Thứ bảy, 27/04/2024 05:50 (GMT+7)
Thứ hai, 24/04/2023 08:00 (GMT+7)

Nguồn gốc và ý nghĩa Ngày Môi trường Thế giới 5/6

Theo dõi KTMT trên

Ngày Môi trường Thế giới là ngày gì? Ý nghĩa và nguồn gốc của Ngày Môi trường Thế giới là gì? Hãy cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây nhé!

Nguồn gốc ra đời Ngày Môi trường Thế giới

Ở thập niên 60, các vấn đề về môi trường không được quan tâm dẫn đến hiện tượng suy thoái, ô nhiễm ngày càng nghiêm trọng.

Khi ý thức được những ảnh hưởng có hại của mình đối với môi trường sống, con người đã bắt đầu có chuỗi hành động thiết thực. Cụ thể, trong hai ngày 5 – 6/6/1972, Hội nghị của Liên hợp quốc đã diễn ra tại thủ đô Stockholm (Thụy Điển). Đại diện 113 quốc gia đã cùng bàn luận về Con người & Môi trường.

Nguồn gốc và ý nghĩa Ngày Môi trường Thế giới 5/6 - Ảnh 1

Trong cuộc họp này, Chương trình Môi trường Liên Hợp quốc chính thức được thành lập. Đại Hội đồng Liên Hợp quốc cũng quyết định chọn ngày 5/6 làm Ngày Môi trường Thế giới (World Environment Day). Đồng thời giao cho Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP) có trụ sở tại Nairobi, Kenya, tổ chức kỷ niệm sự kiện này.

Từ đó, vào ngày này hàng năm, người dân trên mọi lãnh thổ quốc gia cùng hòa mình vào các hoạt động khác nhau do tổ chức UNEP tổ chức để bảo vệ môi trường và ‘chăm sóc’ cho Trái Đất.

Ý nghĩa của Ngày Môi trường Thế giới

Mục đích của Ngày Môi trường Thế giới là tập trung sự chú ý trên toàn thế giới vào tầm quan trọng của môi trường và khuyến khích sự quan tâm chính trị và hành động bảo vệ môi trường.

Sự kiện này làm cho các vấn đề môi trường mang tính nhân văn; trao quyền cho mọi người để trở thành tác nhân tích cực của quá trình phát triển bền vững và bình đẳng; nâng cao hiểu biết của các cộng đồng về vai trò then chốt làm thay đổi hành vi hướng tới các vấn đề môi trường; ủng hộ mối cộng tác để đảm bảo rằng, tất cả các quốc gia và các dân tộc được hưởng một tương lai an toàn và thịnh vượng hơn.

Mỗi năm, Liên Hợp Quốc chọn một thành phố làm nơi tổ chức lễ kỷ niệm Ngày Môi trường Thế giới. Chính phủ và thành phố nước chủ nhà sẽ hợp tác với UNEP tạo ra bầu không khí cho sự kiện này. Chủ đề, khẩu hiệu và logo sẽ được chọn để làm trọng tâm cho các tài liệu tuyên truyền về Ngày Môi trường Thế giới, cũng như các hoạt động cổ động trên toàn cầu.

Trong ngày này, nhân dân trên toàn thế giới sẽ nhận được một thông điệp chính thức của Tổng thư ký Liên Hợp Quốc, trong đó có nêu lên các vấn đề môi trường và bảo vệ môi trường chung trên toàn thế giới.

Bắt đầu từ năm 1987, để khuyến khích tinh thần và trách nhiệm bảo vệ môi trường của toàn thể nhân dân trên thế giới, Liên Hợp quốc đã phát động thêm lễ trao giải thưởng Global 500 được tổ chức vào đúng Ngày Môi trường Thế giới tại thành phố được chọn làm trung tâm tổ chức lễ kỷ niệm ngày này trên thế giới. Hàng năm, Liên Hợp Quốc sẽ chọn ra những người có nhiều đóng góp cho hoạt động bảo vệ môi trường để trao Giải thưởng Global 500.

Từ năm 1982, Việt Nam cũng đã hưởng ứng các hoạt động kỷ niệm Ngày Môi trường Thế giới trong phạm vi cả nước. Hàng năm Bộ Tài nguyên & Môi trường thường phối hợp với các cơ quan liên quan phát động và tổ chức sôi nổi ngày lễ này ở tất cả các tỉnh thành trên cả nước với các hoạt động như tổ chức các chiến dịch làm sạch đẹp môi trường sống, môi trường làm việc... và cũng chọn ra một địa phương đại diện làm nơi tổ chức các hoạt động trọng tâm cho cả nước.

Lễ kỷ niệm Ngày Môi trường Thế giới hàng năm ở Việt Nam thường có sự tham gia của mọi tầng lớp dân chúng như các quan chức Chính phủ, đại diện của các cơ quan, tổ chức quốc tế và các Đại sứ quán ở Việt Nam, học sinh, sinh viên và các tổ chức xã hội quần chúng.

Ngày Môi trường Thế giới “chính là sự kiện của người dân” với các hoạt động đa dạng, phong phú, như tuần hành, diễu hành bằng xe đạp, các buổi hoà nhạc xanh, các cuộc thi tại trường học, trồng cây, chiến dịch tái chế chất thi và làm sạch môi trường.

Anh Thư

Bạn đang đọc bài viết Nguồn gốc và ý nghĩa Ngày Môi trường Thế giới 5/6. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới