Thứ bảy, 23/11/2024 15:41 (GMT+7)
    Thứ hai, 05/02/2024 12:49 (GMT+7)

    Quản lý đô thị và công trình: Ngành học thiết yếu đáp ứng quá trình đô thị hóa

    Theo dõi KTMT trên

    Chuẩn bị bước vào Mùa tuyển sinh Đại học năm 2024, phóng viên Tạp chí Người Xây dựng đã có buổi trao đổi với TS. Đặng Xuân Trường, Chủ nhiệm ngành Quản lý đô thị và công trình, Trưởng Bộ môn Quản lý Hạ tầng đô thị, Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường

    Quản lý đô thị và công trình: Ngành học thiết yếu đáp ứng quá trình đô thị hóa - Ảnh 1TS. Đặng Xuân Trường, Chủ nhiệm ngành Quản lý đô thị và công trình, Trưởng Bộ môn Quản lý Hạ tầng đô thị, Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường TP. Hồ Chí Minh.

    PV: Kính thưa TS. Đặng Xuân Trường, theo tìm hiểu của phóng viên, Quản lý đô thị và Công trình là ngành học khá mới mẻ ở Việt Nam, còn rất ít trường đào tạo. Cụ thể, tại TP. Hồ Chí Minh mới chỉ có một trường đào tạo ngành này là trường Đại học Tài nguyên và Môi trường TP. Hồ Chí Minh. Xin thầy cho biết bức tranh tổng thể về đào tạo ngành Quản lý đô thị và Công trình ở nước ta hiện nay?
    TS. Đặng Xuân Trường: Đúng là, hiện nay có rất ít trường đào tạo ngành Quản lý đô thị và công trình ở trình độ đại học, mặc dù đã qua 6 mùa tuyển sinh có mã ngành này. Có thể thống kê sơ bộ các trường đào tạo trình độ đại học ngành Quản lý đô thị và công trình đến mùa tuyển sinh đại học năm 2023 như sau: miền Bắc có Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, trường Đại học Giao thông vận tải; miền Trung có Trường Đại học xây dựng Miền Trung; Tây Nam bộ có Trường Đại học Xây dựng Miền Tây và Thành phố Hồ Chí Minh có trường Đại học Tài nguyên và Môi trường TP. Hồ Chí Minh. 
    Như vậy, cả nước hiện nay mới chỉ có 5 trường đào tạo ngành này ở trình độ đại học. Trong khi, các địa phương trong cả nước đang khan hiếm nguồn nhân lực ngành Quản lý đô thị và công trình do quá trình đô thị hóa ở tất cả các địa phương đang phát triển mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Các trường đại học đều hiểu rõ điều này, tuy nhiên rất khó để mở ngành do thiếu nguồn nhân lực chủ chốt theo điều kiện mở ngành của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
    PV: Xin thầy có thể nói rõ hơn về tiềm năng của ngành Quản lý đô thị và công trình trong tương lai ở Việt Nam?
    TS. Đặng Xuân Trường: Theo các báo cáo của Liên Hợp Quốc, đến năm 2050, số cư dân thành thị sẽ chiếm 2/3 trên tổng dân số toàn cầu và chiếm 80% GDP của toàn bộ nền kinh tế thế giới. Điều này có thể nhận định “đô thị” là lĩnh vực được chú trọng ở mọi quốc gia, đặc biệt là các nước đang phát triển như Việt Nam.
    Quản lý đô thị và công trình: Ngành học thiết yếu đáp ứng quá trình đô thị hóa - Ảnh 2
    Những sinh viên khóa đầu tiên của Ngành Quản lý đô thị và công trình.
    Nhận thức rõ lợi ích của Đô thị thông minh và là xu thế tất yếu của phát triển đô thị trên toàn thế giới. Tại Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 950/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển đô thị thông minh bền vững giai đoạn 2018-2025, định hướng đến năm 2030, và tầm nhìn đến năm 2045. 
    Tuy nhiên, nguồn nhân lực để đáp ứng vấn đề về quản lý các đô thị hiện đại này đang còn rất khan hiếm và chủ yếu đang sử dụng nguồn nhân lực từ các chuyên ngành liên quan khác. Đây là cơ hội việc làm rộng mở cho các bạn trẻ được đào tạo bài bản và có trình độ chuyên môn phù hợp. Sinh viên tốt nghiệp ngành này có thể đảm nhận công việc tại nhiều vị trí và vai trò khác nhau trong lĩnh vực quản lý đô thị.
