Thứ sáu, 22/11/2024 18:00 (GMT+7)
Thứ ba, 22/10/2019 16:00 (GMT+7)

Phát triển công nghiệp ô tô: Cần chính sách đột phá

Theo dõi KTMT trên

Ngành công nghiệp ô tô cần có chính sách đặc sắc nếu muốn bắt kịp các nước trong khu vực.

Phát triển công nghiệp ô tô: Cần chính sách đột phá - Ảnh 1
Dây chuyền hàn vỏ xe bằng robot tại Công ty TNHH Một thành viên Sản xuất ô tô Thaco Mazda tại Khu kinh tế mở Chu Lai (Quảng Nam). Ảnh: Danh Lam/TTXVN

Đây cũng là thông điệp được đưa ra tại hội thảo: Hoàn thiện chính sách thuế và hỗ trợ tài chính thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp ô tô và phụ tùng ô tô, do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) tổ chức sáng ngày 22/10 tại Hà Nội.

Phát biểu khai mạc hội thảo, TS. Nguyễn Thị Tuệ Anh, Phó Viện trưởng phụ trách, CIEM cho biết, ô tô và sản xuất phụ tùng ô tô được lựa chọn để ưu tiên phát triển, 1 trong 6 ngành công nghiệp chủ lực. Hội thảo hôm nay nhằm cập nhật, đánh giá tác động của các chính sách hiện hành như: chính sách thuế và hỗ trợ tài chính, đến thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ ô tô và phụ tùng ô tô.

Tại hội thảo, các đại biểu sẽ thảo luận làm rõ thực trạng, bất cập và hạn chế trong triển khai thực hiện các chính sách và đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn, tạo động lực cho doanh nghiệp phát triển, thúc đẩy thực hiện có hiệu quả mục tiêu của chiến lược công nghiệp hoá.

Theo số liệu từ Cục công nghiệp, Bộ Công Thương, ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đã có sự phát triển khá nhanh trong vài năm lại đây. Số lượng xe sản xuất lắp ráp trong nước có tốc độ tăng trưởng trung bình đạt 10% trong giai đoạn 2015-2018, đạt 250 nghìn xe vào năm 2018.

Tuy nhiên, sản lượng năm 2017 và 2018 lại giảm khoảng 9% và 3% so với năm trước đó. Việc sụt giảm này được đánh giá là do tác động của việc giảm thuế nhập khẩu xe nguyên chiếc từ các nước ASEAN, từ mức 50% năm 2015, xuống 40% năm 2016, 30% năm 2017 và 0% năm 2018.

Nền tảng sản xuất còn thấp là một trong những nguyên nhân làm nền công nghiệp ô tô không ứng phó được với cạnh tranh về giảm thuế. Điển hình là tỉ lệ về nội địa hóa. Sau gần 20 năm phát triển ngành công nghiệp ô tô, đến nay phân khúc xe khách, xe tải cơ bản đáp ứng mục tiêu đề ra là 20% và 45% theo từng loại xe.

Riêng với xe cá nhân dưới 9 chỗ ngồi thì tỉ lệ nội địa hóa mới đạt bình quân 7-10%, thấp hơn nhiều so với mục tiêu đặt ra. Sản phẩm nội địa hóa cũng mang hàm lượng công nghiệp thấp, như săm, lốp, ghế ngồi, gương kính, ắc quy… Trong khi đó, tỉ lệ nội địa hóa của các nước trong khu vực trung bình đã đạt tới 70%, thậm chí 80% như ở Thái Lan.

Ngành công nghiệp Việt Nam vẫn ở quy mô nhỏ, hơn 80% linh kiện cho sản xuất xe trong nước là nhập khẩu. Tuy nhiên, ngành sản xuất linh kiện ở Việt Nam có những lợi thế và điểm bất lợi. Do đó, cần xác định linh kiện có lợi thế để nội địa hóa, nếu không vẫn phải buộc xuất khẩu. Đây là những đánh giá được đại diện Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) nhấn mạnh. Theo VAMA, ngành sản xuất linh kiện là một trong những nền tảng có nhiều xu hướng tích cực để hỗ trợ phát triển, như hỗ trợ giảm chi phí khấu hao và giảm chi phí nhập khẩu.

Ông Nguyễn Trung Hiếu, Trưởng ban chính sách, Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) cho biết, tính đến hết năm 2018, cả nước có 358 doanh nghiệp sản xuất liên quan đến ô tô; trong đó, có 50 doanh nghiệp lắp ráp ô tô, 45 doanh nghiệp sản xuất khung gầm, thân xe, thùng xe; 214 doanh nghiệp sản xuất linh kiện, phụ tùng ô tô… số lượng doanh nghiệp này thấp hơn so với các nước trong khu vực ở Malaysia và Thái Lan. Ngoài ra, số doanh nghiệp hoạt động trong công nghiệp hỗ trợ là khoảng 1.800 doanh nghiệp.

Doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam có khả năng cung cấp và có năng lực khá tốt tại một số lĩnh vực như khuôn mẫu các loại, linh kiện xe đạp, xe máy; linh kiện cơ khí tiêu chuẩn… Tuy nhiên, nhìn chung các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ với quy mô và năng lực của doanh nghiệp còn hạn chế, chỉ có khoảng 300/1.800 doanh nghiệp tham gia vào mạng lưới sản xuất của các tập đoàn đa quốc gia. Tỉ lệ nội địa hoá trong các ngành công nghiệp ưu tiên phát triển thấp.

“Công nghiệp ô tô đang đi sau các nước trong khu vực như Thái Lan và Indonesia khoảng 20 năm, nên cần có chính sách khuyến khích đột phá. Chính sách hỗ trợ cụ thể và thiết thực. Nếu vẫn làm như chính sách đang có, khoảng cách vẫn thế, 10 năm nữa họ vẫn đi trước, do đó cần có chính sách đặc sắc bắt kịp họ, ví dụ chi phí khấu hao khuôn…”, ông Nguyễn Trung Hiếu nhìn nhận.

Bà Nguyễn Thị Hải Bình, Viện Chiến lược và Chính sách tài chính, Bộ Tài chính cũng chỉ ra một số nguyên nhân chính mà ngành công nghiệp ô tô chưa phát triển được là do chính sách. Trong khi Thái Lan có nhiều chính sách thúc đẩy. Do vậy, trong thời gian tới để đảm bảo chủ trương phát triển ngành công nghiệp ô tô, như phát triển xe tải, xe chuyên dụng, đứng vào phân khúc cao ô tô toàn cầu… cần hoàn thiện một số cơ chế chính sách khuyến khích nội địa, rào cản nhập khẩu.

Theo đó, bà Nguyễn Thị Hải Bình đề xuất, thời gian tới phải tập trung nghiên cứu ban hành chính sách khuyến khích tập đoàn, ưu đãi kèm chuyển giao công nghệ. Chính sách thuế liên quan khuyến khích dòng xe thân thiện môi trường như dung tích nhỏ… Thu hút nhà đầu tư nước ngoài thì chính sách thuế không chỉ bao gồm với nhà đầu tư mà cả cho người tiêu dùng nên đề xuất sửa thuế thu nhập đặc biệt… Miễn thuế tiêu thụ đặc biệt với hàng hóa sản xuất trong nước mà không nhập khẩu nước ngoài. Ngoài chính sách thuế cần chính sách tài chính khác liên quan đất đai, tín dụng để triển khai các cụm công nghệ ô tô theo chuỗi giá trị.

Thời gian tới Bộ Tài chính cần rà soát lại một số Luật và Nghị định liên quan thuế tiêu thụ đặc biệt, làm sao khả năng tiếp cận chính sách hiệu quả nhất và có tác dụng. Hành chính thuế thì kỳ vọng Luật mới tạo thủ tục thông thoáng cho nhà đầu tư.

TS. Trương Thị Chí Bình, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam (VASI) cũng cho rằng, để tăng sức cạnh tranh của doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ thì cần những ưu đãi tín dụng. Như Quỹ hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa ưu tiên cho doanh nghiệp chế tạo/công nghiệp hỗ trợ. Hay có chương trình bảo lãnh tín dụng theo chuỗi từ Chính phủ, công ty đầu chuỗi, ngân hàng, doanh nghiệp. Với sự vào cuộc của Chính phủ sự hỗ trợ kết nối về vốn, công nghệ, thị phần sẽ thúc đẩy doanh nghiệp phát triển bền vững.

Để ngành công nghiệp ô tô phát triển, ông Nguyễn Trung Hiếu cho rằng, chính sách về thuế đối với ngành sản xuất, lắp ráp ô tô, ngoài ra, đối với công nghiệp hỗ trợ ngành sản xuất, lắp ráp ô tô cần có hỗ trợ tín dụng, tiếp cận vốn vay và quỹ phát triển; trong đó, tập trung tháo gỡ khó khăn về chính sách thuế, cần xem xét sửa đổi, bổ xung các luật về thuế như thuế VAT, thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và thuế thu nhập doanh nghiệp theo hướng điều chỉnh phương thức khấu trừ thuế VAT đối với máy móc, thiết bị nhập khẩu phục vụ sản xuất; thuế xuất nhập khẩu phụ tùng, linh kiện và quy định miễn thuế nhập khẩu đối với hoạt động xuất khẩu.

Đối với quy định về ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp, để thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh và tạo sự công bằng trong thực hiện chính sách ưu đãi, cần sửa đổi, bổ sung quy định về chuyển tiếp ưu đãi thuế; trong đó có chuyển tiếp ưu đãi thuế đối với dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ thực hiện trước ngày 1/1/2015 theo quy định tại Luật số 71/2014/QH13”, ông Nguyễn Trung Hiếu cho hay.

Bạn đang đọc bài viết Phát triển công nghiệp ô tô: Cần chính sách đột phá. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới