Thứ năm, 28/11/2024 19:59 (GMT+7)
Thứ sáu, 04/10/2024 15:20 (GMT+7)

Những cây còn bầu bọc rễ sẽ khiến cây dễ gãy, đổ khi có gió to

Theo dõi KTMT trên

Tại cuộc Họp báo quý III/2024 của UBND Thành phố Hà Nội, vấn đề cây xanh trên địa bàn Thủ đô bị gãy, đổ sau bão Yagi, đặc biệt là tình trạng cây xanh được trồng còn nguyên bầu bọc rễ là nội dung được nhiều cơ quan báo chí quan tâm.

Chiều hôm qua (ngày 3/10), UBND Thành phố Hà Nội tổ chức cuộc họp báo thông tin về tình hình kinh tế - xã hội quý III/2024. Tại cuộc họp báo, vấn đề cây xanh của Hà Nội gãy, đổ sau bão số 3 (bão Yagi) rất được quan tâm.

Về vấn đề này, theo ông Nguyễn Đức Hưng, Giám đốc Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật Thành phố Hà Nội (Sở Xây dựng Hà Nội), đa số cây xanh bị gãy, đổ là do không thể chịu được sức tàn phá của thiên nhiên. Nhất là đối với hệ thống cây xanh Hà Nội lớn, môi trường đô thị chật hẹp, bộ rễ của cây không đủ điều kiện để phát triển tương đương với tán lá.

Những cây còn bầu bọc rễ sẽ khiến cây dễ gãy, đổ khi có gió to - Ảnh 1
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Đối với hậu quả của cơn bão Yagi vừa qua, ông Nguyễn Đức Hưng nhận định rằng cơn bão này có cường độ rất mạnh trong hàng chục năm qua. Qua thống kê sơ bộ, có 11.756 cây xanh do Thành phố Hà Nội quản lý bị gãy, đổ. Trong số đó, có 3.515 cây được dựng lại ngay tại chỗ; 658 cây mang về vườn ươm; cây gãy đổ không cứu được đưa ra đấu giá, cắt khúc thanh lý là 7.635 cây.

Về vấn đề nhiều cây xanh sau khi bị gãy đổ có hiện tượng còn nguyên bầu bọc rễ, Giám đốc Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật Thành phố Hà Nội cho hay, việc trồng cây xanh đã được Thành phố quy định về quy trình, định mức, kỹ thuật, kích thước hố, kích thước bầu, độ sâu trồng rất cụ thể.

Trước đó, vào năm 2014, Sở Xây dựng Thành phố đã rà soát lại những cây xanh trồng mà còn nguyên bầu. Tuy vậy, sau cơn bão Yagi, trong tổng số những cây xanh bị gãy, đổ, có 12 cây còn nguyên bầu (trong đó, 7 cây có bầu rễ được bọc bằng vật liệu không thể tiêu hủy, 5 cây có bầu rễ vẫn còn bọc bao ximăng).

Ông Nguyễn Đức Hưng cho biết, việc còn bầu bọc rễ sẽ khiến cây khó phát triển, khi có gió to sẽ dễ gãy, đổ. Sở Xây dựng Hà Nội đang truy tìm các chủ đầu tư trồng cây còn nguyên bầu bọc rễ để quy trách nhiệm và có biện pháp xử lý.

Liên quan đến hệ thống cây xanh, Hà Nội đã triển khai phương án trồng dựng lại tại chỗ khoảng 3.418 cây xanh (trong đó có khoảng hơn 100 cây quý hiếm, cây di sản, cây được bảo tồn và cây cổ thụ); chuyển về vườn ươm để chăm sóc khoảng 580 cây... Hệ thống công trình đê điều, thủy lợi cơ bản ổn định, không có các sự cố lớn xảy ra; công tác di dân, đảm bảo an toàn cho nhân dân trước bão, lũ đã được triển khai theo đúng kế hoạch, không bị động, không bất ngờ, mặc dù sau nhiều năm mới có lũ.

Vấn đề cây xanh ở Hà Nội đã nóng lên hàng thập kỷ. Những năm gần đây, được sự chỉ đạo của chính quyền các cấp, sự tham góp tư vấn của nhiều chuyên gia và sự chung tay của xã hội, nhiều giống cây mới đã được gây giống, nhập về, phủ xanh nhiều tuyến phố. Nhưng việc 17.000 cây ở khu vực nội đô dễ dàng bị gãy, đổ, bật gốc trong bão số 3 đã khiến dư luận không khỏi băn khoăn.

Vấn đề kỹ thuật trồng cấy, cách chọn giống cây phù hợp với môi trường, thổ nhưỡng; vấn đề hạ tầng đô thị khu vực cây xanh; vấn đề chăm bón, bảo vệ cây sau trồng và trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức liên quan đến toàn bộ quy trình của dự án phát triển cây xanh cần được nghiêm túc nhìn nhận và kịp thời có hướng giải quyết triệt để.

UBND TP cũng yêu cầu các địa phương, đơn vị theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, thiên tai, chủ động chỉ đạo, triển khai ứng phó theo thẩm quyền, đảm bảo kịp thời, hiệu quả, sát với tình hình thực tế trên địa bàn; sẵn sàng triển khai phương án ứng phó, khắc phục theo phương châm “4 tại chỗ”; chú trọng đến các địa phương thường xuyên chịu ảnh hưởng của ngập, lụt, lũ rừng ngang: Chương Mỹ, Quốc Oai, Thạch Thất, Mỹ Đức…

Chiều tối 7/9 bão Yagi đổ bộ Hà Nội với sức gió cấp 10 (102 km/h), cơn bão này đã làm 4 người chết, 24 người bị thương; hơn 36.000 ha lúa bị ngập, dập nát; gần 12.000 ha rau màu bị ngập, hơn 3.400 gia súc chết. Nước sông Hồng lên xấp xỉ báo động ba, mức cao nhất từ năm 1971 đến nay, gây ngập hơn 27.000 nhà ven sông.

Bích Ngọc

Bạn đang đọc bài viết Những cây còn bầu bọc rễ sẽ khiến cây dễ gãy, đổ khi có gió to. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Việt Nam thúc đẩy tài chính xanh, chuyển đổi xanh
Ngày 27/11, tại Hà Nội diễn ra Tọa đàm: "Thúc đẩy tài chính xanh - Hướng tới phát triển bền vững tại Việt Nam" với sự tham gia của đại diện Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia, Ngân hàng Nhà nước, Hiệp hội ngân hàng, công ty tài chính.