    PV: Theo như thầy vừa thông tin, thì ở nước ta đang trên đà phát triển đô thị một cách mạnh mẽ. Nhân đây, thầy có thể cho biết tiến trình cụ thể của vấn đề này và định hướng của Nhà nước ta ra sao?
    TS. Đặng Xuân Trường: Tính đến cuối năm 2023, Việt Nam có khoảng 41/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã hoặc đang triển khai xây dựng đề án phát triển đô thị thông minh dựa trên những điều kiện kinh tế - xã hội riêng biệt của từng tỉnh thành theo định hướng của Chính phủ. 
    Theo các chuyên gia, chất lượng nhân lực là khâu then chốt nhất quyết định chất lượng quản lý đô thị. Các tổ chức nhà nước và phi chính phủ, các tập đoàn kinh tế và doanh nghiệp… liên quan đến lĩnh vực đô thị, quản lý và quy hoạch cơ sở hạ tầng kỹ thuật đô thị, quản lý dự án đầu tư và phát triển bất động sản đang tăng cường tìm kiếm nguồn nhân lực đúng chuyên môn để phát triển lĩnh vực của mình. 
    PV: Trước nhu cầu về nguồn nhân lực lớn như vậy, lại đang là một trong số ít ỏi các cơ sở tham gia đào tạo ngành Quản lý đô thị và công trình. Xin thầy cho biết định hướng của việc đào tạo ngành này tại Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường TP. Hồ Chí Minh?
    TS. Đặng Xuân Trường: Ngành Quản lý đô thị và công trình (trình độ đại học) được mở tại Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường TP.Hồ Chí Minh theo Quyết định số 153/QĐ-TĐHTPHCM ngày 22/02/2022 của Hiệu trưởng Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường TP. Hồ Chí Minh, đến nay đã tuyển sinh được 02 khóa.
    Ngành học cung cấp cho người học kiến thức và kỹ năng nền tảng về quản lý quy hoạch đô thị, công trình kiến trúc đô thị, công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị, các vấn đề về môi trường và đất đai đô thị thông qua việc lập và xây dựng các quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc, cảnh quan đô thị, quản lý hạ tầng và môi trường đô thị. 
    Quản lý đô thị và công trình: Ngành học thiết yếu đáp ứng quá trình đô thị hóa - Ảnh 3
    Ngoài công tác giảng dạy và quản lý đào tạo, TS. Đặng Xuân Trường còn là Ủy viên Ban chấp hành Tổng hội Xây dựng Việt Nam (Ảnh: Lễ ký kết hợp tác giữa Tổng hội Xây dựng Việt Nam và Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM) tháng 9/2023.
    Sau khi tốt nghiệp, người học sẽ được trang bị những kiến thức và kỹ năng chuyên sâu trong lĩnh vực quản lý quy hoạch, kiến trúc, hạ tầng, môi trường, giao thông đô thị và quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình đô thị.
    PV: Vậy tương lai của sinh viên sau khi tốt nghiệp ngành Quản lý đô thị và công trình tại Trường Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường TP. Hồ Chí Minh được định hướng như thế nào?
    TS. Đặng Xuân Trường: Sinh viên sau khi tốt nghiệp ngành này có thể làm việc trong các môi trường Nhà nước (sở, ban, ngành địa phương), làm việc tại các công ty nước ngoài và trong nước hoạt động trong lĩnh vực đô thị; học tiếp lên thạc sĩ, tiến sĩ ngành Quản lý đô thị và công trình, ngành Quản lý đô thị thông minh và sáng tạo, các ngành thuộc lĩnh vực Hạ tầng kỹ thuật đô thị, Môi trường, Quản lý xây dựng, Quản lý dự án hoặc làm giảng viên tại các trường đại học trong và ngoài nước. 
    Ngoài ra, sinh viên tốt nghiệp còn có thể tìm kiếm cơ hội học bổng để học lên cao (thạc sĩ, tiến sĩ) tại các đại học lớn như: University of New Orleans (Hoa Kỳ), Collegium Da Vinci (Ba Lan)…
    PV: Xin trân trọng cảm ơn những chia sẻ của Tiến sĩ!
    Lê Phong (thực hiện)
    Bạn đang đọc bài viết Quản lý đô thị và công trình: Ngành học thiết yếu đáp ứng quá trình đô thị hóa. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

    Tin mới