Nhu cầu tuyển dụng lao động tại các thành phố lớn tăng mạnh sau Tết
Theo Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM, trông quý 1/2022 TP cần khoảng 78.500-86.900 lao động, trong đó nhu cầu nhân lực đã qua đào tạo chiếm 86,39%, trong đó trình độ đại học trở lên chiếm 21,58%.
TP.HCM cần gần 9.000 lao động trong quý I
Đại diện Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM (Falmi) cho biết nhu cầu nhân lực của thành phố sau Tết Nguyên đán 2022 khoảng 44.800-55.600 chỗ làm việc, tập trung ở các ngành như dệt may-giày da; sản xuất, chế biến thực thẩm; cơ khí; hóa chất-dược-cao su; kiến trúc; xây dựng; bán buôn và bán lẻ; vận tải kho bãi; dịch vụ lưu trú và ăn uống; thông tin và truyền thông; kinh doanh bất động sản; dịch vụ bảo vệ.
Các nhóm nghề có nhu cầu tuyển dụng cao như: kinh doanh thương mại; dịch vụ phục vụ cá nhân, bảo vệ; dịch vụ tư vấn-nghiên cứu khoa học và phát triển; công nghệ thông tin; dịch vụ du lịch-lưu trú và ăn uống; công nghệ lương thực-thực phẩm; kỹ thuật điện-điện lạnh-điện công nghiệp-điện tử…
Như vậy, nhu cầu nhân lực của thành phố trong quý 1/2022 cần khoảng 78.500-86.900 lao động, trong đó nhu cầu nhân lực đã qua đào tạo chiếm 86,39%; bao gồm trình độ đại học trở lên chiếm 21,58%, cao đẳng chiếm 19,13%, trung cấp chiếm 25,08%, sơ cấp chiếm 20,6%.
Thị trường lao động trong nước đang phục hồi khả quan
Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, nhân lực sau Tết đáp ứng được 85% nhu cầu doanh nghiệp. Bộ trưởng đánh giá nhờ dự báo sớm, cảnh báo sớm nên không xảy ra tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng lao động, và tạo ra được một thị trường lao động tương đối ổn định. Hiện thị trường lao động trong nước đang phục hồi khả quan.
Tuy vậy, ông Đào Ngọc Dung cho rằng vấn đề hiện nay là thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao, bởi thời gian vừa qua do tác động của đại dịch Covid-19 nên có sự chuyển dịch lao động từ nhà máy này sang nhà máy khác, từ doanh nghiệp này sang doanh nghiệp khác.
"Tôi cho rằng, không đến mức thiếu trầm trọng nguồn lao động, nhưng cái thiếu hiện nay chính là nguồn nhân lực chất lượng cao. Do đó, các doanh nghiệp vừa tiếp nhận, vừa đào tạo. Những ngành nghề có thể sử dụng được ngay, đòi hỏi công nghệ thấp thì có thể có lực lượng ngay, nhưng những ngành nghề đòi hỏi công nghệ cao thì phải có thời gian phục hồi", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói.
Nhận định về việc thiếu hụt lao động sau tết, ông Vũ Quang Thành, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội đánh giá, đến thời điểm này, có thể dự báo, trên địa bàn Hà Nội sẽ không thiếu hụt lao động trong thời gian tới hoặc nếu có thì không đáng kể.
Điều này thể hiện qua việc số lao động đến làm thủ tục nhận bảo hiểm thất nghiệp năm 2021 trên địa bàn Hà Nội giảm hơn so với các năm trước gần 20.000 lượt người.
Theo ông Vũ Quang Thành, sau Tết, các doanh nghiệp cũng quan tâm tuyển chọn lao động có tay nghề, kỹ năng để hướng đến việc thích ứng lâu dài với dịch Covid-19 trong bối cảnh bình thường mới.
Tại tọa đàm "Thị trường lao động cuối năm: Dự báo từ chuyên gia", ông Thành cho biết: "Với Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, chúng tôi tiếp tục cần phải làm tốt việc thu thập, phân tích, đánh giá thị trường lao động. Trên cơ sở đó có những dự báo chính xác."
"Ngoài ra, tổ chức các phiên chuyên đề giành riêng cho thanh niên, các lao động từ nước ngoài về và các đối tượng yếu thế. Chúng tôi cũng trực tiếp tham mưu tới lãnh đạo Sở để tổ chức các phiên giao dịch việc làm lưu động ở các địa phương", ông Thành chia sẻ
Hà Lan (T/h)