triển các vùng chuyên canh sản xuất nông nghiệp hàng hoá quy mô lớn, hiệu quả cao theo chuỗi giá trị và gắn với thị trường; tăng cường thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, tạo liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp - hợp tác xã - hộ dân; phát triển sản phẩm OCOP, xây dựng thương hiệu nông sản đặc trưng của địa phương.
Hoàng Đức