Thứ sáu, 03/05/2024 10:14 (GMT+7)
Thứ năm, 26/10/2023 11:50 (GMT+7)

Nhiều vấn đề được ĐBQH đưa ra tại phiên thảo luận dự án Luật Căn cước và Luật Viễn Thông (sửa đổi)

Theo dõi KTMT trên

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV, ngày 25/10, Quốc hội đã thảo luận về dự án Luật Căn cước và Luật Viễn Thông (sửa đổi). Tại đây nhiều vấn đề nóng cũng đã được ĐBQH đưa ra.

Nhiều vấn đề được ĐBQH đưa ra tại phiên thảo luận dự án Luật Căn cước và Luật Viễn Thông (sửa đổi) - Ảnh 1

Phát biểu tại phiên thảo luận, ĐBQH Phạm Văn Hòa (đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp) thống nhất với sự cần thiết cấp thẻ căn cước điện tử cho công dân mang lại nhiều tiện lợi khi được tích hợp nhiều thông tin.

Tuy nhiên, đại biểu Phạm Văn Hòa cho biết nhiều công dân phản ánh lo ngại căn cước gắn chíp, căn cước điện tử liệu có bị theo dõi. Để công dân an tâm, vị ĐBQH đề nghị Bộ Công an giải thích làm rõ, thông tin tuyên truyền về vấn đề này.

Nhiều vấn đề được ĐBQH đưa ra tại phiên thảo luận dự án Luật Căn cước và Luật Viễn Thông (sửa đổi) - Ảnh 2

Giải đáp việc này, Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an khẳng định, việc sử dụng thẻ căn cước có gắn chip điện tử, QR Code và căn cước điện tử không bị theo dõi và không thể theo dõi được.

Đại tướng Tô Lâm cũng nhấn mạnh, Bộ Công an hay bất cứ một cơ quan nào không được theo dõi và không thể theo dõi được trên cấu tạo của thẻ này.

“Chúng tôi cũng phải có trách nhiệm bảo đảm an toàn, an ninh cho con người, cho công dân, cho những người sử dụng thẻ căn cước không bị theo dõi bởi bất kể một tổ chức, cá nhân nào, không thể lợi dụng được những việc đó để theo dõi; cũng như bảo đảm an ninh, an toàn về dữ liệu của công dân đã được khai báo và tích hợp” - người đứng đầu ngành công an nói và cho rằng thông tin trên có thể do những đối tượng xấu tung tin ra để gây hoang mang trong nhân dân.

Nhiều vấn đề được ĐBQH đưa ra tại phiên thảo luận dự án Luật Căn cước và Luật Viễn Thông (sửa đổi) - Ảnh 3

Bày tỏ thống nhất với việc đổi tên là thẻ căn cước song đại biểu Phạm Văn Hòa đề nghị nghiên cứu kỹ lưỡng trước khi trình, tránh trường hợp như trước đây cấp thẻ căn cước không gắn chíp sau 1 tháng lại áp dụng cấp thẻ căn cước gắn chíp gây ra tốn kém.

đại biểu Phạm Văn Hoà bảo lưu thẩm quyền cấp giấy chứng nhận căn cước và thẻ căn cước do Giám đốc Công an tỉnh cấp như quy định trước đây, vì nếu để Bộ Công an thực hiện cấp thì sẽ mất nhiều thời gian, tốn kém. Đề nghị nghiên cứu kỹ hơn quy định này.

Cho ý kiến về những nội dung thể hiện trên thẻ căn cước, đại biểu Phạm Văn Hòa cho rằng bắt buộc có 7 thông tin chính như: họ tên, năm sinh, quốc tịch, giới tính... Tuy nhiên, những trường hợp còn lại, nên thể hiện là không bắt buộc, khuyến khích người dân cung cấp thêm ngoài những quy định bắt buộc để tích hợp vào thẻ căn cước.

