Thứ năm, 21/11/2024 14:37 (GMT+7)
Thứ hai, 14/10/2024 06:32 (GMT+7)

Những thị trường carbon hấp dẫn nhà đầu tư nhất năm 2024

Theo dõi KTMT trên

Colombia, Kenya và Campuchia dẫn đầu bảng xếp hạng những quốc gia hẫn dẫn nhà đầu tư tín chỉ carbon nhất năm 2024.

Vào tháng trước, Abatable, có trụ sở tại London (Anh), là nhà cung cấp hàng đầu các giải pháp liên quan đến thị trường carbon, đã công bố Chỉ số Hấp dẫn Đầu tư Thị trường Carbon Tự nguyện (VCM Index) 2024 tại Tuần lễ Khí hậu ở New York.

Chỉ số này xếp hạng các quốc gia hàng đầu theo các điều kiện thị trường carbon tự nguyện (VCM) hiện tại và tiềm năng định hình tương lai của thị trường carbon. Chỉ số này cũng cung cấp dữ liệu toàn diện và thông tin chi tiết tại địa phương cho các nhà đầu tư, chính phủ, người mua tín dụng carbon và các nhà phát triển dự án để điều hướng thị trường tốt nhất.

5 quốc gia hiện đang hấp dẫn nhất đối với các nhà đầu tư tín chỉ carbon là Colombia, Kenya, Campuchia, Mexico và Peru. Các quốc gia này giành được năm vị trí dẫn đầu chủ yếu nhờ các quy định của họ tạo ra môi trường ổn định hơn để các nhà phát triển dự án carbon có thể hoạt động.

Những thị trường carbon hấp dẫn nhà đầu tư nhất năm 2024 - Ảnh 1
Rừng Amazon ở Colombia.

Ví dụ, thuế carbon của Colombia đã kích thích hoạt động thị trường đáng kể và thúc đẩy phát triển dự án, trong khi Kenya ban hành quy định về thị trường carbon vào năm 2024, tạo ra môi trường mạnh mẽ hơn và thân thiện hơn với dự án để phát triển và đầu tư dự án carbon.

Bảng xếp hạng dựa trên ba trụ cột và 24 chỉ số phân tích bối cảnh đầu tư của các quốc gia, mức độ sẵn sàng tham gia vào thị trường carbon quốc gia và quốc tế cũng như các cơ hội mà VCM có thể cải thiện điều kiện môi trường và xã hội của họ.

Tăng 11 hạng so với năm ngoái lên vị trí dẫn đầu thế giới, Colombia là một trong 17 quốc gia đa dạng sinh học nhất trên thế giới. Vị thế này có được nhờ một phần diện tích rừng nhiệt đới Amazon. Quốc gia Nam Mỹ này nổi lên dẫn đầu toàn cầu về phát hành tín chỉ carbon cho giải pháp dựa trên thiên nhiên (NBS), với 142 triệu tấn tín chỉ carbon được phát hành kể từ khi thị trường thành lập.

Colombia cũng thể hiện thành tích mạnh mẽ trong trụ cột sẵn sàng cho thị trường carbon toàn cầu, với cách tiếp cận sáng tạo về định giá carbon, thể hiện sự kết hợp giữa cơ chế tuân thủ và thị trường carbon tự nguyện.

Cụ thể, thuế carbon của Colombia đã thúc đẩy đáng kể hoạt động thị trường. Khung pháp lý mới và cơ chế đăng ký carbon quốc gia cũng đang thu hút sự quan tâm đáng kể từ các nhà đầu tư tín chỉ carbon.

Xếp ở vị trí số 1 năm ngoái, nhưng Kenya đã tụt một hạng xuống thứ 2 năm nay. Tuy nhiên, quốc gia Tây Phi này vẫn trong top đầu nhờ nguồn cung tín chỉ carbon cao. Họ đã phát hành khoảng 20% tổng số tín chỉ carbon của cả châu Phi từ năm 2016 đến năm 2021.

Gần đây, Kenya còn triển khai khung pháp lý theo Điều 6 của Thỏa thuận Paris , qua đó cải thiện điểm số sẵn sàng tham gia thị trường carbon toàn cầu. Khung pháp lý theo Điều 6 (Article 6) là một phần trong Thỏa thuận Paris, được thiết kế để tạo ra các cơ chế và quy tắc cho việc giao dịch tín chỉ carbon giữa các quốc gia.

Campuchia tăng 3 bậc lên vị trí thứ 3 trong VCM Index 2024. Quốc gia Đông Nam Á này nổi bật với hệ động thực vật đa dạng, tạo điều kiện thuận lợi cho các dự án carbon liên quan đến bảo tồn đa dạng sinh học và giảm thiểu biến đổi khí hậu. Việc ban hành "Sổ tay hướng dẫn hoạt động toàn diện theo Điều 6" vào tháng 12/2023 đã giúp Campuchia tăng điểm trong hạng mục sẵn sàng tham gia thị trường carbon toàn cầu.

Trong khi đó, Việt Nam đã giảm 11 bậc so với năm 2023, đứng ở vị trí 26 trong số 44 quốc gia. Theo báo cáo, Việt Nam hiện có 113 dự án liên quan đến thị trường carbon, với 41% là các dự án năng lượng hiệu quả, 39% là dự án năng lượng tái tạo và 19% thuộc các dự án khác. Tuy nhiên, Việt Nam chưa ban hành hướng dẫn hoặc quy định chính thức liên quan đến Điều 6 của Thỏa thuận Paris, điều này khiến thứ hạng của Việt Nam chưa cao.

Tại khu vực Đông Nam Á, Thái Lan và Indonesia có thứ hạng cao hơn Việt Nam, lần lượt ở vị trí 15 và 17. Trong khi đó, Malaysia và Myanmar đứng sau Việt Nam, lần lượt ở vị trí 28 và 29.

Ngoài ba quốc gia dẫn đầu, các quốc gia khác như Madagascar, Zambia và Brazil cũng ghi nhận nhiều tiến bộ trong việc phát triển thị trường carbon. Brazil đã tăng 33 bậc trong bảng xếp hạng nhờ sự gia tăng nguồn cung tín chỉ carbon. Nước này đang thu hút sự quan tâm lớn từ các công ty công nghệ lớn như Google, Meta, Microsoft và Amazon, những doanh nghiệp đang đầu tư hàng triệu USD vào các sáng kiến carbon của Brazil.

Bạn đang đọc bài viết Những thị trường carbon hấp dẫn nhà đầu tư nhất năm 2024. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: toasoanktmt@gmail.com

Cùng chuyên mục

Tin mới