Ông Nguyễn Mạnh Hùng giữ chức Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ
Ông Nguyễn Mạnh Hùng - Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông được Quốc hội phê chuẩn giữ chức Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ.
sáng ngày 18 tháng 2, tại kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội đã thông qua nghị quyết về cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV và nghị quyết về cơ cấu số lượng thành viên Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV. Vào buổi chiều cùng ngày, Quốc hội đã biểu quyết thông qua nghị quyết phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Mạnh Hùng giữ chức vụ Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ nhiệm kỳ 2021-2026.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng sinh ngày 24 tháng 7 năm 1962 tại xã Tân Hồng, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Ông là Ủy viên Trung ương Đảng khóa XII, XIII. Ông đã tốt nghiệp chuyên ngành kỹ sư vô tuyến điện từ Trường Thông tin Ulianop ở Liên Xô (trước đây), đạt trình độ thạc sĩ viễn thông tại Australia và thạc sĩ quản trị kinh doanh tại Đại học Kinh tế Quốc dân. Ngoài ra, ông còn có trình độ cao cấp lý luận chính trị.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng là một trong những lãnh đạo tiêu biểu của ngành công nghệ thông tin và truyền thông Việt Nam. Trong hơn 6 năm giữ vai trò Bộ trưởng, ông đã chứng tỏ tầm nhìn chiến lược và quyết tâm mạnh mẽ trong việc thúc đẩy chuyển đổi số, xây dựng nền tảng công nghệ quốc gia và đưa Việt Nam trở thành một quốc gia số.
Trước khi đảm nhận vai trò Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, ông Nguyễn Mạnh Hùng đã có nhiều kiến giải nhằm phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Ông khẳng định: “Để phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, các doanh nghiệp lớn phải đi đầu.” Ông cũng nhấn mạnh rằng: “Muốn có doanh nghiệp lớn thì nhà nước phải giao việc lớn cho họ, đặt hàng, giao nhiệm vụ cho họ. Khi đã có việc lớn, doanh nghiệp Việt Nam mới có thể lớn mạnh. Doanh nghiệp sau khi thành công cần phải có những nhiệm vụ lớn, thách thức lớn để tạo ra niềm tự hào cho Việt Nam.” Ông cũng khuyến khích: “Các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp lớn, phải dẫn đầu trong việc ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số, từ đó dẫn dắt các doanh nghiệp Việt Nam khác cũng tham gia vào quá trình này, tạo ra làn sóng phát triển khoa học, công nghệ cho đất nước.”
H.A