Nỗ lực bảo tồn loài linh trưởng quý hiếm nhất thế giới
Vượn Hải Nam - loài linh trưởng quý hiếm nhất trên thế giới, đã đứng trên bờ vực tuyệt chủng vào năm 2014 khi một cơn bão mạnh quét qua hòn đảo này.
Kết quả của nhiều thập kỷ phát triển kinh tế, cùng với việc khai thác gỗ và phá rừng, đã khiến môi trường sống của loài vượn Hải Nam đang ngày càng bị thu hẹp. Những khu rừng nguyên sinh đang dần bị bào mòn do nhu cầu xây dựng của người dân trên đảo.
Những trận lở đất lớn do siêu bão Rammasun gây ra vào năm 2014 đã khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn khi một diện tích lớn cây rừng bị mưa lũ cuốn trôi ra biển, khiến loài vượn gặp khó khăn trong việc di chuyển.
“Loài vượn có thói quen đu bám giữa các tán cây để di chuyển trong lãnh thổ của chúng", ông Pui Lok Chan - người đứng đầu Trang trại Kadoorie và Vườn Bách thảo Tân Giới của Hong Kong, cho biết. "Việc mất đi một phần diện tích cây rừng đã đặt ra một thách thức lớn trong việc bảo tồn loài vượn".
Mật độ rừng cây giảm không chỉ hạn chế khả năng kiếm thức ăn của vượn Hải Nam mà còn cản trở việc chúng giao lưu với nhau và dễ trở thành miếng mồi cho các loài ăn thịt và thợ săn.
Sau trận bão lịch sử, ông Chan và các đồng nghiệp của mình nhận thấy đàn vượn ít ỏi trên đảo Hải Nam gặp rắc rối khi di chuyển giữa các khoảng rừng trống.
"Cây cối đóng vai trò như đường cao tốc với loài vượn tại đây. Chúng phải liên tục nhảy giữa các tán cây để di chuyển, nếu không có cây, chúng phải đánh liều bằng những cú nhảy xa, dù điều này tiềm ẩn rất nhiều nguy hiểm", ông Chan nói.
Để trợ giúp loài linh trưởng quý hiếm này, nhóm của Chan đã nảy ra sáng kiến căng các sợi dây cáp vắt ngang các con đường xuyên rừng để làm lối đi cho loài vượn.
Các nhà bảo tồn cũng lắp đặt các camera theo dõi để ghi lại bất kỳ chuyển động nào trên các sợi cáp. Tuy nhiên, cũng phải mất một thời gian dài để đàn vượn tin tưởng "cây cầu" mà con người lắp cho chúng.
Phải mất tới 176 ngày, camera mới ghi lại được những hình ảnh đầu tiên về đàn vượn đu trên các sợi dây cáp.
Trong 470 ngày theo dõi, các nhà nghiên cứu đã thu thập được hơn 200 hình ảnh và 50 video về những con vượn nhào lộn vắt vẻo trên các sợi dây cáp.
Tuy nhiên, ông Chan cho biết đây chỉ là giải pháp ngắn hạn. “Việc trồng lại rừng với các loài cây bản địa nên được ưu tiên để khôi phục môi trường sống cho loài vượn".
Có 20 loài vượn đã được xác định, tất cả đều ở Châu Á. Hầu hết đều thuộc loại "nguy cấp" hoặc "cực kỳ nguy cấp" - mức báo động cuối cùng trước khi "tuyệt chủng trong tự nhiên", theo Danh sách Đỏ của Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN).
Loài vượn Hải Nam, với tên khoa học là Nomascus hainanus, là loài đặc hữu của hòn đảo và hiện chỉ được tìm thấy trong Khu bảo tồn Thiên nhiên Quốc gia Hainan Bawangling.
Số liệu vào năm 1950 cho thấy có khoảng 2.000 cá thể sinh sống ngoài tự nhiên, trong cho tới thập kỷ 1970, dân số loài vượn chỉ giảm xuống còn một con số.
Thông thường, con đực trưởng thành có màu đen tuyền với mào lông, trong khi con cái có màu vàng vàng với vệt đen trên đầu.
Hầu hết các loài vượn đều sống chung một vợ một chồng, nhưng vượn Hải Nam sống trong các gia đình với một con đực, hai con cái và con cái chưa trưởng thành.
Các nghiên cứu trước đó đã chỉ ra rằng vượn Hải Nam có thói quen "hát song ca" vào lúc bình minh, hành động nhằm đánh dấu lãnh thổ và tăng cường sự gắn kết.
Bắc Hiệp