Phát hiện gây sốc: Ô nhiễm không khí là tác nhân gây tử vong lớn thứ hai trên thế giới
Trong bảng xếp hạng những yếu tố gây tử vong cao thì ô nhiễm không khí chỉ xếp thứ hai, sau căn bệnh huyết áp cao. Thậm chí, yếu tố về chất lượng không khí suy giảm còn vượt xa cả tác hại của hút thuốc lá và ăn uống không sạch.
Nhiều người vẫn nghĩ rằng những thứ gây hại như thực phẩm bẩn chính là nguyên nhân tác động tới sức khỏe nhiều nhất. Tuy nhiên, sự thật là ô nhiễm không khí mới là một trong những yếu tố tác động đến sức khỏe nhiều nhất, đồng thời là yếu tố có nguy cơ gây tử vong cao. Đây là thông tin mới được công bố trong bản báo cáo Tình trạng Không khí Toàn cầu (State of Global Air - SoGA) của Viện Ảnh hưởng Sức khỏe (Health Effects Institute - HEI) kết hợp với Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (United Nations International Children's Emergency Fund - UNICEF) vào ngày 18/6 vừa qua.
Ô nhiễm không khí thực sự nguy hiểm với sức khỏe và tính mạng nhân loại
Theo số liệu công bố trong báo cáo SoGA, trong năm 2021, trên thế giới có 8,1 triệu ca tử vong do ô nhiễm không khí gây ra, bao gồm cả trẻ em dưới 5 tuổi. Con số kinh hoàng này đã đưa ô nhiễm không khí trở thành yếu tố nguy cơ gây tử vong đứng thứ hai trên thế giới, vượt xa cả các yếu tố gây hại khác như hút thuốc lá, uống rượu bia hay chế độ ăn uống kém. Ngoài số người tử vong nói trên, ô nhiễm không khí còn khiến thêm hàng triệu người phải chung sống với các bệnh mãn tính. Đây là mối lo ngại gây căng thẳng cho hệ thống chăm sóc sức khỏe, nền kinh tế và xã hội toàn cầu.
Trong số 8,1 triệu ca tử vong vì ô nhiễm không khí, có 7,8 triệu ca, tương đương 95% là do ô nhiễm bụi mịn PM2.5, bao gồm bụi mịn ngoài đường và cả trong nhà. Bụi mịn PM2.5 là những hạt vật chất siêu nhỏ trong khí quyển có đường kính chưa tới 2,5 micromet. Chúng có thể tồn tại trong phổi, xâm nhập vào máu và ảnh hưởng tới các hệ cơ quan, đồng thời là nguyên nhân tăng nguy cơ mắc các bệnh như tim, đột quỵ, tiểu đường, ung thư phổi, phổi tắc nghẽn mãn tính.
Hơn 700.000 ca tử vong vì ô nhiễm không khí là trẻ em dưới 5 tuổi. Xét riêng đối với nhóm tuổi này, con số 700.000 chiếm tới 15% tổng số ca tử vong toàn cầu. Ô nhiễm không khí cũng đồng thời là yếu tố gây tử vong cao thứ hai đối với trẻ dưới 5 tuổi, chỉ đứng sau suy dinh dưỡng. Thông tin gây sốc hơn cả là có tới 500.000 trẻ em tử vong do ô nhiễm không khí đều xuất phát từ nấu ăn trong nhà bằng nhiên liệu gây ô nhiễm, điển hình là ở khu vực châu Phi và châu Á.
Theo báo cáo phân tích cụ thể, 48% số ca tử vong do ô nhiễm không khí là do bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, 30% là do nhiễm trùng đường hô hấp dưới và 28% là do thiếu máu cục bộ. Trong đó, các quốc gia Nam Á và châu Phi là khu vực phải đối mặt với gánh nặng về bệnh tật cao nhất. Người dân có thu nhập thấp và trung bình thường xuyên tiếp xúc với chỉ số bụi mịn PM2.5 cao hơn khoảng 1,3 - 1,4 lần.
Ô nhiễm không khí cũng tác động mạnh mẽ tới môi trường
Được biết, nguyên nhân gây ra ô nhiễm không khí chính là lượng khí thải do đốt nhiên liệu hóa thạch và sinh khối trong các lĩnh vực giao thông vận tải, sản xuất công nghiệp, nhà máy điện than, cháy rừng hay sinh hoạt nhà ở của con người. 75% lượng khí thải nhà kính toàn cầu đến từ nhiên liệu hóa thạch. Lượng khí thải do đốt nhiên liệu hóa thạch không chỉ gây ảnh hưởng tới sức khỏe mà còn góp phần làm cho Trái đất nóng lên, gây biến đổi khí hậu và các thiên tai cho nhân loại.
Ô nhiễm không khí còn gây ra những cơn mưa axit gây hại cho đất, thực vật và động vật. Mưa bị ô nhiễm nặng có thể làm cây trồng dễ bị bệnh hơn do suy giảm tầng ozon. Với những loài động vật hoang dã, chúng có thể bị dị tật bẩm sinh, suy giảm sinh sản hoặc mắc bệnh.
Hiện nay nhiều quốc gia, đặc biệt là các quốc gia có mức độ ô nhiễm không khí cao đang nỗ lực giải quyết vấn nạn về chất lượng không khí suy giảm. Châu Phi, Châu Mỹ Latin và Châu Á đã lắp đặt hệ thống giám sát nghiêm ngặt chất lượng không khí hoặc áp dụng phương pháp bù đắp ô nhiễm không khí như dùng xe điện, xe lai xăng điện… Những biện pháp này đều có tác động đo lường mức độ ô nhiễm, từ đó góp phần cải thiện sức khỏe cộng đồng.
Theo: Unicef, Earth
Gia Tuệ