Thứ sáu, 22/11/2024 17:47 (GMT+7)
    Thứ năm, 11/11/2021 06:30 (GMT+7)

    Nhà ở xã hội được bổ sung nhiều chỉ tiêu phát triển tại TP.HCM

    Theo dõi KTMT trên

    TP.HCM sẽ bổ sung nhiều mục tiêu phát triển nhà ở xã hội và nhà ở thương mại giá thấp để giải quyết nhu cầu nhà ở cho công nhân lao động.

    Sở Xây dựng TP.HCM vừa có tờ trình Ủy ban Nhân dân Thành phố về chương trình phát triển nhà ở giai đoạn 2021-2025. Trong đó đáng chú ý là nội dung bổ sung nhiều mục tiêu phát triển nhà ở xã hội và nhà ở thương mại giá thấp để giải quyết nhu cầu nhà ở cho công nhân lao động đang sống trong các khu nhà trọ, các đối tượng đang sống trên, ven kênh rạch hoặc các khu nhà ở chưa đảm bảo về điều kiện sinh hoạt và phòng chống dịch Covid-19.

    Nhà ở xã hội được bổ sung nhiều chỉ tiêu phát triển tại TP.HCM - Ảnh 1
    Chỉ tiêu diện tích nhà ở bình quân đầu người của TP.HCM đến năm 2025 là 23,5 m2/người (tính đến cuối tháng 6/2021, diện tích nhà ở bình quân đầu người của thành phố đạt 20,65m2/người). Ảnh minh họa

    Chỉ tiêu diện tích nhà ở bình quân đầu người của thành phố đến năm 2025 là 23,5 m2/người (tính đến cuối tháng 6/2021, diện tích nhà ở bình quân đầu người của thành phố đạt 20,65m2/người).

    Diện tích nhà ở tăng thêm trong giai đoạn 2021-2025 đối với nhà ở riêng lẻ do các hộ gia đình, cá nhân tự xây dựng khoảng 31,98 triệu m2, nhà ở trong các dự án khoảng 15,52 triệu m2, nhà ở xã hội khoảng 2,5 triệu m2.

    Để đảm bảo được các chỉ tiêu nói trên, giai đoạn 2021-2025, thành phố cần khoảng 800,9ha để xây dựng nhà ở thương mại và 173,5ha để xây dựng nhà ở xã hội. Về nguồn vốn, TP.HCM cần khoảng 239.748 tỷ đồng để xây dựng nhà ở thương mại, 289.542 tỷ đồng để xây dựng nhà ở riêng lẻ do các hộ gia đình, cá nhân tự xây dựng và 37.693 tỷ đồng để xây dựng nhà ở xã hội.

    Về định hướng phát triển nhà ở giai đoạn 2021-2025, đối với khu vực trung tâm hiện hữu (quận 1, 3), TP.HCM phát triển nhà ở riêng lẻ theo quy hoạch, thiết kế đô thị, chuẩn hóa các dồ án quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500, đơn giản hóa việc cấp phép xây dựng nhà ở riêng lẻ để người dân cải thiện chỗ ở, nâng cao mức sống và thu nhập.

    Để cải tạo, chỉnh trang đô thị với vị trí các chung cư hư hỏng, xuống cấp, Ủy ban Nhân dân quận 1, quận 3 sẽ điều chỉnh quy hoạch 1/2000, xác định chỉ tiêu quy hoạch đối với tất cả vị trí chung cư hư hỏng theo hướng ưu tiên tăng quy mô dân số, hệ số sử dụng đất, mật độ xây dựng để khuyến khích nhà đầu tư tham gia cũng như đẩy nhanh tiến độ lựa chọn chủ đầu tư thực hiện dự án tháo dỡ chung cư hư hỏng nặng, nguy hiểm trước năm 2025.

    Đối với khu vực nội thành hiện hữu (quận 4, 5, 6, 8, 10, 11, Bình Thạnh, Gò Vấp, Phú Nhuận, Tân Bình, Tân Phú), thành phố sẽ đầu tư nâng cấp hoặc xây dựng mới, phát triển hạ tầng đồng bộ đặc biệt tại quận 4, Gò Vấp, Tân Phú, Bình Thạnh là nơi có nhu cầu lớn về cải thiện, xây dựng mới nhà ở riêng lẻ; lập đồ án thiết kế đô thị tại quận 4, 10, Phú Nhuận để tạo cảnh quan mới; chấp thuận chủ trương để triển khai các dự án nhà ở mới đảm bảo hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, đồng thời kêu gọi đầu tư phát triển 2 dự án nhà ở xã hội phục vụ cho công nhân với quy mô khoảng 379 căn hộ.

    Tại khu vực nội thành phát triển (gồm quận 7, Bình Tân, thành phố Thủ Đức), thành phố sẽ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng ở khu vực gần các cụm, khu công nghiệp để khuyến khích xã hội hóa, các hộ dân đầu tư xây dựng nhà trọ cho công nhân thuê; tập trung hoàn thiện các dự án dở dang, ưu tiên phát triển các dự án nhà ở mới, chung cư cao tầng dọc các trục giao thông công cộng lớn, các khu vực có tiến độ thực hiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật tương ứng.

