PGBank trước thềm Đại hội đồng cổ đông bất thường
Hội đồng Quản trị Ngân hàng TMCP Thịnh vượng và Phát triển (PGBank) đã có thông báo mời cổ đông tham dự cuộc họp Đại hội đồng cổ đông bất thường năm 2024 của PGBank vào ngày 26/8 tới đây.
PGBank chuyển địa điểm trụ sở chính
Trong tài liệu họp Đại hội đồng cổ đông bất thường năm 2024, PGBank cho biết đã sẽ trình đại hội về việc thay đổi địa điểm đặt trụ sở chính và của PGBank. Theo đó, trụ sở chính của PGBank dự kiến sẽ chuyển về tầng 4,5,6 Tòa nhà Thành Công, ô đất P-D17 Khu đô thị mới Cầu Giấy, phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội.
Trước đó ngày 23/10/2023, Đại hội đồng Cổ đông bất thường năm 2023 đã thông qua việc thay đổi địa điểm đặt trụ sở chính của PGBank về địa chỉ Tòa nhà HEAC số 14-16 Hàm Long, phường Phan Chu Trinh, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội. Tuy nhiên, Tòa nhà HEAC số 14-16 Hàm Long, phường Phan Chu Trinh, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội hiện đang tu sửa, dự kiến mất nhiều thời gian để hoàn thiện, hiện tại không đáp ứng yêu cầu về việc đặt trụ sở chính của PGBank. Do vậy, hiện nay, trụ sở chính của PGBank vẫn đang được đặt tại địa chỉ: Tầng 16, 23, 24 Tòa nhà Mipec, số 229 Tây Sơn, phường Ngã Tư Sở, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội.
Hiện tại, để đáp ứng các nhu cầu cấp bách về không gian làm việc phù hợp với chiến lược đề ra, HĐQT PGBank trình đại hội cổ đông xem xét thông qua việc thay đổi địa điểm đặt trụ sở chính của PGBank theo nội dung nêu trên.
Tòa nhà Thành Công thuộc sở hữu của Tập đoàn Thành Công (TC Group), đồng thời là trụ sở chính của tập đoàn này cùng nhiều doanh nghiệp khác trong hệ sinh thái TC Group.
Hai thành viên độc lập HĐQT bổ sung của PGBank là ai?
Ngoài việc chuyển trụ sở chính, trong cuộc họp đại hội cổ đông bất thường ngày 26/8 tới đây, PGBank cũng sẽ tiến hành bầu bổ sung hai thành viên độc lập HĐQT.
Theo nội dung Tờ trình, hiện tại, số lượng thành viên HĐQT của PGBank là 04 thành viên, không đủ số lượng thành viên tối thiểu theo quy định pháp luật, quy định tại Điều lệ PGBank hiện hành, quy định tại Nghị quyết số 06/2023/NQ-ĐHĐCĐ ngày 23/10/2023 của Đại hội đồng cổ đông.
Theo quy định pháp luật, quy định tại Điều lệ của PGBank, Đại hội đồng cổ đông có thẩm quyền bầu bổ sung thành viên HĐQT. Do vậy, HĐQT sẽ trình Đại hội đồng cổ đông xem xét việc bầu bổ sung thành viên độc lập HĐQT.
Theo đó, hai thành viên độc lập HĐQT PGBank dự kiến được bầu vào ngày 26/8 là ông Đào Quốc Tính và bà Cao Thị Thúy Nga.
Ông Đào Quốc Tính không phải người xa lạ với giới ngân hàng. Ông từng làm việc tại Ngân hàng Nông nghiệp chi nhánh tỉnh Ninh Thuận; Giám đốc trung tâm phòng chống rửa tiền, Phó chánh thanh tra giám sát Ngân hàng Nhà nước. Trước khi nghỉ hưu năm 2023, ông Đào Quốc Tính làm Thành viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam. Ông Tính sinh năm 1962, quê ở Thái Bình.
Còn bà Cao Thị Thúy Nga cũng từng có thời gian trong lĩnh vực ngân hàng và chứng khoán.
Cụ thể, bà Nga sinh năm 1958, quê tỉnh Nam Định. Bà Cao Thị Thúy Nga đã kinh qua Kế toán trưởng kiêm phụ trách nhân sự hành chính Ngân hàng liên doanh VID Public Bank (nay là Public Bank Việt Nam); Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Quân đội; Phó Chủ tịch HĐQT, Chủ tịch HĐQT, Trưởng BKS Công ty CP Chứng khoán MB. Bà Nga nghỉ hưu từ năm 2020 và hiện tại đang làm Thành viên HĐQT Công ty CP tư vấn đầu tư và kết nối kinh doanh Việt.
