Siết chặt quản lý phương tiện vui chơi dưới nước, bảo đảm an toàn cho du khách
Nhằm đảm bảo an toàn cho hoạt động vui chơi dưới nước, bảo đảm an toàn tối đa cho du khách, mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị định số 48/2019/NĐ-CP quy định về quản lý hoạt động của phương tiện phục vụ vui chơi, giải trí dưới nước.
Theo đó, Nghị định số 48/2019/NĐ-CP đặc biệt nhấn mạnh hoạt động vui chơi, giải trí phải bảo đảm trật tự, an toàn, an ninh, bảo vệ môi trường và hiệu quả, góp phần phát triển du lịch, phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, quy định rõ trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương trong việc quy hoạch, quản lý vùng hoạt động cũng như trách nhiệm của tổ chức, cá nhân khai thác vùng hoạt động và cung cấp dịch vụ vui chơi, giải trí dưới nước...
Bảo đảm an toàn phương tiện phục vụ vui chơi, giải trí dưới nước sẽ góp phần phát triển du lịch bền vững. |
Nghị định nêu rõ, tổ chức, cá nhân khai thác vùng hoạt động và cung cấp dịch vụ vui chơi, giải trí dưới nước phải thường xuyên kiểm tra điều kiện an toàn của phương tiện, thiết bị; bố trí đầy đủ áo phao, thiết bị cứu sinh, thiết bị phòng cháy, chữa cháy theo quy định; chỉ được phép tổ chức hoạt động vui chơi, giải trí trong khoảng thời gian theo quy định và phải có phương án bảo đảm an ninh, an toàn, cứu hộ, cứu nạn, ngăn ngừa ô nhiễm môi trường; tập huấn, hướng dẫn kỹ năng an toàn cho người tham gia hoạt động vui chơi, giải trí.
Ngoài ra, người tham gia hoạt động vui chơi, giải trí dưới nước phải mặc áo phao trong suốt thời gian tham gia hoạt động vui chơi, giải trí dưới nước và tự chịu trách nhiệm về tình trạng sức khỏe của mình khi tham gia hoạt động vui chơi, giải trí dưới nước.
Nghị định này có hiệu lực từ ngày 15/8/2019. Tại Điều 30 - điều khoản chuyển tiếp, nêu rõ: Vùng hoạt động, người lái phương tiện, phương tiện đã phục vụ vui chơi, giải trí dưới nước trước ngày có hiệu lực thi hành của nghị định này thì tiếp tục được hoạt động đến hết ngày 31/12/2021. Từ ngày 1/1/2022, nếu muốn tiếp tục hoạt động phải thực hiện đầy đủ các quy định liên quan tại nghị định này.
Theo ông Trần Quang Thắng - Giám đốc Xí nghiệp kinh doanh dịch vụ (thuộc Công ty TNHH MTV Vườn thú Hà Nội), hoạt động vui chơi, giải trí dưới nước phải chịu sự kiểm soát chặt chẽ từ các cơ quan chức năng. Đơn vị đã có giấy phép hoạt động bến thủy nội địa do Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cấp. Xuồng phục vụ cứu hộ được đăng ký và có giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật. Người điều khiển xuồng cứu hộ có bằng thuyền trưởng và chứng chỉ bơi lội phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ.
Khẳng định nghị định mới sẽ giúp công tác quản lý phương tiện phục vụ hoạt động vui chơi, giải trí dưới nước ngày càng đi vào nền nếp, ông Vũ Văn Viện - Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cho biết, tới đây thành phố sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật, tập trung vào việc chấp hành mặc áo phao cứu sinh, hướng dẫn về kỹ năng an toàn cho người điều khiển phương tiện hoạt động vui chơi giải trí dưới nước. Đồng thời, xây dựng kế hoạch thường xuyên kiểm tra, xử lý nghiêm đối với các chủ đầu tư khu du lịch vi phạm các điều kiện an toàn như đưa phương tiện không bảo đảm các điều kiện an toàn vào hoạt động, không bố trí đủ áo phao, thiết bị cứu sinh, thiết bị phòng cháy, chữa cháy theo quy định,…
Các địa phương có khu du lịch cũng phải phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng nâng cao vai trò quản lý phương tiện phục vụ vui chơi dưới nước để bảo đảm an toàn tuyệt đối, để niềm vui thực sự trọn vẹn khi tham gia các hoạt động vui chơi, giải trí.
"Hằng năm, Thanh tra Sở Giao thông Vận tải đều phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức kiểm tra công tác bảo đảm an toàn giao thông đường thủy nội địa (trong đó có các khu du lịch, vui chơi giải trí) đặc biệt là trước mùa mưa bão. Về cơ bản, các đơn vị đều chấp hành tốt" - ông Viện cho biết.
Xuân Đoàn (T/h)