Quỹ Vì Tầm Vóc Việt thực hiện dự án thúc đẩy bình đẳng tại Lào Cai
Dự án “Góp tiếng nói - Thêm bình đẳng” là một trong các dự án trọng điểm thuộc chương trình “Bảo vệ trẻ em” của VSF.
Hơn 100 người hưởng lợi trực tiếp, 3.000 người hưởng lợi gián tiếp là những con số ấn tượng dự án “Góp tiếng nói - Thêm bình đẳng" đã đạt được sau hơn một năm hành trình nâng cao vai trò và tiếng nói của phụ nữ và trẻ em tại huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai. Người dân xã Thải Giàng Phố đã có những thay đổi tích cực cả về điều kiện kinh tế cũng như nhận thức về bình đẳng giới và quyền trẻ em.
Một trong những điểm nhấn của dự án là việc triển khai 15 gói hỗ trợ vốn vay không lãi suất với tổng trị giá 150 triệu đồng cho 15 phụ nữ dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn, tạo điều kiện cho các chị em cải thiện sinh kế.
“Trước khi có được nguồn vốn vay thì gia đình rất khó khăn. Nguồn vốn này giúp cho gia đình tôi rất nhiều,” chị Hầu Thị Mỉ, một trong những người hưởng lợi trực tiếp, chia sẻ.
Chị Mỉ là một trong 15 chị em dân tộc thiểu số được nhận vốn vay của dự án. Với nguồn vốn 10 triệu, chị đã mua 3 con lợn và xây mới 1 chuồng 2 ngăn kiến cố, sạch sẽ. Không chỉ được vay vốn để làm chuồng, mua đàn vật nuôi, chị Mỉ cùng các chị em còn được các chuyên gia hướng dẫn trực tiếp cách chăn nuôi thông qua các khoá tập huấn của dự án. Những kiến thức bài bản giúp đàn lợn nhà chị tăng trưởng nhanh hơn, ổn định hơn so với trước đây khi chị chỉ chăn đàn bằng kinh nghiệm tự có.
Sau một năm, đàn lợn của chị đã được xuất chuồng với trọng lượng tốt, chị không những thu lại được số vốn vay, dư tiền lo sinh hoạt cho gia đình mà còn tiếp tục mua thêm được 2 con lợn giống.
Tới thời điểm hiện tại, 12 chị em đã hoàn trả vốn vay và 3 người tiếp tục giữ vốn để phát triển kinh tế, dự kiến sẽ hoàn trả trong 1 năm tới. Vốn đã được hoàn trả sẽ tiếp tục được xoay vòng cho các hội viên phụ nữ khác, góp phần giúp cải thiện sinh kế cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn của xã Thải Giàng Phố.
Bên cạnh những thay đổi về thu nhập gia đình và kiến thức, kỹ năng nuôi trồng, dự án “Góp tiếng nói - Thêm bình đẳng” đã tạo tác động tích cực, góp phần thay đổi vị thế của nhiều phụ nữ dân tộc thiểu số tại trong gia đình và cộng đồng tại Bắc Hà, Lào Cai.
“Từ khi tham gia dự án tôi thay đổi rất nhiều, tự tin hơn ngoài xã hội, công việc gia đình sắp xếp gọn gàng, hai vợ chồng yêu thương nhau hơn và giúp đỡ lẫn nhau trong công việc gia đình,” chị Giàng Thị Dí chia sẻ.
Những thay đổi tích cực này không chỉ tới từ gói hỗ trợ vay vốn giúp cải thiện kinh tế mà còn từ những khoá tập huấn được tổ chức xuyên suốt 1 năm hành trình của dự án. 4 khoá tập huấn về những chủ đề: mô hình cải thiện sinh kế hộ gia đình, bình đẳng giới, quyền trẻ em và mối liên hệ với phát triển kinh tế gia đình đã được tổ chức cho 30 phụ nữ và 30 trẻ em dân tộc thiểu số của xã Thải Giàng phố, huyện Bắc Hà.
Sau dự án, các nhóm phụ nữ và trẻ em nòng cốt này đã chủ động chia sẻ với bà con làng xóm những kiến thức và kinh nghiệm đã học được về các cách cải thiện sinh kế, cách bảo vệ quyền của phụ nữ và trẻ em. Họ đã trở thành những người tiên phong tạo ra những thay đổi bền vững trong cộng đồng.
Đánh giá cao hiệu quả của dự án trên địa bàn, bà Hà Thị Khánh Nguyện Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Lào Cai chia sẻ: “Dự án ‘Góp tiếng nói - Thêm bình đẳng’ là một cách làm hay hay và hiệu quả trong việc thúc đẩy bình đẳng giới và phát triển kinh tế - xã hội ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.”
Bà cũng bày tỏ mong muốn tiếp tục hợp tác với Quỹ Vì Tầm Vóc Việt (VSF) để triển khai thêm nhiều hoạt động hỗ trợ cho phụ nữ và trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số tại huyện Bắc Hà nói riêng và các địa bàn khác trong tỉnh Lào Cai nói chung.
Xã Thải Giàng Phố, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai là xã khó khăn với 356 hộ nghèo chiếm hơn 50%. Thời gian trước đây, trên địa bàn xã vẫn còn tồn tại vấn đề về bất bình đẳng giới trong phân công lao động và ra quyết định. Trong khi đó, một bộ phận người dân vẫn còn định kiến giới, tảo hôn, hôn nhân cận huyết, cho trẻ em bỏ học và lao động sớm; đồng thời những người thất nghiệp có nguy cơ cao trở thành nạn nhân của mua bán người.
Cũng trong khuôn khổ của dự án, VSF đã bảo trợ học phí và sinh hoạt phí cho 3 trẻ em có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn, với tổng số tiền bảo trợ là 108 triệu đồng, được gây quỹ từ hơn 1.000 nhà tài trợ cá nhân. Việc này không chỉ giúp các em có điều kiện học tập tốt hơn mà còn là động lực để các em phấn đầu, vượt qua khó khăn.
Dự án “Góp tiếng nói - Thêm bình đẳng” là một trong các dự án trọng điểm thuộc chương trình “Bảo vệ trẻ em” của VSF, tổ chức xã hội hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận, đóng góp cho mục tiêu Phát triển bền vững. Bên cạnh đó, VSF cũng đang triển khai 5 chương trình mục tiêu bao gồm: Chương trình Sức khoẻ học đường, Ươm mầm tài năng, Phát triển phụ nữ và An sinh xã hội khác.
“Quỹ Vì Tầm Vóc Việt mong muốn tạo dựng sự thay đổi tích cực và bền vững về cả nhận thức và thực hành ở cả bốn cấp độ cá nhân, gia đình, cộng đồng, pháp luật và chính sách. Chúng tôi tin tưởng rằng với sự chung tay của tất cả các nguồn lực trong xã hội thì những mục tiêu này sẽ sớm trở thành hiện thực để góp phần xây dựng một môi trường an toàn, bình đẳng, hạnh phúc cho tất cả mọi người,” bà Trần Hồng Điệp, Giám đốc VSF, cho biết thêm.
Sau hành trình hơn 1 năm triển khai với tổng số tiền hơn 500 triệu đồng, ngày 20/7 vừa qua, dự án “Góp tiếng nói - Thêm bình đẳng" đã chính thức khép lại giai đoạn đầu tại huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai.
Dự án do Quỹ Vì Tầm Vóc Việt và Tập đoàn TH phối hợp với Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) tỉnh Lào Cai và Hội LHPN huyện Bắc Hà thực hiện, nhằm giúp người dân địa phương nhận diện và có những hành động/nỗ lực cụ thể để xóa bỏ các định kiến giới và khuôn mẫu giới, cũng như bảo vệ bản thân khỏi bạo lực, kỳ thị, và phân biệt đối xử.
Nguồn ngân sách của dự án đến từ chiến dịch “Tô cam cùng TH - Hành động chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em" năm 2022 và chương trình “Lan tỏa hạnh phúc đích thực” của VSF. Ngoài ra dự án cũng có sự chung tay của hơn 1.000 nhà tài trợ cá nhân cho hoạt động bảo trợ trẻ.
Chiến dịch “Tô cam cùng TH - Hành động chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em" năm 2022 là hoạt động hưởng ứng Chiến dịch UNiTE của Liên Hợp Quốc do VSF và Tập đoàn TH phối hợp với UN Women thực hiện. Trong khuôn khổ chiến dịch, 238.000 sản phẩm màu cam của TH đã được bán ra, tương ứng với số tiền gây quỹ là 149.940.000 đồng.
Trong năm 2023, VSF tiếp tục triển khai chiến dịch “Tô Cam” với sự đồng hành của Tập đoàn TH và BAC A BANK. Chiến dịch đã diễn ra thành công với số tiền gây quỹ hỗ trợ vốn vay lên đến 600 triệu đồng. Hiện quỹ đang được giải ngân hỗ trợ sinh kế cho phụ nữ bị bạo lực và có hoàn cảnh khó khăn tại Điện Biên và Sơn La.
Hà Linh