Nhiều vấn đề được ĐBQH đưa ra tại phiên thảo luận dự án Luật Căn cước và Luật Viễn Thông (sửa đổi) - Ảnh 4

Phát biểu tranh luận tại phiên họp, đại biểu Nguyễn Minh Đức (đoàn ĐBQH TP.HCM) cho rằng, quy định bắt buộc thu thập thông tin sinh trắc học về mống mắt là phù hợp…

Đại biểu Nguyễn Minh Đức phân tích, trong thực tế hiện nay, do nhu cầu làm đẹp, nhiều người thực hiện chỉnh sửa khuôn mặt, do đó việc nhận diện khuôn mặt rất khó kiểm soát. Tuy nhiên, mống mắt lại là đặc điểm gần nhận dạng cố định. Do vậy, quy định bắt buộc thu thập thông tin sinh trắc học về mống mắt là hợp lý.

Nhiều vấn đề được ĐBQH đưa ra tại phiên thảo luận dự án Luật Căn cước và Luật Viễn Thông (sửa đổi) - Ảnh 5

Trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy cho biết, sau khi tiếp thu, chỉnh lý, dự thảo Luật gồm 10 Chương, 73 Điều.

Thông tin về quản lý thông tin thuê bao, ngăn chặn sim không đúng thông tin thuê bao - sim rác, cuộc gọi, tin nhắn không mong muốn, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cho biết, một số ý kiến đề nghị quy định chặt chẽ về quyền, trách nhiệm của doanh nghiệp viễn thông và chủ sở hữu thuê bao trong quản lý thông tin thuê bao di động, ngăn chặn, xử lý sim rác, cuộc gọi, tin nhắn rác, cuộc gọi lừa đảo đối với các tài khoản mạng xã hội và mọi hoạt động liên quan đến thuê bao di động; quy định xử lý chủ thuê bao này nếu có vi phạm liên quan đến thuê bao di động đó.

Tiếp thu ý kiến đại biểu, dự thảo luật đã bổ sung các quy định về trách nhiệm của doanh nghiệp viễn thông, người sử dụng dịch vụ viễn thông trong việc quản lý thông tin thuê bao, ngăn chặn, xử lý sim không đúng thông tin thuê bao, cuộc gọi, tin nhắn không mong muốn, cuộc gọi lừa đảo.

Đồng thời, để tăng cường các biện pháp ngăn chặn cuộc gọi, tin nhắn không mong muốn, cuộc gọi lừa đảo, dự thảo Luật đã bổ sung quy định hành vi cấm sử dụng thiết bị, phần mềm xâm nhập trái phép vào mạng viễn thông công cộng tại khoản 5 Điều 9.

Về đề nghị quy định các chủ thuê bao di động phải chịu trách nhiệm đối với các tài khoản mạng xã hội và mọi hoạt động liên quan đến thuê bao di động mà cá nhân đó là chủ, quy định chế tài xử lý đối với các chủ thuê bao này nếu để xảy ra các vi phạm liên quan đến thuê bao di động đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, điểm c khoản 2 Điều 15 đã quy định người sử dụng dịch vụ viễn thông phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung thông tin truyền đưa, lưu giữ trên mạng viễn thông. Quy định này đã bao gồm cả trường hợp thông tin được đăng tải sử dụng tài khoản mạng xã hội.

Chế tài cụ thể để xử lý các vi phạm về nội dung thông tin sẽ được quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật liên quan về quản lý nội dung thông tin trên mạng viễn thông. Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội không bổ sung nội dung này vào dự thảo luật.

Nhiều vấn đề được ĐBQH đưa ra tại phiên thảo luận dự án Luật Căn cước và Luật Viễn Thông (sửa đổi) - Ảnh 6

Quan tâm về quy định đấu giá số thuê bao dịch vụ viễn thông, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định) đồng tình với nội dung về giá khởi điểm đấu giá số thuê bao dịch vụ viễn thông di động mặt đất được xác định bằng tổng sản phẩm trong nước bình quân đầu người theo giá hiện hành của năm liền kề trước thời điểm đấu giá theo công bố của Tổng cục Thống kê tính trong một ngày.

