Nhà khoa học VinFuture: Giao thông xanh là giải pháp cho ô nhiễm không khí đô thị
Tọa đàm “Ô nhiễm không khí và giao thông: Cơ hội và thách thức cho Việt Nam và thế giới” trong khuôn khổ Tuần lễ Khoa học Công nghệ VinFuture 2024 sẽ diễn ra ngày 5/12 tới.
Những phát hiện mới cùng những kinh nghiệm kiểm soát ô nhiễm tại các thành phố lớn được các chuyên gia hàng đầu thế giới chia sẻ hứa hẹn sẽ giúp Việt Nam xây dựng chiến lược hiệu quả hơn trong việc cải thiện chất lượng không khí đô thị.
Những phát hiện mới về “kẻ giết người thầm lặng”
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) từng đưa ra nhận định ô nhiễm không khí là “kẻ giết người thầm lặng”. Theo WHO, mỗi năm có tới 7 triệu người tử vong sớm vì ô nhiễm không khí - con số đáng báo động và còn có nguy cơ tăng cao trong tương lai.
Góp phần vào cuộc chạy đua tìm giải pháp cho vấn đề cấp bách trên khắp thế giới, Quỹ VinFuture sẽ tổ chức tọa đàm về ô nhiễm không khí và giao thông vào ngày 5/12 sắp tới, với sự góp mặt của những chuyên gia hàng đầu, những người đang nắm trong tay chìa khóa cho các giải pháp đột phá về giao thông xanh và không khí sạch.
GS. Susan Solomon từ Viện Công nghệ Massachusetts (MIT, Hoa Kỳ), người được vinh danh với hàng loạt giải thưởng cao quý và gần đây nhất là Giải Đặc biệt VinFuture dành cho Nhà khoa học nữ 2023, đồng thời là chủ tọa phiên thảo luận, nhấn mạnh: “Đây là cơ hội quý báu để các chuyên gia từ Việt Nam và quốc tế cùng trao đổi ý tưởng. Chỉ cần nhìn vào hệ thống giao thông tại Hà Nội, chúng ta có thể thấy ngay những đóng góp đáng kể của tọa đàm đối với vấn đề ô nhiễm không khí. Việc tìm ra các giải pháp khả thi là điều cấp thiết”.
Là một trong các diễn giả của tọa đàm, PGS. Hồ Quốc Bằng - Viện trưởng Viện phát triển năng lực lãnh đạo Đại học Quốc gia TP.HCM, kiêm Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Ô nhiễm Không khí và Biến đổi Khí hậu, Viện Môi trường và Tài nguyên (APAC, TP.HCM), sẽ mang đến những đánh giá toàn diện về thực trạng ô nhiễm không khí các đô thị lớn tại Việt Nam. Ông từng tư vấn cho nhiều tổ chức quốc tế như Clean Air Asia, Ngân hàng Thế giới và Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ - USAID, Cơ quan hợp tác phát triển Nhật Bản - JICA...
“Chúng tôi đã thực hiện nhiều dự án nghiên cứu tại TP. Hà Nội và TP.HCM, tập trung vào việc kiểm kê phát thải từ tất cả các nguồn khác nhau, trong đó có nguồn giao thông. Gần đây, chúng tôi cũng đã đánh giá được những đồng lợi ích về môi trường và khí hậu khi chuyển đổi từ xe sử dụng năng lượng hóa thạch sang xe điện, cũng như từ giao thông cá nhân sang phương tiện công cộng như metro”, PGS. Bằng chia sẻ.
Nghiên cứu về những yếu tố gây ô nhiễm không khí đô thị, GS. Yafang Cheng, Giám đốc Khoa Hóa học Aerosol tại Viện Hóa học Max Planck (Đức), đã đưa ra thêm những phân tích chuyên sâu từ kinh nghiệm nghiên cứu tại Trung Quốc.
“Chúng tôi đã phát hiện hai cơ chế quan trọng ảnh hưởng đến ô nhiễm không khí đô thị. Thứ nhất là sự tương tác giữa khí NOx và quá trình hình thành sulfate trong điều kiện độ ẩm cao. Thứ hai là tác động củamuội than đến sự phát triển của lớp biên khí quyển”, bà giải thích.
