Thứ bảy, 23/11/2024 10:23 (GMT+7)
Thứ sáu, 11/12/2020 09:56 (GMT+7)

'Nóng' vấn đề phát triển năng lượng mặt trời ở Tây Nguyên

Theo dõi KTMT trên

Tại kỳ họp HĐND của các tỉnh Đăk Nông, Gia Lai vấn đề phát triển năng lượng mặt trời đã được nhiều đại biểu quan tâm.

Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn kỳ họp HĐND tỉnh Đăk Nông hôm 10/12, các đại biểu HĐND tỉnh Đăk Nông cho rằng, hai năm trở lại đây, số lượng đầu tư, phát triển các dự án điện năng lượng mặt trời trên địa bàn đã bùng phát với tốc độ chóng mặt. Tuy vậy, cơ quan chức năng ở tỉnh đã lơ là trong việc giám sát, kiểm tra việc thực hiện đấu nối một số công trình điện mặt trời. 

Nhiều dự án thỏa thuận đấu nối khi chưa có công trình xây dựng, một số công trình thỏa thuận đấu nối nhưng thực tế chưa có vị trí đấu nối…

Trả lời chất vấn, ông Lê Văn Thị, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Đăk Nông thông tin, hiện toàn tỉnh có gần 450 công trình điện mặt trời áp mái với tổng công suất trên 70 MWP.

Thừa nhận sự bất cập trong việc để xảy ra lỗ hổng trong cấp quyền đấu nối điện mặt trời áp mái, ông Lê Văn Thị cho biết: "Địa phương còn quản lý chưa chặt chẽ, đặc biệt là ở các thôn, khi sang nhượng, mua bán, đội lốt chuyển nhượng đất đai để trở thành trang trại nên nảy sinh vấn đề. UBND tỉnh tiếp tục có chỉ đạo, Sở phối hợp với các ngành liên quan như Sở Xây dựng, Sở Nông nghiệp, Sở Tài nguyên và Môi trường tiếp tục triển khai, kiểm tra, thanh tra, đưa ra những vấn đề cốt lõi để chỉ đạo xử lý".

'Nóng' vấn đề phát triển năng lượng mặt trời ở Tây Nguyên - Ảnh 1
Năng lượng mặt trời bùng nổ ở Tây Nguyên trong những năm qua. (Ảnh minh họa: Internet)

Phát triển điện năng lượng mặt trời cũng là vấn đề "nóng" tại kỳ họp thứ 16, HĐND tỉnh khóa XI diễn ra sáng 10/12. Giải trình về việc phát triển nóng các dự án điện năng lượng mặt trời tại địa phương, ông Phạm Văn Binh, Giám đốc Sở Công Thương Gia Lai thông tin, hiện nay, tỉnh có trên 2.000 công trình điện mặt trời mái nhà với tổng công suất khoảng 206MWp. Ngoài ra, có 2 dự án điện mặt trời công suất 84MWp đang vận hành và hàng chục dự án khác với tổng quy mô hơn 1.000 MWp đang trong quá trình triển khai. Theo tính toán của Bộ Công Thương, nhu cầu phụ tải điện từ nay tới năm 2025 tăng bình quân 8,5%/năm, do vậy, việc đẩy mạnh phát triển dạng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời là cần thiết và tất yếu.

Đối với lo ngại về việc xử lý pin năng lượng mặt trời sau khi hết hạn sử dụng, ông Binh cho rằng, pin năng lượng mặt trời được cấu tạo từ khung nhôm, kính cường lực, màng bảo vệ, pin, tấm nền, dây dẫn và hộp kết nối; hiện chưa được tính là chất thải nguy hại. Trên thế giới, đã có những công ty xử lý tái chế những tấm thu năng lượng mặt trời. Vì thế khoảng 20 năm nữa, khi các tấm pin đồng loạt hết hạn, thì tin tưởng rằng công nghệ trong nước hoàn toàn xử lý được.

Theo ông Phạm Văn Binh, vấn đề nổi cộm hiện nay là làm sao kiểm soát các dự án núp bóng điện mặt trời áp mái để hưởng chính sách ưu đãi của Nhà nước.

“Nhiều trang trại không có mái, nghe vấn đề mái năng lượng không thay được mái nhà thì họ lại áp mái, là áp mái tôn dưới mái năng lượng. Chúng tôi đang chờ hướng dẫn của Bộ Công Thương để tham mưu UBND tỉnh và các sở ngành sẽ thực hiện kiểm tra, hướng dẫn các nhà đầu tư thực hiện đúng chủ trương của Nhà nước, đồng thời xử lý nghiêm các vi phạm”, ông Phạm Văn Binh cho hay.

Vài năm trở lại đây, số lượng đầu tư, phát triển các dự án điện năng lượng mặt trời trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên đã bùng phát với tốc độ chóng mặt.

Theo Công ty Điện lực Đắk Nông, trước tháng 7/2019, trên toàn tỉnh chỉ có 14 dự án điện năng lượng mặt trời nhưng đến cuối tháng 9/2020, con số đã lên đến 195 dự án điện năng lượng mặt trời và điện mặt trời mái nhà, đăng ký bán điện cho ngành điện với tổng công suất 46,37 MWp. Bên cạnh các dự án đã bán điện, tỉnh này cũng đang có 642 dự án khác với tổng công suất 197,75 MWp. Ngoài ra, có 58 dự án điện mặt trời mái nhà khác đã được thỏa thuận đấu nối vào lưới điện quốc gia nhưng chưa đóng điện…

Gia Lai cũng đang “nóng” về việc phát triển điện năng lượng mặt trời. Theo UBND tỉnh Gia Lai, hiện tỉnh này có 3 dự án điện mặt trời với tổng công suất 138 MWp đã được Bộ Công Thương phê duyệt bổ sung vào Quy hoạch phát triển điện lực của tỉnh. Ngoài ra, 10 dự án điện mặt trời khác với tổng công suất 632 MWp cũng đang tiến hành những thủ tục pháp lý để thực hiện dự án. Những dự án này tập trung chủ yếu ở các địa phương như: Huyện Phú Thiện, huyện Krông Pa, thị xã Ayun Pa.

Ông Phùng Văn Phước, Trưởng Phòng Đăng ký kinh doanh - Sở KH&ĐT tỉnh Gia Lai nhẩm tính: “Từ đầu 2020 đến nay, số doanh nghiệp thành lập mới hơn 200 và bổ sung ngành nghề liên quan đến điện áp mái tăng đột biến – hơn 500 doanh nghiệp. Có lúc chỉ trong vòng một tháng, tỉnh có trên 300 chủ đầu tư đăng ký đầu tư dự án với tổng công suất trên 300 MWp”.

Tại Đắk Lắk, chỉ trong 2 năm qua đã có tới 2.000 công trình điện mặt trời trên mái nhà, với tổng công suất hơn 120.000 kWp được đấu nối. Điện mặt trời “bùng nổ” khiến lưới điện nhiều vùng ở tỉnh Đắk Lắk đã đầy và quá tải.

Ông Hà Văn Chương, Phó Giám đốc Điện lực Đắk Lắk cho biết, đầu 2020 đến nay, toàn tỉnh đã có thêm 1.500 công trình điện mặt trời áp mái với tổng công suất gần 100.000 kWp hòa lưới điện, tăng gấp 5 lần so với năm trước. Điện mặt trời áp mái “bùng nổ” khiến lưới điện một số vùng thuộc các huyện Buôn Đôn, Ea Súp, Cư Mga đầy tải, Công ty điện lực Đắk Lắk đang chủ động lập kế hoạch để đầu tư nâng cấp lưới điện địa phương, đáp ứng nhu cầu của người dân. 

Minh Tuệ

Bạn đang đọc bài viết 'Nóng' vấn đề phát triển năng lượng mặt trời ở Tây Nguyên. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới