Nghệ An: Trại lợn xả thải ra môi trường, “bức tử” đập Hồ Lim?
Thời gian qua, nhiều hộ dân sinh sống tại xóm Đồng Bai, xã Nghĩa Hội, dưới chân đập Hồ Lim không khỏi bức xúc và lo lắng cho sức khỏe gia đình vì trại lợn ông Phan Hữu Đồng thường xuyên xả thải xuống lòng đập khiến nguồn nước bị ô nhiễm.
Theo một số người dân phản ánh, trại lợn ông Đồng nằm ngay cạnh đập Hồ Lim, tại xóm Đồng Bai, xã Nghĩa Hội, huyện Nghĩa Đàn (Nghệ An). Từ nhiều năm nay, trong quá trình chăn nuôi trại lợn thường xuyên xả thải trực tiếp xuống lòng đập khiến cho nguồn nước bị ô nhiễm và chuyển sang màu đen.
Để làm rõ thực hư, Phóng viên Tạp chí điện tử Kinh tế Môi trường đã đến khu chăn nuôi lợn cạnh đập Hồ Lim để ghi nhận thực tế. Tại đây, trại lợn được xây dựng nằm ngay cạnh đập, hệ thống chuống trại có 3 cái lớn, nhỏ với tổng diện tích hàng nghìn mét vuông, tương ứng với số lượng đàn từ 500 - 700 con.
Men theo mép mặt nước đập Hồ Lim, chúng tôi phát hiện ra một đường rãnh có nước màu đen và bốc mùi hôi thối nồng nặc chảy ra từ trại lợn ông Đồng. Tại đây, nước thải đen ngòm xuất phát từ hai nguồn, một là từ chuồng nuôi lợn rộng hàng trăm mét vuông nằm ngay mép đập, không có hệ thống xử lý nước thải, nguồn thứ hai chảy ra từ hệ thống chuồng lớn hơn nhiều cách đó không xa. Khu vực nước thải chảy xuống đập có nước màu xanh đen, ở mép nước có một lớp phân còn nằm lại ở cuối đường thải.
Nằm phía sau dãy chuồng lớn có một cái ao rộng khoảng 50m2, sâu khoảng 1,5 mét, khô trơ đáy. Toàn bộ chuồng trại không có hệ thống bioga để xử lý chất thải mà xả toàn bộ ra môi trường. Trao đổi với Phóng viên Tạp chí điện tử Kinh tế Môi trường về thông tin trại lợn trên, ông Đậu Phi Công – Phó chủ tịch UBND xã Nghĩa Hội cho biết: "Trại lợn nằm cạnh đập Hồ Lim của ông Phan Hữu Đồng, là nhân viên của Công ty TNHH thủy lợi Phủ Quỳ. Đập và diện tích đất xây dựng chuồng trại đó thuộc công ty quản lý. Trại lợn đó họ nuôi để lấy phân nuôi cá cho đập Hồ Lim, chúng tôi không rõ tổng đàn là bao con".
Hành vi chăn nuôi lợn xả thải trực tiếp ra môi trường của ông Phan Hữu Đồng đã làm cho nguồn nước đập Hồ Lim ô nhiễm, ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe và cuộc sống của người dân xóm Đồng Bai trong thời gian qua. Việc xử lý chất thải chăn nuôi đúng quy định giúp ngăn chặn ô nhiễm môi trường. Chất thải từ chăn nuôi, như phân bón, nước thải và khí thải, có thể gây ô nhiễm không khí, nước và đất, ảnh hưởng xấu đến hệ sinh thái và sức khỏe con người. Tuân thủ quy định về xử lý chất thải giúp bảo vệ và duy trì môi trường sống trong sạch và an toàn.
Mức phạt hành chính hành vì xả thải trái phép ra môi trường
Ngày 7/7/2022, Chính phủ ban hành Nghị định 45/2022/NĐ-CP Quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Trong đó, một số khoản, mục thuộc Điều 11 Quy định xử phạt vi phạm quy định về giấy phép môi trường như sau:
Khoản 1. Hành vi vi phạm quy định về thực hiện giấy phép môi trường thuộc thẩm quyền cấp phép của Ủy ban nhân dân cấp huyện hoặc thực hiện giấy phép môi trường thuộc thẩm quyền cấp phép của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an mà đối tượng tương đương thuộc thẩm quyền cấp phép của Ủy ban nhân dân cấp huyện, trừ trường hợp quy định tại các Điều 15, 29, 30, 31, 35 và 38 của Nghị định này bị xử phạt như sau:
- e) Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 35.000.000 đồng đối với hành vi không có giấy phép môi trường được cấp lại theo quy định;
- g) Phạt tiền từ 35.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi không vận hành hoặc không vận hành thường xuyên hoặc vận hành không đúng quy trình đối với công trình xử lý chất thải; xây lắp công trình xử lý chất thải không đúng theo giấy phép môi trường;
- h) Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi xây lắp, lắp đặt thiết bị, đường ống hoặc các đường thải khác để xả chất thải không qua xử lý ra môi trường; không xây lắp công trình bảo vệ môi trường theo quy định.
Khoản 2. Hành vi vi phạm quy định về thực hiện giấy phép môi trường thuộc thẩm quyền cấp phép của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc thực hiện giấy phép môi trường thuộc thẩm quyền cấp phép của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an mà đối tượng tương đương thuộc thẩm quyền cấp phép của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, trừ trường hợp quy định tại các Điều 15, 29, 30, 31, 35 và 38 của Nghị định này bị xử phạt như sau:
- e) Phạt tiền từ 150.000.000 đồng đến 170.000.000 đồng đối với hành vi không có giấy phép môi trường được cấp lại theo quy định;
- g) Phạt tiền từ 170.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng đối với hành vi không vận hành hoặc vận hành không thường xuyên hoặc vận hành không đúng quy trình đối với công trình xử lý chất thải; xây lắp công trình xử lý chất thải không đúng theo giấy phép môi trường;
- h) Phạt tiền từ 400.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng đối với hành vi xây lắp, lắp đặt thiết bị, đường ống hoặc các đường thải khác để xả chất thải không qua xử lý ra môi trường; không xây lắp công trình bảo vệ môi trường theo quy định.
Kinh tế Môi trường sẽ tiếp tục thông tin!
Nguyễn Công