Nhà đầu tư “mắc cạn”, chuyên gia khuyên không nên tin lời “đường mật”
Việc mua bán tại nhiều địa phương ở Phú Quốc đang diễn ra vô cùng chậm chạp khiến nhiều nhà đầu tư “mắc cạn”. Chuyên gia cho rằng, không có chuyện đầu tư “lướt sóng” ăn ngay và người mua nên cẩn thận với những thông tin sốt đất.
Nhà đầu tư “mắc cạn” ở Phú Quốc
Những tháng đầu năm 2019, thị trường đất nền, thổ cư Phú Quốc khá im ắng, trái ngược với cơn sốt hầm hập vào thời điểm đầu năm 2018 kể từ khi Phú Quốc tạm ngừng chuyển mục đích sử dụng đất, ngừng phân lô tách thửa, cùng với đó Luật đặc khu không được thông qua.
Trừ điểm sáng là khu vực trung tâm, lân cận trung tâm với những khu đất đã rõ ràng quy hoạch, pháp lý, thì thị trường đất Phú Quốc rơi vào trầm lắng. Việc mua bán những thửa đất lớn (đất công), đất trong dân (trồng cây lâu năm) diễn biến vô cùng chậm chạp…
Hiện tại, phần lớn giao dịch trên thị trường tập trung chủ yếu ở khu vực trung tâm thị trấn Dương Đông và một số ấp lân cận thị trấn, như: ấp Cửa Lấp, ấp Suối Đá thuộc xã Dương Tơ, ấp Cây Thông Trong, ấp Cây Thông Ngoài thuộc xã Cửa Dương. Dù là điểm sáng giao dịch của thị trường đất nền Phú Quốc nhưng giá đất các khu vực này vẫn giữ ổn định và đi ngang kể từ quý 4/2018.
Ngoài các khu vực trên, rất nhiều công đất lớn ở Phú Quốc thuộc Gành Dầu, Hàm Ninh, Cửa Dương… đang trong tình trạng thừa người bán nhưng thiếu người mua.
Thị trường những nơi dự kiến lập đặc khu đang ra sao?
Một báo cáo của Bộ Xây dựng cho hay, tại các địa phương dự kiến thành lập đặc khu (Quảng Ninh, Khánh Hòa, Kiên Giang), giữa năm 2018, sau khi có thông tin về việc chuẩn bị thành lập đặc khu, tình hình chuyển nhượng, chuyển mục đích sử dụng đất tại cơ quan nhà nước thuộc các địa phương đã tăng đáng kể.
Trước tình trạng sốt ảo, làm giá, đẩy giá đất lên cao thu lợi bất chính tại TP HCM và ba địa phương nói trên, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành và địa phương có giải pháp chấn chỉnh kịp thời nhằm ổn định thị trường bất động sản.
“Sau chỉ đạo của Thủ tướng hồi tháng 5/2018, các địa phương đã có một số động thái nhằm ngăn chặn việc giá đất tăng đột biến, ngăn chặn việc tách thửa giao dịch quyền sử dụng đất rừng, đất nông nghiệp và tuyên truyền đến người dân” – Bộ Xây dựng cho biết.
Theo cơ quan này, sau khi có ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng và chính quyền địa phương quyết liệt vào cuộc, tình hình thị trường bất động sản tại các khu vực nêu trên đang dần ổn định trở lại.
Nhiều dự án “ăn theo” sòng bạc tỷ USD có nguy cơ bị thu hồi
Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đang kiến nghị thu hồi 10 dự án, trong đó có 1 dự án đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng chưa triển khai xây dựng; 2 dự án thuộc nhóm dự án đang làm thủ tục đất đai, phương án đền bù giải tỏa; 7 dự án thuộc nhóm dự án đã được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư.
Cơ quan này cũng đề nghị xem xét khả năng thực hiện 17 dự án, trong đó 9 dự án đã có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, song chậm triển khai do một số vướng mắc theo quy định của Luật Đất đai; 8 dự án đã hoàn tất công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, nhận bàn giao mặt bằng nhưng chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính.
Các dự án du lịch trên địa bàn huyện Xuyên Mộc được Bà Rịa – Vũng Tàu quy hoạch, định hướng kêu gọi đầu tư tại 3 khu vực chính là dọc tuyến đường ven biển từ Hồ Tràm – xã Phước Thuận đến xã Bình Châu, trong khu rừng phòng hộ 960ha Hồ Tràm và khu bảo tồn thiên nhiên Bình Châu – Phước Bửu.
