Tăng cường kỷ luật trong quản lý nhà nước về đất đai, pháp lý condotel, officetel, shophouse
Chiều 16/3, tiếp tục chương trình Phiên họp thứ Chín của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các đại biểu chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài nguyên – Môi trường Trần Hồng Hà về vấn đề liên quan đến quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị.
Đăng đàn trả lời nhóm lĩnh vực tài nguyên và môi trường, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà tập trung vào 3 nhóm vấn đề quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị; lợi dụng đấu thầu để "thổi giá đất, pháp lý condotel, officetel, shophouse...
Trong quản lý nhà nước về đất đai cần tăng cường kỷ luật, kỷ cương
Về phản ánh của đại biểu đối với những bức xúc trước hiện tượng đấu giá đất có chuyện "bắt tay ngầm," nhà đầu tư bỏ giá trên trời rồi bỏ cọc, điển hình là vụ đấu giá ở Khu đô thị mới Thủ Thiêm, TP.HCM vừa qua, làm nhiễu loạn thị trường, đẩy giá đất, gây sốt đất ảo, thiết lập giá đất mới trong quá trình giải phóng mặt bằng, Bộ trưởng Trần Hồng Hà thừa nhận việc đấu giá đất không chỉ thổi giá mà còn có tình trạng dìm giá…
Hiện tượng này làm ảnh hưởng nghiêm trọng, làm biến động thị trường bất động sản, thất thoát tài sản, ảnh hưởng toàn bộ đến nền kinh tế, hệ lụy đặc biệt tới cả ngành ngân hàng.
Vấn đề về chuyện "quân xanh - quân đỏ," Bộ trưởng khẳng định phải tăng cường thanh tra, kiểm tra từ phía các cơ quan công quyền; bởi đã có thực trạng suy thoái của cán bộ, cùng với nhà đấu giá lợi dụng việc này.
Phải có chế tài mạnh mẽ hơn nữa về vấn đề "đấu giá bỏ cọc". Bên tham gia đấu giá bỏ cọc thì phải có chế tài xử lý mạnh để họ không tham gia được; có chế tài "đánh" vào kinh tế để đảm bảo sức răn đe, Bộ trưởng cho hay.
Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có nghiên cứu đánh giá kỹ lưỡng. Có nhiều nguyên nhân, góc độ pháp luật, điều chỉnh bởi nhiều luật khác nhau về đấu giá, đất đai, tài chính, thuế. Do nhiều luật nên quy định đang bị thiếu hụt; một loại tài sản như đất đai không thể so với các loại tài sản khác khi đấu giá. Đất đai phải có phương pháp, trình tự đấu giá khác...
Về vấn đề găm đất, nâng giá, Bộ đang tính toán. Có những doanh nghiệp găm đất, để chờ giá lên, không muốn đầu tư dự án thì phải dùng công cụ về thuế, Bộ trưởng Trần Hồng Hà thông tin.
"Công cụ về thuế sẽ làm cho người đang ôm đất bỏ đất ra. Giá đất đang cao có thể thấp xuống", Bộ trưởng nói. Trong khi đó, người thu nhập trung bình ở Việt Nam đang thiếu nhà cửa. Do đó, Bộ trưởng cho biết, các dự án nhà ở cho công nhân, nhà ở xã hội, công chức, viên chức sẽ được xây dựng để có giá phù hợp.
Về pháp lý condotel, officetel, shophouse
Có thể nói các loại hình bất động sản mới như condotel, officetel, shophouse gần đây đã dần rơi vào trầm lắng vì bế tắc pháp lý. Chiều 16/3, tại diễn đàn Quốc hội, thêm một lần nữa, vấn đề pháp lý của các loại hình bất động sản mới này được đưa ra bàn thảo. Nhiều đại biểu cho rằng đây cũng là vấn đề cần xem xét khi sửa đổi luật Đất đai thời gian tới.
Đặt câu hỏi cho tư lệnh ngành Tài nguyên - Môi trường (TN-MT), đại biểu Huỳnh Thị Ánh Sương (Quảng Ngãi) nêu thời gian qua có nhiều dự án căn hộ khách sạn, nhà phố văn phòng, nhà phố thương mại, căn hộ nghỉ dưỡng… được triển khai. Nhà đầu tư đã mua khi pháp lý chưa được hoàn chỉnh, người mua chưa được cấp giấy tờ về quyền sở hữu làm hạn chế các quyền về tài sản, tiểm ẩn nguy cơ tranh chấp. Với trách nhiệm của bộ tham mưu cho Chính phủ ban hành văn bản điều chỉnh, đến nay, quy định pháp luật về vấn đề này đã đầy đủ chưa? Có tháo gỡ vướng mắc về pháp lý cho các loại hình bất động sản mới như condotel, officetel, shophouse… không?
Bộ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà cho rằng, những loại hình bất động sản kể trên là sản phẩm sử dụng đa mục đích. Theo góc độ của luật Đất đai thì sản phẩm của các loại hình bất động sản mới như condotel, officetel, shophouse… không vướng mắc gì.
Bộ trưởng Hà nói: “Tôi cho rằng, nếu quy hoạch là đất ở thì nó là đất ở vì đã có tiêu chí quy hoạch rõ ràng, đương nhiên thực hiện theo các thủ tục về đất ở. Nếu là đất thương mại dịch vụ thì cũng có tiêu chí riêng. Mỗi loại đất đều có cơ chế quản lý riêng, luật pháp đã quy định. Nhưng ở đây, tôi cho rằng, các giao dịch mua các sản phẩm bất động sản kể trên dưới dạng hứa mua hứa bán, là hợp đồng dân sự về kinh tế, có kèm theo rủi ro”.
"Địa phương nào sai thì phải làm lại"
Còn nhiều bất cập trong hệ thống pháp luật dẫn đến vi phạm trong quản lý, sử dụng đất đai
Các đại biểu chất vấn về: Việc thực hiện Nghị quyết về chất vấn và giám sát chuyên đề của Quốc hội liên quan đến quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị; Trách nhiệm và giải pháp ngăn chặn tình trạng lợi dụng việc trả giá trong các phiên đấu giá đất với mức giá vượt xa giá trị của thị trường để đẩy giá đất các khu vực lân cận lên cao nhằm mục đích trục lợi; việc thực hiện các hợp đồng mua bán, chuyển nhượng, hứa mua, hứa bán về đất đai thời gian qua và việc giải quyết các khiếu nại, tố cáo liên quan đến lĩnh vực này;
Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết: Thực hiện Nghị quyết số 82/2019/QH14 ngày 14/6/2019 của Quốc hội về tiếp tục hoàn thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị, Bộ Tài nguyên – Môi trường tham mưu Chính phủ ban hành và ban hành theo thẩm quyền các văn bản quy phạm pháp luật về đất đai để tháo gỡ vướng mắc, khó khăn, đồng thời triển khai các nội dung trong nhiệm vụ, giải pháp mà Nghị quyết đã nêu ra, đạt kết quả tích cực.
Hiện nay, Bộ đang tích cực tham mưu Chính phủ hoàn thiện dự án Luật Đất đai (sửa đổi), thực hiện các thủ tục, trình tự xây dựng dự án Luật theo đúng quy định để trình Quốc hội sau khi Ban Chấp hành Trung ương xem xét, quyết định những chủ trương lớn cần cần tiếp tục đổi mới trong quá trình tổng kết Nghị quyết số 19-NQ/TW.
Song song, Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ động, tích cực phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương tổng kết Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 khóa XI về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại (Nghị quyết số 19-NQ/TW); Chủ động rà soát, đánh giá hơn 100 luật, bộ luật có liên quan đến đất đai để xác định các nội dung còn chồng chéo, thiếu thống nhất để sửa đổi.
Các nội dung được giao trong Nghị quyết số 82/2019/QH14 đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu, đề xuất trong dự án Luật Đất đai (sửa đổi), đồng thời cũng chính là các nội dung đang được đánh giá trong quá trình tổng kết Nghị quyết số 19-NQ/TW của Trung ương:
Quy hoạch quản lý, sử dụng không gian ngầm và trên không; sử dụng đa mục đích; xây dựng hệ thống thông tin đất đai theo mô hình tập trung, thống nhất, kết nối, chia sẻ dữ liệu; quy định rõ các trường hợp đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất, sử dụng đất có yếu tố tín ngưỡng, tâm linh; kiểm soát chặt chẽ và công khai, minh bạch trong việc thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, bảo đảm quyền lợi hợp pháp, hoạt động sản xuất và đời sống của người có đất thu hồi;
Trách nhiệm của người đứng đầu các cấp, các ngành để xảy ra sai phạm trong quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị, làm ảnh hưởng đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất.