Đặc biệt, nghiên cứu của GS. Cheng cho thấy khi nồng độ muội than - chất ô nhiễm chủ yếu từ khí thải giao thông - vượt ngưỡng tới hạn, nó có thể ngăn cản sự phát triển của lớp biên khí quyển hoạt động vào ban ngày. Hiện tượng này có thể dẫn đến các đợt ô nhiễm không khí cực đoan, một vấn đề đặc biệt nghiêm trọng trong điều kiện độ ẩm cao.
Những phát hiện này đặc biệt có ý nghĩa đối với các thành phố của Việt Nam, nơi có điều kiện khí hậu tương tự và đang phải đối mặt với những thách thức về ô nhiễm không khí từ giao thông.
Hướng tới giải pháp bền vững
Bức tranh không hoàn toàn ảm đạm khi nhiều giải pháp đang được triển khai thành công trên toàn cầu. GS. Daniel Kammen từ Đại học California, Berkeley - người từng đảm nhiệm vị trí Đặc phái viên Khoa học tại Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ và hiện là Cố vấn cao cấp về Năng lượng và Đổi mới tại USAID - chia sẻ những tiến triển đáng khích lệ trong lĩnh vực giao thông xanh.
“Chúng ta đang chứng kiến bước tiến vượt bậc trong việc điện khí hóa phương tiện giao thông. Trung Quốc đã vượt mốc 22 triệu xe điện, và nghiên cứu gần đây tại Đại học California, Berkeley đã ghi nhận sự cải thiện khoảng2% về chất lượng không khí tại khu vực vịnh San Francisco nhờ việc sử dụng xe điện”, GS. Kammen cho biết.
Đáng chú ý, những dự án chuyển đổi đội xe taxi sang xe điện đã được triển khai thành công tại nhiều thành phố, trong đó có những đô thị chuyển đổi gần như hoàn toàn. Thành công này không chỉ chứng minh tính khả thi của việc chuyển đổi sang phương tiện điện ở quy mô lớn, mà còn mở ra triển vọng cho việc áp dụng mô hình tương tự tại các thành phố khác, bao gồm cả ở Việt Nam.
Về mặt tài chính, GS. Kammen nhấn mạnh vai trò của các cơ chế hỗ trợ quốc tế trong việc thúc đẩy chuyển đổi xanh tại các nước đang phát triển. “Kenya hiện đã có 50 công ty sản xuất xe hai bánh chạy điện, được hỗ trợ thông qua các sáng kiến như Net Zero World. Senegal và Nigeria cũng đang nhận được hỗ trợ tương tự”, ông nói và cho biết kinh nghiệm này đặc biệt có ý nghĩa đối với Việt Nam, nơi xe máy chạy xăng vẫn là phương tiện giao thông chủ yếu.
GS. Kammen, với tư cách là Điều phối viên Cấp cao của Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi Khí hậu (IPCC), cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc kết hợp các giải pháp công nghệ với chính sách phù hợp. Kinh nghiệm từ chương trình hỗ trợ xe điện tại Mỹ thông qua Đạo luật Giảm Lạm phát (IRA) và mô hình tài trợ của Công ty Lưới điện Nhà nước Trung Quốc có thể cung cấp những bài học quý giá cho Việt Nam trong quá trình xây dựng chính sách.
Tọa đàm “Ô nhiễm không khí và Giao thông: Cơ hội và thách thức cho Việt Nam và thế giới” là một trong chuỗi 4 tọa đàm khoa học nằm trong Tuần lễ trao giải VinFuture mùa 4, bên cạnh các tọa đàm với chủ đề: “Vật liệu cho tương lai bền vững” (4/12), “Triển khai AI trong thực tế” (4/12) và “Những đổi mới trong Chăm sóc sức khỏe tim mạch và Điều trị đột quỵ” (5/12).
Thời gian: 9h00 – 10h15;
Ngày: 5/12/2024
Địa điểm: Trung tâm Hội nghị quốc tế Almaz, Khu đô thị Vinhomes Riverside, Long Biên, Hà Nội
PV