Trước kỳ đại hội bất thường này, PGBank có nhiều biến động ở bộ máy lãnh đạo thượng tầng sau khi cổ đông sáng lập là Tập đoàn Petrolimex thoái vốn, và sự tham gia của nhóm cổ đông mới có nhiều liên hệ với Tập đoàn Thành Công.
Tại đại hội cổ đông bất thường tháng 10/2023, cổ đông PGBank đã bầu bổ sung 5 thành viên HĐQT và 2 thành viên Ban kiểm soát. Tới đại hội cổ đông thường niên 2024 tổ chức ngày 20/4 vừa qua, PGBank đã quyết định thông qua đơn từ nhiệm chức vụ thành viên HĐQT đối với ông Nguyễn Thành Lâm và bà Đinh Thị Huyền Thanh sau khi 2 vị này nộp đơn từ nhiệm.
Người đứng đầu Ban điều hành của PGBank hiện là ông Trần Văn Luân - Phó Tổng giám đốc điều hành.
PGBank đang kinh doanh ra sao?
Về tình hình kinh doanh, PGBank lên kế hoạch kinh doanh với lợi nhuận trước thuế trong năm 2024 đạt 554 tỷ đồng, tăng 58% so với kết quả năm 2023. Tổng tài sản dự kiến đến ngày 31/12/2024 đạt 63.503 tỷ đồng, tăng 14% so với cuối năm 2023.
Theo báo cáo tài chính quý II/2024, lợi nhuận trước thuế của PGBank đạt 151,5 tỷ đồng, tăng 0,7% so với cùng kỳ năm 2023. Lợi nhuận sau thuế quý đạt 121,2 tỷ đồng, tăng nhẹ 0,7% so với cùng kỳ năm trước.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, PGBank ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt 267,5 tỷ đồng, giảm 6,9% so với cùng kỳ, lợi nhuận sau thuế là 213,9 tỷ đồng, giảm 7%.
Về kết quả kinh doanh của từng mảng, tín dụng vẫn đóng vai trò trọng yếu khi mang về cho ngân hàng khoản thu nhập lãi thuần hơn 437 tỷ đồng riêng trong quý II/2024, tăng trưởng 28,1% so với cùng kỳ. Lũy kế 6 tháng, mảng này ghi nhận khoản lãi gần 815 tỷ đồng, tăng trưởng 19,7%.
Trong khi đó, các mảng kinh doanh phi tín dụng lại không mấy khởi sắc khi chỉ mang về cho ngân hàng tổng cộng 18,8 tỷ đồng trong quý II/2024, giảm mạnh tới 48,1% so với cùng kỳ. Trong đó, hoạt động dịch vụ ghi nhận lãi thuần 6,4 tỷ đồng, giảm 59,6% trong kinh doanh ngoại hối lỗ 11,6 tỷ đồng.
Tổng thu nhập hoạt động (TOI) của ngân hàng đạt mức 456,2 tỷ đồng, tăng 20,8% so với quý II/2023. Chi phí hoạt động tăng 12,4% lên 201 tỷ đồng, chủ yếu do tăng chi phí cho nhân viên. Lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của PGBank trong quý II/2024 ở mức 255 tỷ đồng, tăng 28,4%.
Trong kỳ, chi phí trích lập dự phòng rủi ro tín dụng của PGBank tăng mạnh tới 2,1 lần cùng kỳ, lên 103,5 tỷ đồng. Dù vậy, nhờ thu nhập lãi thuần tăng tốt nên lợi nhuận trước thuế không có nhiều biến động so với cùng kỳ.
Đến 30/6/2024, tổng tài sản của PGBank đạt mức 59.715 tỷ đồng, tăng 7,6% so với đầu năm, trong đó, cho vay khách hàng đạt 36.703 tỷ đồng, tăng 3,9%. Tín dụng của PGBank chủ yếu rót vào nhóm khách hàng doanh nghiệp (công ty TNHH khác và CTCP khác) khi dư nợ vào nhóm này lên tới 21.354 tỷ đồng vào cuối tháng 6, tăng gần 8,9% so với đầu năm và chiếm 58,2% tổng dư nợ của ngân hàng. Dư nợ cho hộ kinh doanh, cá nhân chỉ nhích nhẹ 2% so với đầu năm, đạt 14.849 tỷ đồng.
PGBank với biến động dư luận về 3 lỗi vi phạm trong công bố thông tin lĩnh vực chứng khoán
Khi một đơn vị, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chứng khoán không công bố thông tin đầy đủ, chính xác, kịp thời sẽ bị phạt vi phạm hành chính, buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả, thậm chí có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu che giấu thông tin, công bố thông tin sai lệch gây thiệt hại cho nhà đầu tư, thu lợi bất chính, đã bị xử phạt hành chính mà vẫn tái phạm….