Bộ Tài nguyên và Môi trường đang tập trung xây dựng và hoàn thiện hệ thống thông tin đất đai, hồ sơ địa chính theo mô hình hiện đại, tập trung, thống nhất, đa mục tiêu. Hoàn hoàn thành xây dựng kiến trúc hệ thống, phần mềm hệ thống và triển khai thử nghiệm trước khi đi vào vận hành chính thức.
Đến nay việc xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính cơ bản hoàn thành trên 43 triệu thửa đất với trên 22 triệu hồ sơ và đưa vào vận hành, quản lý khai thác sử dụng trong hệ thống Văn phòng Đăng ký đất đai; có 61/63 tỉnh, thành đã thực hiện thanh toán nghĩa vụ hành chính về đất đai qua Cổng dịch vụ công quốc gia; 21/63 tỉnh, thành phố đã triển khai liên thông thuế.
Về vi phạm trong quản lý và sử dụng đất đai, Bộ trưởng Trần Hồng Hà khẳng định có vi phạm trong đấu giá đất thời gian qua, không chỉ là “thổi” giá mà còn có “dìm” giá; “quân xanh, quân đỏ” rất bức xúc. Đẩy giá làm biến động thị trường, tạo giá ảo sẽ khiến dẫn tới nhiều hệ lụy.
Tình trạng này ảnh hưởng nghiêm trọng, làm biến động thị trường, thất thoát tài sản nhà nước, gây ảnh hưởng đến toàn bộ hệ thống kinh tế, an ninh tiền tệ quốc gia và nhiều vấn đề khác. Bên cạnh đó, vẫn còn có các vi phạm trong việc xác định giá đất để tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất trong giao đất, cho thuê đất không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất (đối với trường hợp phải đấu giá quyền sử dụng đất).
Tình trạng lấn chiếm đất, chuyển mục đích sử dụng đất, xây dựng công trình xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp; tự ý phân lô, bán nền không đúng quy định pháp luật đất đai, xây dựng; thực hiện việc chuyển quyền sử dụng đất không đúng quy định (như quy định về đăng ký biến động, điều kiện về nhận chuyển quyền sử dụng đất). Nguyên nhân do việc đấu giá đất đang được điều chỉnh bởi Luật Đấu giá, Luật Đất đai, các quy định về thuế, tài chính. Vì có nhiều luật điều chỉnh nên về quy trình, trình tự, phương thức đấu giá đất còn bất cập.
Về giải pháp khắc phục, Bộ trưởng cho rằng cần sửa đổi các luật liên quan đến đất đai một cách toàn diện, thống nhất, trong đó cần có quy định về phương thức, trình tự đấu giá với tài sản đất đai chặt chẽ hơn với chế tài mạnh mẽ hơn; tăng cường thanh tra, kiểm tra để xử lý cơ quan công quyền và doanh nghiệp lợi dụng vấn đề đấu giá để trục lợi; công khai minh bạch trong quản lý, sử dụng đất đai, nhất là vấn đề quy hoạch.
Kết luận nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị Chính phủ bám sát chương trình xây dựng pháp luật của Quốc hội, bảo đảm căn cứ và yêu cầu của thực tiễn để nghiên cứu trình Quốc hội sửa đổi Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản và các luật có liên quan, cũng như các văn bản hướng dẫn luật để khắc phục vướng mắc, hạn chế, bất cập hiện nay.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị khẩn trương hoàn thành quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất 5 năm cấp tỉnh, quy hoạch sử dụng đất cấp huyện; công khai, minh bạch thông tin quy hoạch sử dụng đất; tăng cường phân công, phân cấp đi đôi với kiểm tra, kiểm soát, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong quản lý nhà nước về đất đai, nhất là trong khâu lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.
Kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm tình trạng lãng phí đất đai, đất được giao, cho thuê, nhưng chậm đưa vào sử dụng, các hành vi gây ô nhiễm đất, thoái hóa đất. Hoàn thiện hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu về đất đai...
Bùi Hằng (T/h)