Tăng chế tài xử lý vi phạm trên mạng xã hội
Luật an ninh mạng có hiệu lực và ngay lập tức phát huy hiệu quả trong việc “chống” tin giả. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, hiện nay mức xử phạt đối với các hành vi vi phạm trên mạng xã hội vẫn quá nhẹ, chưa đủ sức răn đe.
Ngày 12/6/2018, Luật An ninh mạng được hội khóa XIV thông qua, gồm 7 chương, 43 điều, quy định những nội dung cơ bản về bảo vệ an ninh mạng đối với hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia; phòng ngừa, xử lý hành vi xâm phạm an ninh mạng, triển khai hoạt động bảo vệ an ninh mạng và quy định trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Theo đó, điểm đ, khoản 1, Điều 8, Luật an ninh mạng quy định về các hành vi bị cấm trên không gian mạng, trong đó có hành vi: "Thông tin sai sự thật gây hoang mang trong Nhân dân, gây thiệt hại cho hoạt động kinh tế - xã hội, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan nhà nước hoặc người thi hành công vụ, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác".
Ngoài ra , Điều 9, Luật an ninh mạng cũng quy định: "Người nào có hành vi vi phạm quy định của Luật này thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử lý vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.".
Hành vi đưa tin giả mạo, sai sự thật lên không gian mạng là hành vi vi phạm pháp luật, vi phạm điều cấm của luật an ninh mạng, tùy vào tính chất, mức độ của hành vi vi phạm, tùy thuộc vào hậu quả xảy ra mà người vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Theo đó, Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử (được sửa đổi, bổ sung một số điều bởi Nghị định số 14/2022/NĐ-CP ngày 27/01/2022), quy định:
Phạt tiền từ 10 đến 20 triệu đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân;
Phạt tiền từ 20 đến 30 triệu đồng đối với hành vi tiết lộ thông tin thuộc danh mục bí mật nhà nước, bí mật đời tư của cá nhân và bí mật khác mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.
Thời gian qua, nhiều vụ việc phát tán tin giả, tin sai sự thật trên mạng xã hội liên tiếp xảy ra và có chiều hướng gia tăng, nhiều nội dung tin tức, hình ảnh, video có nội dung sai sự thật, nhảm nhí, giật gân được đăng tải trên mạng xã hội.
Thậm chí, một số đối tượng tìm nhiều cách để được nổi tiếng trên mạng xã hội, kể cả việc thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, sản xuất các nội dung phản cảm, thiếu tính giáo dục, giả mạo thông tin, kích động bạo lực, bôi nhọ, nói xấu chính quyền, tổ chức, cá nhân...
Cũng có những đối tượng xấu vì động cơ vụ lợi kinh tế, đã tạo dựng tin giả, tin sai sự thật, tán phát trên không gian mạng, nhất là mạng xã hội facebook, tiktok… để thu hút người dùng tương tác nhằm thu về lợi ích từ việc bán hàng, ủng hộ, tài trợ bằng tiền, lợi ích vật chất và tạo ra dư luận không tốt. Vì thế nhiều ý kiến cho rằng, cần có chế tài xử lý mạnh tay – xử lý hình sự, phạt tiền thật nặng những trường hợp vi phạm mạng để răn đe.
Trao đổi trên báo Người lao động, bà Nguyễn Thị Hoài Thu - nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội (nay là Ủy ban Xã hội) của Quốc hội cho rằng, các cơ quan chức năng có thẩm quyền phải có trách nhiệm gạn đục khơi trong, áp dụng triệt để các quy định pháp luật và chế tài để "lọc chất độc" trên mạng.
"Cần truy ra những cá nhân, nhóm người chuyên sản xuất nội dung dàn dựng nhảm nhí, gây náo loạn mạng xã hội và xử thật nghiêm những trường hợp "xả rác" trên mạng. Nếu tái phạm nhiều lần thì xem xét trách nhiệm hình sự.
Chúng ta cần đào tạo lực lượng an ninh mạng tinh nhuệ để đấu tranh với những "con bạch tuộc" đang vươn vòi trên mạng. Bên cạnh đó, cần tuyên truyền làm sao để người dân hiểu và không tin những chuyện xấu trên mạng" - bà Nguyễn Thị Hoài Thu nói thêm.
Trong dự thảo nghị định thay thế Nghị định 72 của Bộ Thông tin và Truyền thông có 11 điểm mới. Trong đó, bổ sung quy định các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ internet, viễn thông ngừng hoặc tạm ngừng cung cấp dịch vụ đối với tổ chức, cá nhân có nội dung vi phạm pháp luật trên không gian mạng theo yêu cầu của Bộ.
Đối với các thông tin vi phạm pháp luật trên mạng, dự thảo quy định quy trình xử lý về việc ngăn chặn, gỡ bỏ nhanh và hiệu quả hơn. Cụ thể, các bộ, ngành, địa phương có trách nhiệm cảnh báo, đề xuất ngăn chặn, gỡ bỏ thông tin vi phạm pháp luật liên quan tới lĩnh vực, địa bàn quản lý.
Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đưa ra 3 trách nhiệm để các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông, internet, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ lưu trữ web (hosting), dịch vụ trung tâm dữ liệu (data center) và các doanh nghiệp khác thực hiện.
Theo đó, doanh nghiệp thực hiện ngăn chặn, gỡ bỏ các nội dung, dịch vụ, ứng dụng trên mạng vi phạm pháp luật chậm nhất không quá 24 giờ kể từ khi nhận được yêu cầu của Cục An toàn thông tin. Ngoài ra, dự thảo nghị định còn có quy định về việc xác thực tài khoản người dùng mạng xã hội qua số điện thoại di động tại Việt Nam…
Hải An