Sau khi chấm dứt đợt không khí lạnh thời tiết miền Bắc sẽ có những thay đổi
Đợt không khí lạnh đầu mùa ở miền Bắc đang chuẩn bị chấm dứt. Dự báo, đến ngày 18 - 19/10, miền Bắc sẽ đón đợt không khí lạnh tiếp theo.
Những ngày gần đây, nhiều tỉnh, thành phố ở Đông Bắc Bộ và đồng bằng Bắc Bộ, đã khá nóng vào ban ngày, ngay cả buổi sáng sớm cũng không còn cảm nhận rõ không khí lạnh như khi gió mùa Đông Bắc mới về.
Chiều nay (ngày 8/10), nhiệt độ cảm nhận thực tế ngoài trời ở Hà Nội dự báo lên khoảng 33 - 34 độ C, ở những khu vực có nhiều mặt đường lớn và nhà cao tầng thì nhiệt độ còn cao hơn. Các tỉnh, thành phố lân cận như Quảng Ninh, Hải Phòng, Nam Định, Thái Nguyên... cũng tương tự.
Gió Đông Bắc ở Đông Bắc Bộ và đồng bằng Bắc Bộ đã khá yếu, trong ngày gần như lặng gió, đến chiều tối hoặc tối còn chuyển gió Đông Nam. Độ ẩm trung bình ở miền Bắc tăng dần, chủ yếu vào buổi sáng sớm và tối, đêm, còn ban ngày nhiều nắng nên vẫn khô hanh.
Một trong các lý do khiến hiện tượng sương mù hoặc sương mù nhẹ có thể xảy ra vào buổi sáng sớm đó là sự chênh lệch về nhiệt độ và độ ẩm, vì thế người dân đi làm, đi học sớm nên đội mũ, đeo khẩu trang.
Trong những ngày tới nhiệt độ không có nhiều biến đổi mà duy trì như trên, giữa các ngày có thể chênh lệch khoảng 1 độ C. Buổi sáng ở Đông Bắc Bộ và đồng bằng Bắc Bộ vẫn có thể hơi se lạnh, nhưng nhiệt độ ở Hà Nội và các tỉnh, thành phố lân cận vào lúc sáng sớm cũng sẽ lên 24 - 25 độ C chứ không ở mức 20 độ C như trước. Khu vực Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Kạn, Hà Giang thì nhiệt độ thấp hơn khoảng 2 - 3 độ C.
Do trời vẫn nắng to vào ban ngày nhưng độ ẩm lại tăng dần, đặc biệt là vào các buổi tối, bên cạnh đó miền Bắc có khả năng có mưa vài nơi, nên dễ gây cảm giác nóng oi, bí bức.
Theo dự báo, đến ngày 18 - 19/10, miền Bắc sẽ đón đợt không khí lạnh tiếp theo.
Nhận định về ảnh hưởng của hiện tượng La Nina từ nay đến hết năm nay, Trưởng phòng Dự báo thời tiết, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia Nguyễn Văn Hưởng cho hay, ENSO có khả năng chuyển sang trạng thái La Nina với xác suất 60-70%, sau đó hiện tượng ENSO duy trì ở trạng thái La Nina với xác suất khoảng 65-75%. Như vậy, càng về cuối năm, xác suất xuất hiện La Nina lại càng lớn.
Trong những tháng cuối năm, hiện tượng La Nina sẽ gây nguy cơ mưa, bão, lũ dồn dập, đặc biệt là ở khu vực miền Trung. Dự báo từ nay đến hết năm nay, hoạt động của bão, áp thấp nhiệt đới trên khu vực Biển Đông có khả năng xuất hiện ở mức xấp xỉ đến cao hơn trung bình nhiều năm.
Trong đó, số bão, áp thấp nhiệt đới đổ bộ vào đất liền có thể cao hơn so với trung bình nhiều năm và tập trung nhiều ở khu vực Trung Bộ, khu vực phía Nam. Đồng thời cần đề phòng khả năng bão, áp thấp nhiệt đới hình thành ngay trên khu vực Biển Đông.
Bên cạnh đó, theo nhận định của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, sự tác động cao điểm của các cơn bão năm 2024 đến Việt Nam lại gần trùng với cao điểm của mùa mưa ở khu vực Trung Bộ. Như vậy, mưa lớn sẽ dồn dập về cuối năm, nhất là khu vực Trung Bộ, làm gia tăng nguy cơ ngập úng kéo dài, lũ lụt trên diện rộng, lũ quét, sạt lở đất ở khu vực này.
Bích Ngọc