Thả đèn hoa đăng, tưởng nhớ công ơn cha mẹ dịp lễ Vu Lan báo hiếu
Hàng trăm ngọn hoa đăng được thắp lên đỏ rực, lấp lánh dưới mặt nước mang theo ước nguyện, cầu bình an, an lành và lòng thành kính của người dân gửi đến những người đã khuất.
Trong thế giới Phật giáo, rằm tháng 7 được chọn là ngày Vu Lan. Đây là ngày để những người con tìm về cội nguồn, tổ tiên để làm tròn đạo hiếu.
Lễ Vu Lan là dịp gợi nhắc lại một trong những đạo lý, nhân cách lớn nhất của mỗi con người là Đạo Hiếu. Cũng nhân dịp này, những người con tìm về với nguồn cội, về với giá trị Chân – Thiện – Mỹ và về với đạo của người làm con. Lễ thả hoa đăng mang ý nghĩa cầu siêu cho người đã khuất, đây là một nghi thức truyền thống có nguồn cội từ Phật giáo. Hàng trăm ngọn hoa đăng được thắp lên đỏ rực, lấp lánh dưới mặt nước mang theo ước nguyện, cầu bình an, an lành và lòng thành kính của người dân gửi đến những người đã khuất.
Theo nguyên nghĩa, Hoa đăng có nghĩa là đèn hoa. Lễ hội thả Hoa đăng là lễ hội thắp đèn được trang trí bằng những chiếc đèn hoa. Hoa đăng được thắp sáng nhằm mục đích tôn vinh những giá trị tinh thần, giá trị tâm linh và văn hóa của người Việt Nam vào những ngày lễ lớn. Đặc biệt là lễ hội đầu năm mới, lễ Thượng Nguyên, đốt đèn mừng lễ hội, cầu nguyện quốc thái dân an, cầu âm siêu dương thái. Hoa đăng được thả trên sông vừa ấm cúng, thẩm mỹ, giàu truyền thống vừa mang lại giá trị tâm linh mở đầu cho một năm mới tốt đẹp.
Một trong những ý nghĩa khác của tục lệ thả đèn hoa đăng đó chính là tôn vinh văn hóa tinh thần của con người. Nhất là trong những ngày lễ lớn. Ngoài rằm tháng 7, đèn hoa đăng còn được thả vào dịp lễ hội đầu năm. Đèn hoa đăng là biểu tượng của ánh sáng thiện lương, cầu cho một năm mưa thuận gió hòa. Người dân theo đó được sống một cuộc đời sung túc, ấm no.
Bên cạnh đó đó, việc thả đèn hoa đăng trên sông cũng nhằm mục đích chúc mừng, cầu nguyện Quốc thái dân an, cầu nguyện siêu độ cho người đã khuất theo ánh sáng ấm áp mà xả bỏ oan khiên thù hận bước theo con đường giải thoát khổ đau.
Đây là một nghĩa cử đầy nhân bản, nhân văn về việc bảo vệ môi trường sinh thái, làm cho lễ hội càng thêm nhiều ý nghĩa, tâm niệm tốt đẹp và truyền cho nhau. Cầu chúc nhau một tâm niệm yêu thương nhân bản.
Mỗi ngọn đèn hoa đăng được đốt lên, mỗi người cầu nguyện vào đó một tâm niệm thiện lành, một tâm niệm an lạc cho mình và cho mọi người.
Mỗi ngọn đèn trên tay là ánh sáng xóa hết mọi khổ đau để cùng nhau xây dựng một đất nước tươi đẹp và phồn vinh, hướng đến một xã hội dân chủ, công bằng, văn minh. Mỗi ngọn đèn trên tay là một lời cầu nguyện cho thế giới hòa bình, nhân loại hạnh phúc và nhân dân an lạc.
Tục lệ thả đèn hoa đăng cũng mang một ý nghĩa là đề cao trí tuệ. Ánh sáng phát từ ngọn đèn chiếu rọi đêm tối cũng như ánh sáng của Phật A Di Đà chiếu rọi nhân gian, đưa con người thoát khỏi u mê. Ngoài đèn hoa đăng nhiều nơi còn lựa chọn thả đèn trời. Ý nghĩa thả đèn trời cũng là đề cao trí tuệ, đem ánh sáng đưa con người thoát khỏi khổ đau.
Nếu đã từng đặt chân đến Quảng Nam chắc hẳn bạn đã có cơ hội thả đèn ở Hội An trên sông Hoài. Ý nghĩa thả đèn hoa đăng Hội An đó chính là tôn vinh vẻ đẹp trí tuệ của con người.Theo Phật giáo, Phật A Di Đà còn được biết đến với tên gọi khác là Vô Lượng Quang. Hào quang của ngài chiếu rọi nhân gian, soi đường cho chúng sinh thoát khỏi khổ đau. Ánh sáng phát ra từ hào quang ấy tượng trưng cho trí tuệ.
PV