Thứ sáu, 22/11/2024 23:21 (GMT+7)
Thứ năm, 31/12/2020 10:24 (GMT+7)

Nhật Bản chế tạo vệ tinh bằng gỗ để tránh ‘xả rác’ vào không gian

Theo dõi KTMT trên

Đại học Kyoto và công ty xây dựng Sumimoto Forestry Nhật Bản bắt tay nghiên cứu phát triển vệ tinh đầu tiên trên thế giới làm bằng gỗ vào năm 2023, trong nỗ lực giảm thiểu tác hại của rác không gian.

Theo đài Sputnik (Nga), trường Đại học Kyoto và Công ty xây dựng Sumitomo Forestry của Nhật Bản đang hợp tác để phát triển vệ tinh đầu tiên trên thế giới làm từ vật liệu gỗ, có khả năng chống lại thay đổi nhiệt độ và ánh sáng Mặt Trời.

Người phát ngôn của Sumitomo Forestry (công ty con của tập đoàn kinh doanh Sumitomo) cho biết mối quan hệ hợp tác được thiết lập để bắt đầu thử nghiệm vật liệu gỗ trong môi trường cực kỳ khắc nghiệt trên Trái Đất. Theo đó, các vệ tinh bằng gỗ sẽ cháy hoàn toàn trên đường trở lại Trái Đất mà không giải phóng các chất độc hại vào bầu khí quyển hoặc rơi vãi mảnh vụn xuống mặt đất.

Nhật Bản chế tạo vệ tinh bằng gỗ để tránh ‘xả rác’ vào không gian - Ảnh 1
Nhật Bản sẽ phát triển vệ tinh bằng gỗ đầu tiên trên thế giới vào năm 2023.

"Chúng tôi rất lo ngại về thực tế là tất cả các vệ tinh đi vào lại bầu khí quyển của Trái Đất sẽ cháy và tạo ra các hạt alumin nhỏ sẽ bay lơ lửng trên tầng cao nhất của bầu khí quyển nhiều năm.", Taka Doi, một phi hành gia, đồng thời là giáo sư tại Đại học Kyoto cho biết.

Tuy nhiên, công ty Sumitomo Forestry không tiết lộ loại gỗ dự kiến sẽ được sử dụng để chế tạo vệ tinh. Họ cho biết đây là bí mật nghiên cứu và phát triển.

“Giai đoạn tiếp theo sẽ là phát triển mô hình kỹ thuật của vệ tinh, sau đó chúng tôi sẽ sản xuất mô hình bay”, ông Doi nói.

Theo ước tính của các cơ quan hàng không vũ trụ, đang có khoảng 28000 vệ tinh đang hoạt động xung quanh Trái Đất. Tuy nhiên, con số này vẫn chưa là gì so với số lượng ‘rác không gian’ đang quay quay hành tinh chúng ta.

Rác không gian bao gồm các vật thể do con người tạo ra, chẳng hạn như các mảnh tàu vũ trụ, các mảng sơn nhỏ từ tàu vũ trụ, các bộ phận của tên lửa, vệ tinh không còn hoạt động hoặc mảnh vụn còn sót lại của các vật thể sau khi phát nổ trên quỹ đạo bay xung quanh, theo Nasa.

Theo ước tính, có tới gần 3000 vệ tinh đã chết (tức ngừng hoạt động) vẫn đang quay xung quanh Trái Đất. Đó là chưa kể đến 900.000 mảnh vỡ có kích thước chưa đến 10 cm đang ‘vần vũ’ trên quỹ đạo, vốn có thể gây ra thảm họa nếu một hay nhiều mảnh vỡ va chạm vào các vệ tinh.

Vào tháng 10 năm nay, hai mảnh rác vũ trụ lớn đã suýt va chạm vào nhau trong một tình huống được coi là 'rủi ro cao'. Theo National Geographic, hai vật thể này là một vệ tinh dẫn đường không còn hoạt động của Nga được phóng vào năm 1989 và một bộ phận tên lửa đã qua sử dụng của Trung Quốc từ vụ phóng năm 2009. Nếu chúng va chạm với nhau, vụ nổ sẽ tạo ra một đám mây mảnh vụn gây nguy hiểm cho các vệ tinh và tàu vũ trụ khác trong nhiều thập kỷ.

Đây được coi như một vấn đề nan giải khiến các cơ quan hàng không vũ trụ trên thế giới phải ‘đau đầu’ tìm cách giải quyết. Gần đây nhất, Cơ quan vũ trụ Châu Âu (ESA) đã đề xuất một ý tưởng cực kỳ độc đáo để dọn dẹp rác không gian.

Theo đó, các con tàu vũ trụ có hình dáng giống như một chiếc móng vuốt khổng lồ sẽ được phóng lên quỹ đạo để ‘kẹp’ các vệ tinh đã ngừng hoạt động và hướng chúng lao trở lại bầu khí quyển - nơi cả vệ tinh và ‘móng vuốt’ sẽ tự bốc cháy.

Minh Phương

Bạn đang đọc bài viết Nhật Bản chế tạo vệ tinh bằng gỗ để tránh ‘xả rác’ vào không gian. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hải Dương: Xảy ra 2 vụ cháy rừng tại thị xã Kinh Môn chiều 1/11
Khoảng 15h chiều ngày 1/11, người dân phát hiện cháy rừng ở xã Quang Thành, thị xã Kinh Môn (Hải Dương). Khoảng nửa giờ sau đó, tại địa bàn xã Bạch Đằng (cùng thị xã Kinh Môn) cũng phát hiện cháy rừng. Đây là vụ cháy rừng thứ 3 và thứ 4 tại thị xã này.

Tin mới