Thứ bảy, 20/04/2024 23:15 (GMT+7)
Thứ ba, 07/04/2020 08:15 (GMT+7)

Phát triển bền vững thương hiệu đặc sản thanh trà xứ Huế

Theo dõi KTMT trên

Ngoài thương hiệu thanh trà Thủy Biều nổi tiếng xứ Huế xưa nay, thì giờ đây thanh trà, loại cây mang lại thu nhập cao cho người dân, hiện đang được xã Phong Thu (huyện Phong Điền) nhân rộng mô hình và đang dần góp phần khẳng định thương hiệu đặc sản thanh trà của Thừa Thiên - Huế.

Món ăn dâng tiến vào cung vua

Thanh trà được mệnh danh là “nữ hoàng” các loại cây ăn trái tại cố đô Huế. Thanh trà trồng ở nhiều nơi trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế, điển hình như các vùng Thủy Biều (TP.Huế), Phong Thu (huyện Phong Điền), Hương Vân (thị xã Hương Trà), Dương Hòa (thị xã Hương Thủy). Trong đó, thanh trà Thủy Biều được đánh giá là thơm ngon hơn cả.

Thanh trà Thủy Biều là đặc sản nổi tiếng ở Huế đã hàng trăm năm nay. Thuở xưa loại quả này là đặc sản tiến vua. Theo các tư liệu lịch sử, dưới thời Nguyễn, hàng năm, trái thanh trà - một đặc sản nổi tiếng của phủ Thừa Thiên - đều được tuyển chọn kỹ càng để dâng tiến vào cung vua.

Phát triển bền vững thương hiệu đặc sản thanh trà xứ Huế - Ảnh 1
Thương hiệu thanh trà Thủy Biều nổi tiếng xứ Huế.

Ngày nay, quả thanh trà trở thành biểu tượng đặc trưng của cố đô Huế. Cứ mỗi độ tháng 7 âm lịch thì những vườn thanh trà của vùng cố đô lại bắt đầu chín mọng, tỏa hương thơm dịu. Mùa thu hoạch thanh trà kéo dài khoảng 2 tháng và chỉ có duy nhất một mùa trong năm.

Nhìn bên ngoài, trái thanh trà nhỏ hơn quả bưởi, hình thon giống quả lê, da màu vàng nắng chứ không xanh. Trọng lượng quả nhỏ, trung bình khoảng từ 0,7kg đến 1kg. Bù lại, quả có cùi thơm, múi vàng trong; tuy không mọng nước như một số loại bưởi nhưng lại cho vị ngọt thanh, thơm dịu, mát họng, ăn một lần có thể nhớ mãi.

Phát triển bền vững thương hiệu đặc sản thanh trà xứ Huế - Ảnh 2
Những sản phẩm làm ra từ thương hiệu thanh trà Thủy Biều.

Hiện nay, ngoài thương hiệu thanh trà Thủy Biều, thương hiệu và chất lượng thanh trà Phong Thu cũng dần được khẳng định, góp phần nâng cao vị thế, thương hiệu đặc sản thanh trà của Thừa Thiên – Huế

Tiềm năng kinh tế cao

Đến nay, cây thanh trà đã được nhân rộng ở 8 thôn thuộc xã Phong Thu. Do được phù sa dòng sông Ô Lâu bồi đắp hàng năm nên cây thanh trà phát triển khá tốt. Chất lượng, sản lượng thanh trà Phong Thu có thể sánh ngang với thanh trà Thủy Biều, Hương Hồ. Nhiều hộ gia đình đã làm giàu từ cây thanh trà.

Gia đình ông Phan Xuân Hùng, thôn Huỳnh Liên là hộ có thu nhập từ thanh trà cao nhất của xã Phong Thu. Ngoài ra, ông trồng thêm nhiều giống cây ăn quả khác như bưởi da xanh, bưởi hồng, bưởi đỏ, cam, quýt… Hàng năm vườn cây của ông cho thu nhập gần 200 triệu đồng.

Theo ông Hùng, vùng đất Phong Thu rất hợp với cây thanh trà và các cây ăn quả khác. Nếu người dân chịu khó chăm bón, nắm rõ tình hình sâu bệnh, kỹ thuật trồng thì sẽ thành công.

Ông Nguyễn Hữu Nam, Chủ tịch UBND xã Phong Thu cho biết, toàn xã trồng 135 ha thanh trà, trong đó có khoảng 60ha trong thời kỳ thu hoạch, có 40ha ra trái ổn định. Khoảng 75ha đang trong quá trình trồng mới và kiến thiết. Tổng số hộ trồng thanh trà hơn 430 hộ, bình quân 2.200 m2/hộ (44 cây/hộ). Hộ trồng nhiều nhất 1 ha, hộ ít nhất 1 sào. Giá trị từ cây thanh trà của toàn xã ước đạt 15 tỉ đồng/năm.

Phát triển bền vững thương hiệu đặc sản thanh trà xứ Huế - Ảnh 3
Thanh trà Phong Thu đang dần khẳng định vị thế trên thị trường.

Ngoài ra, UBND xã đã triển khai kế hoạch phát triển các vùng trồng thanh trà tập trung với cánh đồng mẫu lớn từ việc chuyển đổi các vùng đất trồng lồ ô, đất trống hoa màu sang trồng thanh trà với diện tích 12 ha tại 2 thôn An Thôn và Trạch Hữu.

Đến nay vườn cây đã cho thu hoạch và đem lại hiệu quả kinh tế cao. Đã phát triển thêm các vùng trồng tập trung theo mô hình cánh đồng mẫu lớn tại thôn Khúc Lý - Ba Lạp, Huỳnh Liên, Vân Trạch Hòa, Đông Lái.

Thực hiện chủ trương của Huyện ủy xây dựng xã Phong Thu thành làng nghề cây ăn quả, với chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) và thực hiện dự án nhân rộng mô hình cải tạo vườn tạp, diện tích cây thanh trà đã được mở rộng nhờ sự hỗ trợ từ nguồn vốn phát triển nông thôn mới, nguồn vốn khuyến nông...

Phát triển bền vững thương hiệu đặc sản thanh trà xứ Huế - Ảnh 4
Hoa thanh trà mang một mùi hương nhẹ nhàng.

Mô hình chăm sóc cây thanh trà theo quy trình VietGAP với diện tích thực hiện 5,6 ha/52 hộ tham gia, quy hoạch tập trung ở 2 thôn An Thôn, Trạch Hữu. UBND xã đã phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện triển khai các nội dung như tập huấn kỹ thuật, thiết kế, xây dựng hệ thống tưới tiêu, cung cấp bao trái. Hướng dẫn hộ chăm sóc, bón phân và phun trừ nhện đỏ, sâu bệnh, bao trái cho quả...

“Với mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, người tham gia phải ghi chép nhật ký sử dụng phân bón; từ ngày tháng sử dụng, loại, liều lượng phân bón, phương pháp bón phân đều phải ghi chép rõ ràng, nhờ đó quản lý được thời gian cách ly, đảm bảo an toàn khi thu hoạch thanh trà. Từ đó giúp thay đổi tập quán canh tác tùy tiện trước đây của nông dân”, ông Nguyễn Khoa Thắng, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Phong Điền cho biết.

Phát triển bền vững thương hiệu đặc sản thanh trà xứ Huế - Ảnh 5
Liên kết phát triển cây thanh trà để dần góp phần khẳng định thương hiệu đặc sản thanh trà Thừa Thiên - Huế.

“Khi thực hiện mô hình trồng thanh trà VietGAP, môi trường sản xuất an toàn hơn, sản phẩm không để lại dư lượng thuốc trừ sâu, bảo đảm chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm”, ông Trần Thanh Viết, chủ hộ trồng thanh trà ở thôn Vân Trạch Hoà cho hay.

Đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững thương hiệu, nhãn hiệu cây thanh trà Phong Thu, UBND xã đã thành lập Câu lạc bộ Thanh trà với số lượng 38 hội viên, với mục đích là tạo diễn đàn cho người nông dân trồng thanh trà trên địa bàn xã giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, liên kết giúp đỡ nhau sản xuất. UBND xã đã phối hợp với UBND phường Thủy Biều, Hợp tác xã Thủy Biều xây dựng và hoàn thiện Quy chế phối hợp quản lý việc cấp quyền sử dụng nhãn hiệu tập thể Thanh trà Huế và cấp phát, sử dụng tem, nhãn sản phẩm mang nhãn hiệu tập thể Thanh trà Huế cho nhóm thành viên xã Phong Thu.

Đến nay, 38 thành viên của Câu lạc bộ Thanh trà Phong Thu đã được công nhận là nhóm thành viên được sử dụng nhãn hiệu tập thể Thanh trà Huế.

CLB Thanh trà Phong Thu đã tham gia các lễ hội để trưng bày, giới thiệu sản phẩm thanh trà do tỉnh, huyện tổ chức. Tham gia hội thi trái ngon thanh trà toàn tỉnh, chất lượng thanh trà Phong Thu được đánh giá cao và đạt nhiều giải thưởng. Qua đó, thương hiệu Thanh trà Huế - cơ sở Phong Thu đã được công nhận, nhiều thị trường biết đến. Đến nay, sản lượng thu hoạch hằng năm vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu thị trường.

Trần Bốn - Đại Nghĩa

Bạn đang đọc bài viết Phát triển bền vững thương hiệu đặc sản thanh trà xứ Huế. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới