Quảng Nam: Doanh nghiệp chế biến khoáng sản có “phớt lờ” chỉ đạo của UBND tỉnh?
Dù UBND Quảng Nam yêu cầu các đơn vị chế biến khoáng sản có hành vi vi phạm tại H. Núi Thành chấm dứt việc tập kết, chế biến và di dời nguyên vật liệu, thiết bị... ra khỏi khu vực đang sử dụng trái phép, nhưng các doanh nghiệp này vẫn cố tình “ngó lơ".
Doanh nghiệp vi phạm vẫn không chấp hành chỉ đạo
Mới đây, văn phòng UBND tỉnh Quảng Nam đã ban hành kết luận của Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân sau buổi đi kiểm tra thực tế và làm việc với UBND huyện Núi Thành về hoạt động khai thác, chế biến đá xây dựng trên địa bàn xã Tam Nghĩa (huyện Núi Thành).
Theo nội dung của kết luận, trước đó UBND tỉnh Quảng Nam đã có các Công văn số 4741/UBND-KTN ngày 20/7/2022 và số 5238/UBND-KTN ngày 09/8/2022 chỉ đạo, yêu cầu các doanh nghiệp hoạt động khoáng sản tại các khu vực mỏ đá Hòa Đông và mỏ đá Hưng Long ở thôn Hòa Vân, xã Tam Nghĩa, huyện Núi Thành chấm dứt ngay việc tập kết, chế biến khoáng sản và di dời toàn bộ nguyên vật liệu, sản phẩm đá xây dựng, máy móc, thiết bị, nhà xưởng phục vụ sản xuất, chế biến khoáng sản ra khỏi khu vực đang sử dụng trái phép trước ngày 30/8/2022.
Tuy nhiên, đến thời điểm Đoàn công tác đi kiểm tra (31/08) thì Công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ Hòa Đông và Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Đại Uy vẫn chưa hoàn thành việc di dời theo yêu cầu.
Nhằm thực hiện nghiêm chỉ đạo tại các công văn nêu trên, UBND tỉnh Quảng Nam giao UBND H. Núi Thành và Công an tỉnh chỉ đạo các Phòng chức năng và Công an H. Núi Thành làm việc, yêu cầu 2 doanh nghiệp nêu trên khẩn trương tổ chức di dời toàn bộ nguyên vật liệu, sản phẩm đá xây dựng còn lại và máy móc, thiết bị, nhà xưởng ra khỏi khu vực hiện đang hoạt động trước ngày 30/9/2022. Trường hợp các doanh nghiệp không chấp hành thực hiện đúng thời gian quy định, giao UBND H. Núi Thành, Công an tỉnh và các ngành liên quan có biện pháp xử lý nghiêm, kiên quyết.
Cùng với đó, Công ty Điện lực Quảng Nam được giao chỉ đạo Điện lực Núi Thành chấm dứt ngay việc cung cấp điện cho các hoạt động xay nghiền, sản xuất đá của Công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ Hòa Đông và Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Đại Uy tại khu vực mỏ đá Hòa Đông và các doanh nghiệp hoạt động khai thác, chế biến đá xây dựng trái phép khác trên địa bàn (nếu có). UBND huyện Núi Thành làm việc với Điện lực Núi Thành đề nghị thực hiện ngay yêu cầu này trước ngày 10/9/2022.
UBND H. Núi Thành được giao tiếp tục chỉ đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Công an huyện Núi Thành theo dõi, kiểm tra, yêu cầu Công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ Hòa Đông và Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Đại Uy khẩn trương di dời toàn bộ nguyên vật liệu, sản phẩm đá xây dựng và máy móc, thiết bị ra khỏi khu vực hiện đang sử dụng trái phép tại mỏ đá Hòa Đông đúng thời hạn nêu trên theo ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh Quảng Nam.
Tăng cường chấn chỉnh công tác quản lý việc khai thác, chế biến đá xây dựng
Ngoài việc được giao theo dõi, kiểm tra việc di dời của Công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ Hòa Đông và Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Đại Uy, UBND H. Núi Thành còn có trách nhiệm tăng cường công tác quản lý nhà nước về khoáng sản, đất đai, môi trường trên địa bàn quản lý; thường xuyên kiểm tra, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo đúng quy định của pháp luật.
Khảo sát, nghiên cứu đầu tư nâng cấp đoạn đường nối từ Quốc lộ 1A (đã có đèn tín hiệu giao thông tại lý trình Km1024+920) đến phía Đông đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi để phục vụ nhân dân địa phương đi lại, đảm bảo môi trường và an toàn giao thông. Đồng thời, phối hợp với Sở Giao thông vận tải làm việc với các doanh nghiệp hiện nay đang khai thác các mỏ đá ở phía Tây đường cao tốc, hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp sớm hoàn chỉnh thủ tục để triển khai thực hiện đầu tư xây dựng tuyến đường gom phía Tây đường cao tốc, phục vụ vận chuyển máy móc, thiết bị, sản phẩm đá từ nguồn vốn của các doanh nghiệp.
UBND tỉnh Quảng Nam cũng giao Sở Tài nguyên và Môi trường tiếp tục đôn đốc, yêu cầu Công ty Cổ phần Nhựa đường Minh Đạt khẩn trương lập, hoàn chỉnh hồ sơ đóng cửa mỏ khoáng sản tại mỏ đá Hòa Đông để triển khai thực hiện theo đúng quy định; đồng thời, theo dõi, đôn đốc Công ty Cổ phần Xây lắp Thành An 96 (mỏ đá Suối Mơ) và Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Kỳ Hà Chu Lai Quảng Nam (mỏ đá Granitogneis thôn Hòa Vân) thực hiện hoàn thành việc hoàn thổ, phục hồi môi trường các khu vực đã khai thác trước khi giải quyết việc cấp lại giấy phép khai thác khoáng sản theo chủ trương của UBND tỉnh.
Tiếp tục làm việc với Công ty Cổ phần Xây dựng và Đầu tư Vạn Tường và Công ty TNHH MTV Xây dựng Vận tải Hùng Vương, yêu cầu các đơn vị này chấp hành thực hiện việc hoàn thổ, phục hồi môi trường tại mỏ đá núi Răng Cưa, xã Tam Nghĩa, huyện Núi Thành theo quy định. Trường hợp các đơn vị không thực hiện, Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Công an tỉnh, UBND huyện Núi Thành nghiên cứu, đề xuất biện pháp xử lý, báo cáo UBND tỉnh xem xét, chỉ đạo thực hiện.
Từ nay về sau phải lưu ý tính đúng, tính đủ chi phí thực hiện hoàn thổ, cải tạo, phục hồi môi trường, đóng cửa mỏ trong hoạt động khoáng sản và tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc chấp hành thực hiện đúng các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường và các nội dung trong báo cáo đánh giá tác động môi trường, phương án cải tạo, phục hồi môi trường đã được thẩm định và giấy phép môi trường được cơ quan có thẩm quyền cấp.
Đồng thời, Công an tỉnh được giao chỉ đạo các Phòng nghiệp vụ và Công an huyện Núi Thành thường xuyên theo dõi, nắm chắc địa bàn, kịp thời phát hiện, điều tra và xử lý nghiêm các hành vi phạm trong hoạt động mua, bán, chế biến, kinh doanh khoáng sản không có nguồn gốc, xuất xử hợp pháp và sử dụng vật liệu nổ của các doanh nghiệp hoạt động khai thác đá xây dựng trên địa bàn xã Tam Nghĩa, huyện Núi Thành theo đúng quy định.
Sở Công Thương phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường và các ngành có liên quan thường xuyên kiểm tra hoạt động khai thác khoáng sản đá xây dựng theo đúng hồ sơ thiết kế khai thác đã được thẩm định, phê duyệt; đình chỉ hoạt động đối với các đơn vị khai thác không đúng thiết kế, không đảm bảo an toàn. Đồng thời, thường xuyên kiểm tra, giám sát việc quản lý, sử dụng vật liệu nổ công nghiệp của các doanh nghiệp hoạt động khoáng sản trên địa bàn theo đúng quy định.
Chính quyền địa phương nói gì?
Liên quan đến những vi phạm trong hoạt động tập kết, chế biến khoáng sản của các doanh nghiệp trên địa bàn xã Tam Nghĩa, huyện Núi Thành. Tạp chí Kinh tế Môi trường đã có bài viết “Quảng Nam: Một xã có 7 doanh nghiệp vi phạm trong khai thác, chế biến, mua bán khoáng sản“.
Theo đó, dù ngày 20/07/2022 UBND tỉnh Quảng Nam đã có Công văn 4171/UBND-KTN về yêu cầu chấn chỉnh, xử lý các vi phạm trong hoạt động khai thác, chế biến, mua, bán khoáng sản đá làm vật liệu xây dựng thông thường tại xã Tam Nghĩa, huyện Núi Thành. Đồng thời, UBND tỉnh Quảng Nam cũng chỉ đạo giao UBND huyện Núi Thành thực hiện theo dõi, kiểm tra, yêu cầu các doanh nghiệp liên quan chấm dứt ngay việc sử dụng đất để tập kết, chế biến khoáng sản khi chưa được cấp có thẩm quyền cho phép,….
Thế nhưng đến ngày 27/7/2022 (tức khoảng 7 ngày sau khi Công văn này được ban hành), khi Phóng viên liên hệ với ông Lê Văn Sinh - Chủ tịch UBND huyện Núi Thành thì ông Sinh lại cho biết: “Đến nay huyện chưa nhận được công văn nêu trên. Nói chung, tôi chưa nhận được văn bản nên không biết nhiệm vụ của mình là gì. Thông thường việc đó là của Sở Tài nguyên và Môi trường”.
Về việc chấn chỉnh, xử lý các vi phạm, vị Chủ tịch huyện Núi Thành đề nghị Phóng viên liên hệ với Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Nam. Bởi theo lời ông Sinh “Sở Tài nguyên và Môi trường là người ký hợp đồng, cho thuê đất,… còn tôi (tức UBND huyện Núi Thành – PV) chỉ theo dõi thôi”.
Ngoài ra, thời điểm đó ông Sinh khẳng định với Phóng viên về quan điểm của huyện Núi Thành là: “Doanh nghiệp làm sai thì phải làm lại cho đúng quy định của pháp luật. Luật đã quy định như thế, ông làm sai ông phải sửa, ông nào vi phạm thì phải khắc phục, không khắc phục được thì dừng hoạt động. Luật quy định thế thôi, chứ quan điểm chi nữa”.
Khẳng định chắc nịch là vậy, nhưng theo kết luận của UBND tỉnh mới đây thì những doanh nghiệp vi phạm trên vẫn chưa chấp hành chỉ đạo yêu cầu khắc phục.
Để minh bạch thông tin, ngày 10/09/2022, Phóng viên tiếp tục liên hệ lại với ông Lê Văn Sinh về việc đã được UBND tỉnh Quảng Nam giao trách nhiệm theo dõi, kiểm tra, yêu cầu doanh nghiệp vi phạm phải di dời nhưng khi hết thời hạn mà các doanh nghiệp này vẫn “chây ì”. Ông Sinh đã phản hồi: “Họ (những doanh nghiệp vi phạm - PV) vẫn thực hiện đấy chứ. Nói thật là tôi phân cho Phó Chủ tịch theo dõi nhưng chưa nghe báo cáo lại gì hết anh. Họ đã và đang làm rồi nhưng chưa xong. Cơ bản họ đã chấp hành yêu cầu của UBND tỉnh Quảng Nam. Lần trước công an họ vô kiểm tra họ báo là đang di dời”.
Khi Phóng viên hỏi về việc trong thời gian tới UBND huyện Núi Thành sẽ tiếp tục theo dõi, chỉ đạo, yêu cầu đối với những doanh nghiệp này như thế nào để việc di dời, khắc phục sai phạm theo đúng yêu cầu thì ông Sinh nói: “Họ phải chấp hành quy định của tỉnh thôi chứ quan điểm chi nữa. Tỉnh đã chỉ đạo Công an tỉnh vô điều tra rồi”.
Dù UBND Núi Thành được giao trách nhiệm theo dõi, kiểm tra, yêu cầu các doanh nghiệp sai phạm khắc phục hành vi vi phạm. Thế nhưng, việc các doanh nghiệp này vẫn không chấp hành theo đúng thời gian như chỉ đạo của tỉnh Quảng Nam thì dư luận đặt ra câu hỏi UBND huyện đã làm hết trách nhiệm được giao và có sự du di nào đối với các doanh nghiệp này hay không mà các doanh nghiệp vẫn mặc sức “chây ì”? Và nếu không có sự sát sao từ UBND tỉnh Quảng Nam thì liệu rằng những sai phạm này sẽ còn tồn tại đến bao giờ?
Thanh Tùng