Rừng bê tông chắn kín bờ biển Phú Quốc
Chính quyền Phú Quốc thông tin nơi đây ngập do mưa lớn, rác thải và hệ thống cống lạc hậu. Nhưng các chuyên gia cho rằng đảo ngọc ngập vì phát triển quá nóng, bê tông hoá bờ biển.
Bãi Trường Phú Quốc nhìn từ trên cao: Nước không thể thoát ra biển Mưa lớn, nước không thoát ra biển khiến bãi Trường, Phú Quốc, với chiều dài cả chục số bị ngập nhiều nơi. Nhìn từ trên cao, các công trình khách sạn, resort mọc lên chắn dòng chảy.
Bãi Trường nhìn về hướng thị trấn Dương Đông hiện nay. |
Hình ảnh chụp tháng 8/2016. |
Bãi Trường nhìn về hướng thị trấn An Thới hiện nay. |
Góc chụp tương tự vào tháng 8/2016. |
Bãi Trường ở xã Dương Tơ được coi là nơi điển hình trong việc bị bê tông hoá, phát triển "siêu tốc" ở Phú Quốc. Bãi Trường hiện được chia thành nhiều lớp dự án, từ bờ biển vào tới đường ĐT 975 với nhiều nhà đầu tư khác nhau. Mỗi nhà đầu tư xây một kiểu khách sạn, resort khác nhau nhưng cùng một điểm chung là tận dụng triệt để diện tích đất, mật độ xây dựng dày đặc. |
Các dự án tại bãi Trường được người dân ví là mọc nhanh hơn nấm, nhiều dự án cách đây 3 năm còn là bãi đất trống nhưng nay đã là khu khách sạn, resort với hàng nghìn phòng đi vào hoạt động. |
Những khối bê tông dày đặc được thiết kế làm shop house, mini hotel của chủ đầu tư Bim Group. |
Khách sạn Intercontinental với 20 tầng là toà nhà cao nhất Phú Quốc cũng của chủ đầu tư Bim Group nằm sát bờ biển bãi Trường. Khách sạn này được giới thiệu có mật độ xây dựng thấp nhưng theo quan sát của phóng viên, dự án này cùng các dự án kế bên, không có một khoảng hở nào để thoát nước khi mưa lũ. |
Mật độ xây dựng dày đặc của dự án Wyndham Garden Phú Quốc trên bãi Trường thuộc xã Dương Tơ. Theo giới thiệu của chủ đầu tư, dự án có tổng cộng 153 căn hộ và 25 lô phố thương mại mặt tiền 36 m với tổng diện tích 74.727 m2. |
Hai khu nghỉ dưỡng Novotel và Best Western Premier Sonasea Phú Quốc cùng chủ đầu tư CEO group. Khu Novotel với 44 căn biệt thự, 400 phòng khách sạn xây dựng trên diện tích hơn 70.000 m2. Còn khu Best Western Premier có 550 căn hộ nghỉ dưỡng và 15 biệt thự có hồ bơi riêng biệt. |
Ngoài hai khu nghỉ dưỡng trên, dự án Sonasea Villas & Resort của chủ đầu tư CEO group còn có hàng trăm shop house, villa shop đã đi vào hoạt động. Dự án này được tập đoàn CEO đầu tư 10.000 tỷ trên diện tích 132 ha. |
Trước đây, sát bờ biển bãi Trường có một con đường đất đỏ rất đẹp; tuy nhiên, khi các khu resort mọc lên sát bờ biển đã xoá sổ con đường này. |
Chiều 10/8, một diện tích lớn đất ở khu vực bãi Trường vẫn ngập nước. Một hàng rào của dự án ở khu này bị nước cuốn sập đang được chủ đầu tư cho dựng lại. |
Theo người dân, dòng nước đổ về bãi Trường tối 8/8 rất mạnh nhưng khi gần ra tới biển thì bị các dự án chặn lại nên nước tù đọng tới nay chưa rút. |
Hình ảnh nước lênh láng trên các con đường nội khu của các dự án resort cao cấp trên bãi Trường. Phía xa là dự án khách sạn Pullman Phú Quốc có diện tích 6,2 ha với 339 phòng và 10 biệt thự sát bờ biển có bể bơi riêng. |
Nhiều khu resort, khách sạn trên bãi Trường đã đi vào hoạt động hơn 1 năm qua nhưng cống thoát nước của nhiều đoạn đường nội khu ở đây vẫn chưa được lắp đặt. |
Khu bãi Trường, xã Dương Tơ, huyện Phú Quốc, Kiên Giang. Ảnh: Google Maps. |
Ông Lê Quốc Anh, Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Kiên Giang, cho biết lượng mưa trung bình của ngày 8/8 là 254 mm, gấp 10 lần bình thường. Ngày 9/8, mưa tiếp tục kéo dài ở đảo nên lượng mưa tăng lên gấp 15 lần bình thường và điều này chưa từng có trong vòng 100 năm ở Phú Quốc. Theo lãnh đạo Sở Xây dựng Kiên Giang, tần suất mưa và lượng mưa quá lớn đã gây ra ngập nặng. Trong khi đó, yếu tố chủ quan gây ngập là có những công trình ở Bãi Trường do xây dựng không đạt tiến độ nên chưa đấu nối hệ thống thoát nước vào hệ thống chung của toàn tuyến. Chính những nơi chậm đấu nối đã gây ngưng chảy, tạo thành những "bụng nước". Những "bụng nước" này lâu ngày không có đường thoát đã tự phá vỡ, gây ảnh hưởng rất lớn. "Một yếu tố khác bắt nguồn từ trật tự xây dựng trước đây. Người dân vì lợi ích cá nhân, không nhận thức được tác hại của việc lấn chiếm các dòng suối tự nhiên", ông Quốc Anh nêu. |