Thái Nguyên: Phản đối xả thải 20.000m3/ngày đêm vào Sông Công
"Tôi phản đối việc xả thải khoảng 20.000 m3/ngày đêm vào khu vực Sông Công. Tôi chỉ đồng ý khi điểm xả thải phải di chuyển, không làm ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nước"
Phải bảo vệ nguồn nước Sông Công
Trong bài trước PGS.TS Trần Đức Hạ - Viện trưởng Viện Cấp thoát nước và môi trường đã nêu ra hàng loạt những nội dung Báo cáo ĐTM của dự án chưa đủ điều kiện. Môi trường và Đô thị Việt Nam xin thông tin tiếp nội dung của bài phản biện.
Biện pháp phòng ngừa, giảm thiểu tác động tiêu cực và phòng ngừa, ứng phó rủi ro, sự cố môi trường của Dự án: Phải có giải pháp phù hợp để thông gió tự nhiên và thoát nước mưa trên mái cho các nhà xưởng.
Hội đồng thẩm định Báo cáo ĐTM của dự án này diễn ra vào ngày 29/3/2019 tại Hà Nội. |
Hệ thống xử lý nước thải (XLNT) có công nghệ phù hợp từ các khâu xử lý sinh học kỵ khí, thiếu khí và hiếu khí (có tách pha rắn bằng màng vi/siêu lọc) đến hóa lý tăng cường bằng ozon và hấp phụ than hoạt tính. Theo sơ đồ hình 4.7, nước thải cơ sở may có công đoạn nhuộm có thể được xử lý đảm bảo mức A của QCVN13-MT:2015/BTN&MT. Tuy nhiên một số vấn đề liên quan cần được làm rõ như: Tỉ lệ C:N:P quá cao thì dùng anoxic (khử nitrat) là không hợp lý; vì không có xử lý hóa lý bậc 1, các chất tẩy nhuộm nồng độ cao đầu vào có thể gây ức khuẩn trong quá trình xử lý sinh học; tháp giải nhiệt từ 60 đến 38 độ C trong điều kiện khí hậu ẩm nóng của Việt Nam là khó đạt; các công trình bể điều hòa, bể chứa nước sự cố, bể chứa nước sạch và hồ chỉ thị có thể tích là bao nhiêu và chế độ hoạt động của nó có liên quan với nhau như thế nào; bùn phát sinh trong quá trình xử lý hóa lý tăng cường chưa rõ sẽ được ổn định và tách nước làm khô như thế nào…
Mặt khác sơ đồ công nghệ theo hình 4.7 này không phù hợp với bản vẽ thiết kế flowsheet phase 1+2. Cần phải làm rõ vì sao giai đoạn 2 theo flowsheet thì nước thải phải được tuyển nổi áp lực (DAF) trước khi qua tháp giải nhiệt. Tuyển nổi ở nhiệt độ nước thải 50-60oC thì hiệu quả hòa tan và khuếch tán không khí rất hạn chế. Việc thu hồi sử dụng CH4 hình thành từ bể UASB cần được xem xét. Vai trò hồ chỉ thị Q=45.000 m3 dùng để kiểm chứng (nuôi cá) là không hiệu quả.
Vị trí dự kiến xả thải của dự án. |
Bùn từ quá trình xử lý hóa lý không thể ổn định bằng biện pháp hiếu khí. Bùn thải nếu không phải nguy hại (phân tích theo QCVN 07:2009 và QCVN 50:2013) thì đem đốt, tuy nhiên cũng phải tính toán phát thải khí độc từ nguồn nhiên liệu này để có giải pháp xử lý khí thải hợp lý. Cần mô tả rõ cấu tạo các kho chứa hóa chất phù hợp với phòng ngừa và ứng phó sự cố…
Phải đưa mục tiêu bảo vệ nguồn nước sông Công để cấp nước sinh hoạt tập trung theo Chương trình Quốc gia bảo đảm cấp nước an toàn giai đoạn 2016 – 2025 (Quyết định số: 1566/QĐ-TTg ngày 9/8/2016 của Thủ tướng Chính Phủ) để xây dựng các biện pháp phòng ngừa, giảm thiểu tác động tiêu cực và phòng ngừa, ứng phó rủi ro, sự cố môi trường của Dự án.
Chương trình quản lý và giám sát môi trường: Cần làm rõ vị trí 3 điểm quan trắc nước thải tự động trên hệ thống thoát nước thải, trong đó có điểm cuối cùng kết nối truyền dữ liệu với cơ quan quản lý môi trường địa phương.
Nước thải trong quá trình vận hành chạy thử trạm XLNT cần phải được giám sát chặt chẽ. Chủ đầu tư phải xây dựng quy trình đảm bảo các yêu cầu môi trường để cơ quan quản lý môi trường địa phương giám sát.
Phản đối việc xả thải gần 20.000m3 vào nguồn nước
Về thông tin, số liệu làm cơ sở để đánh giá tác động môi trường: Nhiều số liệu tính toán trong dự án chưa đầy đủ và tin cậy để đánh giá tác động môi trường.
Về mức độ thoả đáng của các đánh giá, kết luận nêu trong báo cáo: Một số tác động của dự án đối với môi trường được đánh giá thỏa đáng. Tuy nhiên còn một số nội dung đánh giá chưa được rõ ràng.
Hệ thống hạ tầng đang được triển khai tại dự án. |
Kết luận và đề nghị: Nhiều nội dung trong Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) chưa rõ và chưa được đánh giá, phân tích đầy đủ. Báo cáo ĐTM phải được chỉnh sửa, bổ sung và làm rõ các vấn đề nêu ở mục 5.2 và hoàn thiện mới đủ điều kiện để phê duyệt.
Dự án “Nhà máy sản xuất vải áo sơ mi cao cấp Việt Nam, công suất 100 triệu m2/năm” là dự án đầu tư thứ cấp của Dự án khu công nghiệp (KCN) Sông Công II mà Báo cáo ĐTM của KCN đã được phê duyệt theo Quyết định số 2599/QĐ-BTNMT ngày 16/8/2018 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc phê duyệt báo cáo ĐTM của Dự án KCN Sông Công II về yêu cầu bảo vệ môi trường đối với Dự án có quy định vì vậy các nội dung đầu tư liên quan đến các tác động đến môi trường của các dự án thứ cấp phải tuân thủ cam kết trong Báo cáo ĐTM đã được phê duyệt.
Để bảo vệ nguồn nước cấp sinh hoạt cho thị xã Sông Công và các vùng dân cư khác, đề nghị không xả nước thải các KCN và đô thị, đặc biệt là nước thải.
Hình ảnh Sông Công bắt nguồn từ hồ Núi Cốc. |
KCN Sông Công (14.400 m3/ngày và 5000 m3/ngày) ở thượng lưu công trình thu nước nhà máy nước Sông Công. "Bản thân với cương vị là Viện trưởng Viện nghiên cứu cấp thoát nước và Môi trường, Ủy viên Thường vụ Hội cấp thoát nước Việt Nam, tôi phản đối việc xả thải khoảng 20.000 m3/ngày đêm vào khu vực sông Công là nguồn cấp nước máy sinh hoạt và chỉ đồng ý khi điểm xả thải phải di chuyển, không làm ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nước sông Công" - ông Hạ khẳng định.
Theo Môi trường & Đô thị