Nhiều luật có hiệu lực từ ngày 1/1/2025
Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024; Luật Cảnh vệ sửa đổi 2024; Luật Đường bộ 2024; Luật Đấu giá tài sản sửa đổi 2024; Luật Thủ đô 2024... là những Luật sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2025.
Luật trật tự, an toàn giao thông đường bộ
Luật trật tự, an toàn giao thông đường bộ được xây dựng nhằm tạo cơ sở pháp lý về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, bảo đảm an toàn về tính mạng, sức khỏe cho người tham gia giao thông, xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, an toàn, góp phần bảo đảm tốt hơn quyền con người, quyền công dân theo quy định của Hiến pháp năm 2013 và cam kết thực hiện các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Luật có bố cục gồm 9 chương với 89 điều, quy định các nội dung cụ thể về: nguyên tắc bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ; chính sách của Nhà nước về trật tự, an toàn giao thông đường bộ; tuyên truyền, phổ biến pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ; giáo dục kiến thức pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ; các hành vi bị nghiêm cấm…
Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản
Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản gồm 3 điều; trong đó sửa đổi, bổ sung 43 điều; bổ sung 02 điều mới; bãi bỏ 02 điều và một số điểm, khoản của Luật Đấu giá tài sản năm 2016.
Luật đã sửa đổi về tài sản đấu giá; thêm trường hợp bị cấm trong đấu giá; thay đổi quy định về đấu giá viên và đào tạo đấu giá; thêm trường hợp đấu giá không thành; quy định mới về tiền đặt trước và xử lý tiền đặt trước trong đấu giá...
Luật Thủ đô
Mục tiêu xây dựng Luật Thủ đô nhằm tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý; xây dựng cơ chế đặc thù, vượt trội; khắc phục những khó khăn, vướng mắc, bất cập phát sinh trong quá trình thi hành Luật Thủ đô để xây dựng, phát triển Thủ đô với vị trí, vai trò là trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hóa, hướng tới đô thị thông minh, hiện đại, xanh, sạch, đẹp, an ninh, an toàn; phát triển nhanh, bền vững, có sức lan tỏa để thúc đẩy vùng đồng bằng Sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước cùng phát triển.
Luật Thủ đô 2024 gồm 7 chương và 54 điều quy định vị trí, vai trò của Thủ đô; chính sách, trách nhiệm xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô.
Luật Tổ chức Tòa án nhân dân
Luật Tổ chức Tòa án nhân dân được xây dựng và ban hành nhằm tiếp tục hoàn thiện tổ chức bộ máy, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động và uy tín của Tòa án nhân dân; xây dựng hệ thống Tòa án chuyên nghiệp, hiện đại, công bằng, nghiêm minh, liêm chính, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân; hoàn thành trọng trách bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
Luật gồm 9 chương, 152 điều, giảm 2 chương nhưng tăng 54 điều so với Luật Tổ chức Tòa án nhân dân số 62/2014/QH13; trong đó, sửa đổi, bổ sung 101 điều; bổ sung mới 48 điều và giữ nguyên 3 điều, có nhiều điểm mới về: vị trí, vai trò của Tòa án nhân dân; nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa án nhân dân; đổi mới tổ chức bộ máy Tòa án; tổ chức xét xử;…
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ
Trước yêu cầu nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự trong tình hình mới, yêu cầu bảo đảm an ninh, an toàn đối tượng cảnh vệ và yêu cầu thực tiễn đặt ra cần tiếp tục hoàn thiện pháp luật về cảnh vệ; trong đó, việc xây dựng, ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ là cần thiết với những lý do là: Bổ sung đối tượng cảnh vệ phù hợp với quy định của Đảng và yêu cầu thực tiễn đặt ra. Tách biệt chế độ cảnh vệ và biện pháp cảnh vệ để thuận lợi áp dụng trên thực tế, đồng thời luật hóa một số biện pháp cảnh vệ lực lượng Cảnh vệ đang triển khai thực hiện góp phần nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác cảnh vệ trong tình hình mới. Bổ sung nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng Cảnh vệ và điều kiện bảo đảm thực hiện công tác cảnh vệ…
Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ
Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ bao gồm 08 chương, 75 điều, quy định cụ thể các nội dung liên quan đến: nguyên tắc quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ; các hành vi bị nghiêm cấm trong quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ; trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp được trang bị, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ; điều kiện, trách nhiệm của người được giao sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ; điều kiện, trách nhiệm của người được giao quản lý kho, nơi cất giữ vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ; quản lý, bảo quản vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ; nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, sửa chữa, kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu vũ khí; thủ tục trang bị vũ khí quân dụng, thủ tục cấp giấy phép sử dụng vũ khí quân dụng; nguyên tắc sử dụng vũ khí quân dụng, các trường hợp nổ súng quân dụng khi thực hiện nhiệm vụ độc lập để bảo đảm an ninh, trật tự;…
Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự
Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự gồm 6 chương, 34 điều. Một trong những nội dung cơ bản của luật là quy định nguyên tắc quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự; chính sách của Nhà nước trong quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự; phân loại và phân nhóm công trình quốc phòng và khu quân sự; quy định về quản lý công trình lưỡng dụng và những hành vi bị nghiêm cấm trong quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự.
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Ngân sách nhà nhước, Luật quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quản lý thuế, Luật Dự trữ quốc gia, Luật Xử lý vi phạm hành chính
Luật gồm 11 Điều, trong đó sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý thuế, Luật Thuế thu nhập cá nhân, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Dự trữ quốc gia, Luật Xử lý vi phạm hành chính.