“Tuy nhiên, trên thực tế, rất nhiều số thuê bao có giá trị cao so với giá khởi điểm”, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh nói và cho rằng, cần phân nhóm các số có giá trị tiềm năng cao để vừa tăng thu ngân sách, vừa giảm số lượng người trúng đấu giá mà không lấy. Nếu không phân nhóm sẽ xảy ra trường hợp bỏ cọc khi nhiều số trúng đấu giá lên tới vài chục, vài trăm triệu đến vài tỉ đồng. Sau đó, người trúng đấu giá thấy không phù hợp với nhu cầu, trả lại số đấu giá nhưng lại chỉ mất cọc tương đương với 262 nghìn đồng.

Lấy ví dụ về một loạt số thuê bao “đẹp”, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh gợi mở việc tham khảo thí điểm đấu giá biển số xe ô tô và đề nghị việc phân nhóm này giao cho Bộ Thông tin và Truyền thông quy định cụ thể.

“Số thuê bao di động sau khi đấu giá không thành ở các nhóm sẽ được chuyển xuống nhóm có mức giá khởi điểm thấp hơn để tiếp tục đấu giá. Số ở nhóm có mức giá khởi điểm thấp nhất nếu đấu giá không thành, sẽ phân bổ trực tiếp cho các tổ chức, doanh nghiệp”, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh đề xuất.

Nhiều vấn đề được ĐBQH đưa ra tại phiên thảo luận dự án Luật Căn cước và Luật Viễn Thông (sửa đổi) - Ảnh 7

Phát biểu ý kiến về dự thảo Luật Viễn Thông (sửa đổi) tại phiên họp, đại biểu Dương Khắc Mai (đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông) đánh giá cao cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra, các cơ quan có liên quan đã tích cực phối hợp, tiếp thu, chỉnh lý các ý kiến góp ý của ĐBQH tại Kỳ họp thứ 5 và Hội nghị ĐBQH hoạt động chuyên trách đối với dự án Luật này…

Để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật, đại biểu Dương Khắc Mai đề nghị cơ quan trình và các cơ quan có liên quan tiếp tục rà soát, nghiên cứu các nội dung của dự án Luật này để đảm bảo tính phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam đang là thành viên. Đồng thời bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, tránh chồng chéo với các dự án luật liên quan, nhất là các Luật về quản lý, sử dụng tài sản công, đấu giá tài sản… Đặc biệt là các dự án Luật sẽ được thông qua tại Kỳ họp thứ 6 này.

Bên cạnh đó, tiếp tục rà soát, hoàn thiện quy định chuyển tiếp; đồng thời rà soát bảo đảm việc lắp đặt các công trình viễn thông trên trụ sở công phải bảo đảm an toàn, an ninh cho cơ quan, tổ chức quản lý trụ sở, tài sản công. Việc lắp đặt các trạm thu phát sóng phải an toàn và bảo đảm sức khỏe sinh hoạt cho người dân xung quanh, không làm ảnh hưởng đến hoạt động, thiết bị, cơ sở vật chất của các cơ quan nhà nước, đơn vị, người dân…

Nội dung: Hà Lan

Thiết kế:  Hải An

Bạn đang đọc bài viết Nhiều vấn đề được ĐBQH đưa ra tại phiên thảo luận dự án Luật Căn cước và Luật Viễn Thông (sửa đổi). Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

10 dấu ấn nổi bật trong phát triển kinh tế-xã hội năm 2023
Khép lại năm 2023, trong bối cảnh thách thức nhiều hơn cơ hội và thuận lợi, tình hình diễn biến bất thường, phức tạp vượt mọi dự báo trước đó, chúng ta đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, khá toàn diện, nhiều lĩnh vực đạt thành tựu, dấu ấn nổi bật.

Tin mới