Nhật Bản, Nga hợp tác sản xuất hydro, amoniac để chống biến đổi khí hậu
Nhật Bản và Nga vừa thống nhất việc sẽ hợp tác sản xuất nhiên liệu "xanh" là hydro và amoniac. Điều này phù hợp với xu hướng mới của thế giới về việc giảm phát thải CO2 và thay thế bằng các nhiên liệu thân thiện môi trường, chống biến đổi khí hậu.
Theo Reuters, Bộ trưởng Bộ Công nghiệp Nhật Bản Hiroshi Kajiyama và Bộ trưởng Bộ Năng lượng Nga Nikolai Shulginov vừa ký một tuyên bố hợp tác sau cuộc họp trực tuyến trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế Phương Đông, bắt đầu vào thứ Năm vừa qua tại Vladivostok, Nga.
Hai quốc gia sẽ hợp tác trong nghiên cứu và phát triển các công nghệ giúp giảm phát thải carbon, bao gồm thu hồi - lưu trữ carbon (CCS) và công nghệ thu hồi - sử dụng carbon (CCU).
Trong khi Nga là quốc gia giàu năng lượng, Nhật Bản lại bị hạn chế về nguồn tài nguyên này. Hiện, đất nước Mặt Trời mọc đang nỗ lực xây dựng chuỗi cung ứng toàn cầu về các loại nhiên liệu tương lai không phát thải carbon.
Trong khi đó, Nga là quốc gia sản xuất khoảng 10% sản lượng amoniac toàn cầu vào năm 2020.
Bộ Công nghiệp Nhật Bản cũng ký một bản ghi nhớ hợp tác (MOC) với nhà sản xuất khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) lớn nhất của Nga là Novatek (NVTK.MM) về sản xuất hydro, amoniac, CCS và CCU.
Nhật Bản đặt mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050, trong khi Nga cho biết họ sẽ cắt giảm lượng khí thải năm 2030 xuống 70% mức của năm 1990. Đó có thể là lý do chính để hai quốc gia này bắt tay nhau trong việc nghiên cứu, sản xuất các nhiên liệu thân thiện với môi trường.
Hiện nay, hydro mới chủ yếu được sử dụng trong lọc dầu và amoniac được sử dụng làm phân bón, nguyên liệu công nghiệp, nhưng cả hai đều được coi là có tiềm năng thay thế các loại nhiên liệu truyền thống trong tương lai.
Nhật Bản đã thử nghiệm hydro để thay thế khí tự nhiên và dùng amoniac thay thế cho một số loại than đá. Họ đặt mục tiêu tăng sản lượng hydro hàng năm lên 3 triệu tấn vào năm 2030 và 20 triệu tấn vào năm 2050. Hiện, sản lượng của họ mới chỉ đạt khoảng 2 triệu tấn/năm. Nhật Bản cũng có dự định tăng nhu cầu nhiên liệu amoniac lên 3 triệu tấn/năm vào năm 2030 từ con số 0 hiện nay.
Huệ Đỗ