    Tại khu vực này, thành phố khuyến khích, đẩy mạnh phát triển các dự án nhà ở xã hội; trong đó khu vực quận 7, Bình Tân phát triển 5 dự án với quy mô 3.955 căn hộ, khu vực thành phố Thủ Đức phát triển 5 dự án với quy mô 4.352 căn hộ.

    Trong khi đó, đối với khu vực huyện ngoại thành (Bình Chánh, Củ Chi, Hóc Môn, Nhà Bè, Cần Giờ), thành phố sẽ rà soát, đánh giá hiện trạng sử dụng đất để quy hoạch, chuyển đổi mục đích sử dụng đất phù hợp với thực tế, nhu cầu về nhà ở của người dân; đồng thời rà soát, thu hồi dự án chậm triển khai; phát triển các khu du lịch kế hợp sinh thái nghỉ dưỡng, khu đô thị mới, khu đô thị vệ tinh; kêu gọi đầu tư phát triển 8 dự án nhà ở xã hội với quy mô 9.594 căn.

    Theo báo cáo của Sở Xây dựng TP.HCM, giai đoạn 2016-2020, diện tích sàn nhà ở toàn thành phố tăng thêm 53,7 triệu m2 sàn; trong đó, nhà ở do dân tự xây đóng vai trò chủ đạo (tăng 38,5 triệu m2 sàn), nhà ở thương mại chiếm tỷ trọng lớn thứ 2 (tăng 13,98 triệu m2 sàn), nhà ở xã hội tăng thêm 1,23 triệu m2 sàn.

    Từ đầu năm 2021 đến nay, thành phố đã di dời toàn bộ 6 chung cư cấp D với 333 hộ dân, di dời dang dở 5 chung cư với 303/566 hộ dân và tháo dỡ toàn bộ 4 chung cư.

    Sở Xây dựng đã xác nhận đủ điều kiện để huy động 4 sản phẩm hình thành trong tương lai của 14 dự án với gần 12.000 căn; trong đó phân khúc trung cấp chiếm 41,08%, còn lại là phân khúc cao cấp.

    Khảo sát cho thấy, tại TP.HCM, căn hộ chung cư thương mại thuộc phân khúc giá thấp đang có giá cao hơn tại thị trường Hà Nội với mức chênh khá cao. Theo đó, giá của phân khúc BĐS này đang dao động trong khoảng 35 - 45 triệu/m2. Mức giá này được đánh giá là ngang ngửa với một số chung cư được đánh giá là cao cấp tại Hà Nội.

    Theo thống kê, nhu cầu nhà ở của người dân thuộc phân khúc trung, cao cấp (giá từ 25 triệu đồng/m2 trở lên) chỉ chiếm khoảng từ 20% - 30% thị trường tùy từng địa phương, đô thị cụ thể và tập trung chủ yếu ở các đô thị lớn. Còn nhu cầu phân khúc nhà ở bình dân, giá thấp (dưới 25 triệu đồng/m2) chiếm đến 70% - 80% thị trường nhưng nguồn cung hiện nay lại đang thiếu.

    Tại buổi làm việc với Bộ Xây dựng vào tháng 5 vừa qua, Thủ tướng  Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ Xây dựng phải có chiến lược chủ động phát triển thị trường BĐS, dựa trên chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, của các vùng, các địa phương gắn với phát triển thị trường nhà ở hài hòa, hợp lý, mức giá phù hợp với các đối tượng khác nhau, trong đó rất coi trọng phát triển nhà ở cho người thu nhập thấp, các đối tượng yếu thế.

    Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, thị trường BĐS chưa thực sự được kiểm soát, chưa có chiến lược cụ thể, chưa gắn với chiến lược phát triển nhà ở một cách hài hòa, hợp lý. Dòng tiền đang chủ yếu hướng vào phân khúc BĐS dành cho người giàu, trong khi phân khúc nhà ở cho người thu nhập thấp còn thiếu. Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh, phải điều tiết bằng quản lý nhà nước, bằng cơ chế thuế, tránh tình trạng dòng vốn chỉ chảy vào chung cư cao cấp, biệt thự, mua để đấy không sử dụng, trong khi các đối tượng thu nhập thấp thiếu nhà ở.

    Theo Thủ tướng, chiến lược phát triển BĐS phải gắn với công bằng và tiến bộ xã hội. Cùng với đó, phải nhanh chóng thiết kế các chính sách về mua, thuê mua nhà ở có thời hạn, chỉ như vậy mới huy động được các nguồn lực cho phát triển nhà ở và bảo đảm công bằng xã hội.

    Quý Phi

    Bạn đang đọc bài viết Nhà ở xã hội được bổ sung nhiều chỉ tiêu phát triển tại TP.HCM. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

    Tin mới