Hiện tại, một số dự án du lịch đang chậm triển khai do trong quá trình thực hiện dự án, chủ đầu tư gặp phải khó khăn, vướng mắc về công tác giải phóng mặt bằng, đền bù giải tỏa mặt bằng, thủ tục pháp lý về đầu tư dự án du lịch sinh thái dưới tán rừng…
Chuyên gia khuyên mua nhà đất đừng tin “lời đường mật”
Trước nhiều thông tin sốt đất nền tại một số vùng ven Hà Nội và Vân Đồn (Quảng Ninh), Phú Quốc (Kiên Giang)…, nhiều chuyên gia bất động sản cho rằng, không có chuyện đầu tư “lướt sóng” ăn ngay và người mua nên cẩn thận với những thông tin sốt đất.
Ông Dương Đức Hiển – Giám đốc Bộ phận Kinh doanh nhà ở Savills Hà Nội khẳng định, tại thời điểm này, không có câu chuyện nào, sản phẩm nào của bất động sản có thể đầu tư lướt sóng. Sản phẩm bất động sản phải nhìn đầu tư trung hạn và dài hạn. Đây là vấn đề thực trạng mà nhiều người nhầm lẫn.
“Tôi khuyên các nhà đầu tư nên tìm hiểu kỹ, giá người ta chào trên mạng chỉ là giá chào thôi, giá giao dịch thực tế bao nhiêu chúng ta cần phải biết. Nhà đầu tư trước khi mua gì họ phải mất 2 tuần, gặp vài môi giới, xác định giá khu đó đúng hay không, tránh những cái đầu tư sai lệch. Bất động sản không phải là kênh đầu tư ngắn hạn” – ông Hiền đưa ra lời khuyên.
Ông Nguyễn Văn Đính – Phó Tổng thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cảnh báo các nhà đầu tư cẩn trọng với các hệ lụy nhãn tiền, như các đợt sốt đất đã xảy ra trước đây.
“Mức giá bất động sản đón đầu quy hoạch thường không đảm bảo tính chắc chắn. Người mua, nhà đầu tư cần xem xét kỹ quy hoạch hạ tầng, chú trọng tính pháp lý, quy hoạch phát triển toàn vùng trước khi mua, bán” – ông nói.
Bất động sản lo “kẹt” vốn
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang lấy ý kiến dự thảo Thông tư quy định các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, nhằm thay thế cho Thông tư 36 trước đó.
Điểm mới của dự thảo lần này là hệ số rủi ro mà các ngân hàng phải áp dụng khi trích lập dự phòng cho các khoản vay cá nhân dư nợ từ 3 tỷ đồng sẽ là 150% thay vì mức 50% như trước. Ngoài ra, áp hệ số rủi ro 50% với các khoản vay được bảo đảm bằng nhà ở, quyền sử dụng đất, công trình xây dựng gắn với quyền sử dụng đất và đáp ứng một số điều kiện khác.
Giới chuyên gia nhận định dự thảo này gây bất lợi không chỉ cho doanh nghiệp bất động sản mà còn ảnh hưởng đến người tiêu dùng.
Chuyên gia tài chính ngân hàng – TS Nguyễn Trí Hiếu nhìn nhận: “Tất cả những chính sách đó đã là cái phanh hãm lại hoạt động cho vay bất động sản và tác động đến thị trường nói chung. Có khả năng giá nhà cũng vì thế tăng lên bởi khi siết tín dụng thì lãi suất cho vay tăng. Chính sách có hiệu quả trong quản lý rủi ro, ngăn chặn sớm bong bóng bất động sản nhưng có phần bất lợi cho người tiêu dùng”.
Còn theo chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành, dù chính sách siết tín dụng bất động sản của NHNN có thể giúp kiểm soát thị trường, tránh phát triển quá nóng dẫn đến vỡ bong bóng, song lại thiếu tính ổn định, bền vững, cản trở sự phát triển của thị trường và làm hạn chế cơ hội phát triển kinh tế.
“Bất động sản là một phần của nền kinh tế, kéo theo ngành khác “ăn theo”. Thực tế, các ngành ăn theo bất động sản có thể chiếm tới 20-25% tổng sản phẩm quốc nội. Nếu các ngành này sụt giảm theo thị trường bất động sản thì phát triển kinh tế tất yếu sụt giảm, ảnh hưởng đến mục tiêu tăng trưởng GDP mà Quốc hội và Chính phủ đề ra” – ông Thành cảnh báo.
Theo Dân Trí