Petrovietnam nỗ lực tái tạo kinh doanh, phát huy sức mạnh tổng hợp
Việc xác định văn hóa đi trước, định hướng, tạo đà cho tái tạo kinh doanh, cùng với “quản trị biến động” là đôi “đòn bẩy” mạnh mẽ cho quản trị doanh nghiệp, phát huy sức mạnh tổng hợp của Tập đoàn Petrovietnam và các đơn vị thành viên.
Mặc dù chịu tác động lớn do giá các sản phẩm dầu khí đều suy giảm mạnh, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) tiếp tục duy trì ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh tháng 4 đạt kết quả tích cực hơn so với tháng 3, qua đó hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu sản lượng và tài chính trong 4 tháng đầu năm 2023.
Năm 2023 được dự báo còn nhiều khó khăn thách thức trong phục hồi kinh tế của Việt Nam. Các diễn biến địa chính trị trên thế giới cũng như nhu cầu sụt giảm khiến ngành Dầu khí phải sẵn sàng đối phó với những bất thường của thị trường. Chính vì vậy, ngay từ cuối năm 2022 khi lên kế hoạch sản xuất kinh doanh, trên cơ sở phát huy giá trị cốt lõi “Khát vọng - Trí tuệ - Chuyên nghiệp - Nghĩa tình”, các đơn vị đã thể hiện “khát vọng” trong xây dựng từng chỉ tiêu quản trị, sản xuất kinh doanh.
Theo đó, lãnh đạo Đảng ủy, Hội đồng Thành viên, Tổng Giám đốc Tập đoàn đã làm việc cùng từng đơn vị, đặc biệt là các đơn vị chủ chốt, đơn vị còn nhiều khó khăn để định hướng, đặt ra các mục tiêu quản trị để phấn đấu. Trong đó, tổ chức họp triển khai công tác đầu tư, quản trị danh mục đầu tư, nâng cao chuỗi liên kết giá trị ngành Dầu khí nhằm đảm bảo hoàn thành kế hoạch đầu tư và phát triển bền vững của hệ sinh thái Petrovietnam.
Đây là nội dung thực hiện văn hóa doanh nghiệp về việc nâng cao tính dẫn dắt và vai trò nêu gương từ lãnh đạo cao nhất của Tập đoàn, các tổ chức chính trị - xã hội đến các đơn vị trong quản lý điều hành, phát ngôn và hành động, trong tiếp xúc và chia sẻ với người lao động. Nét văn hóa này được duy trì trong hơn 3 năm qua, đã khiến nhiều đơn vị từng bước chuyển biến về chất khi kiện toàn, thành lập và phân công rõ nhiệm vụ cho từng cá nhân, tổ chức chịu trách nhiệm triển khai và đề ra lộ trình, thời gian hoàn thành trong từng hạng mục công việc, nâng cao hiệu quả quản trị, sản xuất kinh doanh.
Qua 4 tháng đầu năm 2023, với nỗ lực sản xuất tối đa, tối ưu và nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, Petrovietnam đạt được các chỉ tiêu tài chính khả quan, vượt so với kế hoạch, tích cực hơn so với đà suy giảm của giá dầu và các biến động bất lợi của thị trường.
Chủ tịch HĐTV Petrovietnam Hoàng Quốc Vượng nhấn mạnh, 3 nhiệm vụ trọng tâm cần thúc đẩy trong tháng 5 và các tháng tiếp theo của năm 2023 gồm:
Một là, tiếp tục đảm bảo các điều kiện, giải pháp để thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ duy trì sản lượng khai thác.
Hai là, bảo đảm an toàn, ổn định, khả dụng cao của các nhà máy điện, tận dụng cơ hội thị trường khi nguồn cung ứng điện đang rất căng thẳng để gia tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh, đồng thời cung cấp điện tối đa phục vụ cho yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Ba là, tập trung thúc đẩy công tác đầu tư xây dựng, giải quyết các thủ tục đầu tư, đặc biệt chú trọng các dự án trọng điểm như: Chuỗi dự án khí Lô B, Nhà máy điện Nhơn Trạch 3 &4…
Xác định tiếp tục kiên định mục tiêu duy trì ổn định, tăng trưởng đưa ra từ đầu năm, trong bối cảnh kinh tế vĩ mô khó khăn, tiềm tàng suy thoái kinh tế, tài chính, biến động giá dầu và các sản phẩm dầu khí theo hướng bất lợi, Tổng giám đốc Petrovietnam Lê Mạnh Hùng đã chỉ đạo các nhiệm vụ cụ thể cho từng đơn vị/lĩnh vực hoạt động của tập đoàn.
Đồng thời, Tổng giám đốc đề nghị tập trung một số giải pháp chung như: Thúc đẩy hoàn thiện các cơ chế, chính sách liên quan (Dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi), dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 124/2017/NĐ-CP về đầu tư ra nước ngoài trong lĩnh vực Dầu khí, dự thảo Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Dầu khí).
Bên cạnh đó, khắc phục tình trạng suy giảm sản lượng ở các lĩnh vực sản xuất; khắc phục suy giảm doanh thu ở các đơn vị, lĩnh vực chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu doanh thu toàn tập đoàn; thúc đẩy đánh giá nguồn lực dịch vụ, xây dựng sản phẩm, dịch vụ chủ lực; tiếp tục đẩy mạnh công tác quản trị danh mục/dự án đầu tư, chương trình nghiên cứu khoa học dài hạn, xây dựng cơ sở dữ liệu, chuyển đổi số,… cố gắng nỗ lực trong các tháng còn lại để hoàn thành mục tiêu quản trị đề ra của tập đoàn.
Việc bố trí nguồn lực, nhân lực, thời gian, tài chính để tổ chức thực hiện văn hóa doanh nghiệp hướng tới thực chất, hiệu quả, liên tục cũng được các đơn vị tiếp tục quan tâm và bước đầu có chuyển biến tốt so với cuối năm 2022. Trong đó, tiếp tục thực hiện phương châm hành động “Đoàn kết - Kỷ cương - Sáng tạo - Hiệu quả” kết hợp với Hệ thống quản trị nguồn lực doanh nghiệp, thực hiện văn hóa chia sẻ trong công việc, văn hóa làm việc trên nền tảng công nghệ, văn hóa đào tạo, tự cập nhật kiến thức…
Lan Anh