Phòng tránh và điều trị bệnh do virus Marburg gây ra cần lưu ý gì?
Theo WHO, cách phòng tránh virus Marburg tốt nhất là tránh tiếp xúc với các loài động vật hoang dã có nguy cơ mang mầm bệnh. Đồng thời, hạn chế hoặc sử dụng các biện pháp phòng tránh với những người bị nghi ngờ mắc bệnh, người đi từ các nước Tây Phi về.
Marburg là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus gây ra, đặc trưng bởi triệu chứng sốt xuất huyết và tỷ lệ tử vong lên tới 88%.
Bệnh do virus Marburg gây ra thường khởi phát với sốt cao, nhức đầu dữ dội và mệt mỏi. Người bệnh cũng có thể bị tiêu chảy nặng, đau bụng, chuột rút, buồn nôn và nôn (thường bắt đầu vào ngày thứ 3 sau khi nhiễm bệnh).
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo, để kiểm soát bùng phát dịch bệnh do virus Marburg, ngoài việc quản lý ca bệnh, giám sát và truy vết tại những khu vực đang có các ca bệnh, sự tham gia của cộng đồng là chìa khóa để kiểm soát thành công các đợt bùng phát dịch bệnh nguy hiểm này.
Theo đó, người dân cần nâng cao nhận thức về các yếu tố nguy cơ lây nhiễm và các biện pháp bảo vệ cá nhân, đồng thời hạn chế đi lại những khu vực đang bùng phát dịch. Những người từng tiếp xúc với người nghi ngờ nhiễm bệnh hoặc các khu vực đang lưu hành bệnh cần cách ly, theo dõi sức khỏe trong vòng 21 ngày dưới sự giám sát của cơ quan y tế.
Theo WHO, về cách phòng tránh virus Marburg, tốt nhất là tránh tiếp xúc với các loài động vật hoang dã có khả năng nguy cơ mang mầm bệnh, đặc biệt là dơi ăn quả. Không ăn thịt động vật hoang dã, nhất là uống máu hoặc ăn thịt sống. Nên hạn chế (nếu có thể) hoặc sử dụng các biện pháp phòng tránh (đeo khẩu trang, giữ khoảng cách…) với những người bị nghi ngờ mắc bệnh, người đi từ các nước Tây Phi về.
Ngoài ra, hãy nâng cao vệ sinh cá nhân và môi trường sống, chủ động ăn uống và tập luyện để tăng cường miễn dịch. Nếu có các triệu chứng bất thường thì đừng nên tự xử lý mà cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Trước đó, ngày 14/2, WHO đã tổ chức họp khẩn sau khi có ít nhất 9 người tại Guinea Xích đạo tử vong vì sốt xuất huyết do virus Marburg (MVD). Vật chủ chứa virus Marburg là dơi ăn quả châu Phi, Rousettus aegyptiacus. Bệnh do virus Marburg là một bệnh gây xuất huyết hiếm gặp nhưng nghiêm trọng, gây ảnh hưởng đến cả người và động vật linh trưởng, có tỷ lệ tử vong ca bệnh lên tới 88%.
Tại Việt Nam, Bộ Y tế đã có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố trên cả nước và các Viện Vệ sinh dịch tễ/ Viện Pasteur về việc tăng cường giám sát phòng chống dịch bệnh Marburg.
Trong đó, Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trên cả nước, các Viện Vệ sinh dịch tễ, Pasteur chủ động tăng cường giám sát phòng chống dịch bệnh Marburg không để dịch bệnh lan truyền vào Việt Nam. Đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo Sở Y tế tăng cường giám sát chặt chẽ người nhập cảnh, tại cộng đồng và cơ sở y tế để phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh để điều tra dịch tễ, lưu ý những người nhập cảnh từ các quốc gia có dịch khu vực châu Phi trong vòng 21 ngày.
Đồng thời, phối hợp với các Viện Vệ sinh dịch tễ, Pasteur lấy mẫu để xét nghiệm chẩn đoán, quản lý ca bệnh (nếu có) và xử lý không để bệnh lây lan ra cộng đồng...
Hai yếu tố nghi ngờ nhiễm virus Marburg
Hiện tại, virus Marburg chưa được ghi nhận xuất hiện tại khu vực châu Á. Tuy nhiên, từ bài học Covid-19, với sự giao thương hiện tại, nguy cơ lây truyền hoàn toàn có thể xảy ra.
Theo TS.BS Phùng Mạnh Thắng, Trưởng khoa Kiểm soát Nhiễm khuẩn, Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM), Marburg có thể lây nhiễm từ động vật sang người do tiếp xúc trực tiếp với chất dịch cơ thể của động vật nhiễm bệnh.
TS.BS Phùng Mạnh Thắng cũng chỉ ra 2 yếu tố để có thể xác định trường hợp nghi ngờ nhiễm virus Marburg, bao gồm:
Một là, yếu tố dịch tễ: Đi về từ khu vực Tây Phi hoặc có tiếp xúc với ca nghi ngờ hoặc ca xác định nhiễm bệnh do virus Marburg mà không sử dụng phương tiện phòng hộ cá nhân phù hợp.
Hai là, triệu chứng lâm sàng: Sốt cao, ớn lạnh, đau đầu dữ dội, đau cơ, ban dát sẩn, nổi rõ nhất trên thân (ngực, lưng, bụng), buồn nôn, nôn, đau ngực, đau họng, đau bụng và tiêu chảy... mà không lý giải được đầy đủ bệnh lý lâm sàng bằng một nguyên nhân khác.
PV