Vừa qua, có hàng loạt đơn vị, doanh nghiệp chứng khoán bị phạt vì lỗi công bố thông tin, thậm chí trước đó có đơn vị bị đình chỉ giao dịch chiều mua trên thị trường niêm yết, phái sinh.
Từ những vấn đề nêu trên, cho thấy, thực hiện công bố thông tin của các doanh nghiệp chứng khoán có ảnh hưởng quan trọng, mật thiết đến thị trường tài chính, thương hiệu của doanh nghiệp và quyền lợi, cũng như sự lựa chọn đầu tư của khách hàng. Vì vậy, việc nắm bắt rõ các quy định pháp lý, như đối tượng và nguyên tắc công bố thông tin… là rất cần thiết không chỉ đối với doanh nghiệp mà với cả khàch hàng.
Tuy nhiên, vừa qua, PGBank đã bị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước xử phạt vi phạm hành chính tổng cộng 157,5 triệu đồng cho 3 lỗi vi phạm công bố thông tin.
Theo đó, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã ban hành Quyết định số 283/QĐ-XPHC về việc xử phạt vi phạm hành chính đối với Ngân hàng Thương mại cổ phần Thịnh vượng và Phát triển (PGBank).
Thứ nhất, UBCKNN phạt tiền 65.000.000 đồng theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 42 Nghị định số 156/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán (Nghị định số 156/2020/NĐ-CP) do công bố thông tin không đúng thời hạn theo quy định pháp luật (PGBank công bố thông tin không đúng thời hạn theo quy định pháp luật đối với Nghị quyết số 125/2023/NQ-HĐQT ngày 20/10/2023 về việc thay đổi nhân sự, Nghị quyết số 50/2023/NQ-HĐQT ngày 25/5/2023 về việc thay đổi người đại diện theo pháp luật, Báo cáo định kỳ tình hình thực hiện các cam kết của doanh nghiệp phát hành đối với người sở hữu trái phiếu năm 2022, Báo cáo tình hình sử dụng số tiền thu được từ việc phát hành trái phiếu đối với trái phiếu còn dư nợ được kiểm toán bởi tổ chức kiểm toán đủ điều kiện năm 2022, về việc hoàn tất việc mua lại trái phiếu trước hạn, Nghị quyết số 01A/2023/NQ-HĐQT ngày 01/01/2023 vể việc thông qua hợp đồng, giao dịch với người có liên quan, Nghị quyết số 01A/2022/NQ-HĐQT ngày 01/01/2022 về việc thông qua hợp đồng, giao dịch với người có liên quan).
Thứ hai, phạt tiền 65.000.000 đồng theo quy định tại điểm b khoản 3 Điều 42 Nghị định số 156/2020/NĐ-CP do công bố thông tin không đầy đủ nội dung theo quy định pháp luật (Theo thuyết minh Báo cáo tài chính năm 2022 và năm 2023 đã được kiểm toán, PGBank phát sinh giao dịch với Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam nhưng tại Báo cáo tình hình quản trị công ty năm 2022, năm 2023, PGBank đã công bố thông tin không đầy đủ về giao dịch với đối tượng nêu trên theo quy định)
Thứ ba, phạt tiền 27.500.000 theo quy định tại khoản 2 Điều 15 Nghị định số 156/2020/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung tại khoản 13 Điều 1 Nghị định số 128/2021/NĐ-CP ngày 30/12/2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 156/2020/NĐ-CP do Công ty đại chúng không đưa nội dung thù lao của từng thành viên Hội đồng quản trị, tiền lương của Tổng giám đốc (Giám đốc) và người quản lý khác thành mục riêng trong Báo cáo tài chính hàng năm của công ty và báo cáo Đại hội đồng cổ đông tại cuộc họp thường niên (Ngân hàng không đưa nội dung thù lao của từng thành viên Hội đồng quản trị, tiền lương của Tổng Giám đốc (Giám đốc) và người quản lý khác thành mục riêng trong Báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022 và năm 2023).
Tổng số tiền phạt đói với PGBank là 157.500.000 đồng.
Có thể nói, so với quy mô hoạt động tài chính, đầu tư của một ngân hàng, thì số tiền phạt về 3 lỗi công bố thông tin như nêu trên tại PGBank là không quá lớn, nhưng đó lại là bài học sâu sắc về niềm tin đối với khách hàng, bởi uy tín doanh nghiệp sẽ quyết định đến thương hiệu của đơn vị, doanh nghiệp đó. Và hơn thế, nếu không siết chặt công tác quản lý, doanh nghiệp trong lĩnh vực chứng khoán không ý thức được trách nhiệm của mình về vấn đề công bố thông tin, thì hậu quả có thể sẽ rất nghiêm trọng đến thị trường tài chính nói chung, khi ấy sẽ không còn là câu chuyện đơn thuần về văn hóa doanh nghiệp, hay lợi nhuận ít- lợi nhuận nhiều.
Minh Thành