Chủ nhật, 28/04/2024 11:16 (GMT+7)
Thứ tư, 12/10/2022 14:50 (GMT+7)

Ngành du lịch châu Á tiếp đà phục hồi tích cực sau ảnh hưởng của đại dịch Covid-19

Theo dõi KTMT trên

Sự trở lại của du khách quốc tế được kỳ vọng sẽ thúc đẩy sự phục hồi của ngành du lịch châu Á và hỗ trợ tích cực cho nền kinh tế.

Sau hơn 2 năm áp dụng các biện pháp hạn chế đi lại nghiêm ngặt, từ ngày 11/10, Nhật Bản đã chính thức mở cửa du lịch hoàn toàn cho du khách quốc tế. Các hãng hàng không đã bổ sung nhiều chuyến bay để đáp ứng nhu cầu di chuyển đã bị dồn nén từ lâu.

Ngành du lịch châu Á tiếp đà phục hồi tích cực sau ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 - Ảnh 1
Ảnh minh họa.

Chính phủ Nhật Bản kỳ vọng: Sau khi quay trở lại, các du khách quốc tế sẽ chi tiêu khoảng 35 tỷ USD/năm, qua đó thúc đẩy ngành du lịch và nền kinh tế tại các địa phương. Các doanh nghiệp du lịch cũng tin tưởng vào một sự phục hồi.

"Tôi nghĩ lượng khách du lịch vào thời điểm hiện tại chỉ có thể đạt được khoảng một nửa mức của năm 2019. Tuy nhiên, con số này sẽ dần tăng lên", ông Shinya Billy Kurosawa, Chủ tịch công ty JTB Global Market and Travel, cho biết.

Ngoài Nhật Bản, nhiều nền kinh tế khác trong khu vực như Hàn Quốc, Hong Kong (Trung Quốc) và Đài Loan (Trung Quốc) cũng đã có những động thái nới lỏng các biện pháp hạn chế nhằm thúc đẩy du lịch, để bù đắp cho sự suy giảm của thương mại quốc tế sau đại dịch.

Các quốc gia Đông Nam Á được coi là điểm sáng tích cực, với tỷ lệ đăng ký lưu trú tại các khách sạn tăng 57% kể từ đầu năm tới nay. Hoạt động đầu tư vào lĩnh vực du lịch, khách sạn cũng được tăng cường.

"Sự phục hồi của lĩnh vực khách sạn ở châu Á - Thái Bình Dương đã tăng tốc trong vài tháng qua khi các biện pháp hạn chế đi lại được nới lỏng. Điều này đã làm gia tăng sự quan tâm của các nhà đầu tư, ngay cả khi nền kinh tế phải đối mặt với một số khó khăn. Chúng tôi dự báo, tổng vốn đầu tư vào khách sạn ở châu Á - Thái Bình Dương sẽ là 10,7 tỷ USD trong cả năm 2022", ông Nihat Ercan, Giám đốc điều hành cấp cao, công ty JLL Hotels & Hospitality Group, nhận định.

Tuy vậy, ngành du lịch châu Á vẫn sẽ phải đối mặt với một số thách thức, như nhu cầu đi du lịch hạn chế hơn của người dân tại nhiều quốc gia và sự thiếu vắng nguồn du khách khổng lồ từ Trung Quốc. Do đó, ngành du lịch của khu vực được dự báo sẽ chưa thể phục hồi hoàn toàn trong năm tới và chỉ có thể trở về mức trước đại dịch sớm nhất là vào năm 2024.

Trong quý III/2022, du lịch Việt Nam tiếp đà phục hồi tích cực

Theo báo cáo tình hình kinh tế - xã hội quý III và tháng 9/2022 do Tổng cục Thống kê công bố ngày 29/9 cho thấy, 9 tháng năm 2022, khách quốc tế đến nước ta đạt 1.872,9 nghìn lượt người, gấp 16,4 lần so với cùng kỳ năm trước nhưng vẫn giảm 85,4% so với cùng kỳ năm 2019, năm chưa có dịch Covid-19.

Trong tổng số gần 1.872,9 nghìn lượt khách quốc tế đến Việt Nam 9 tháng năm nay, khách đến bằng đường hàng không đạt 1.659,9 nghìn lượt người, chiếm 88,6% lượng khách quốc tế đến Việt Nam và gấp 22 lần so với cùng kỳ năm trước.

Khách đến từ châu Á vẫn là chủ lực trong 9 tháng năm 2022 với 1,31 triệu lượt người (chiếm hơn 70%), tăng gấp 13,3 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Tiếp đến là khách đến từ châu Âu với 261,6 nghìn lượt người, châu Mỹ với 209,6 nghìn lượt người.

Tính riêng tháng 9/2022, khách quốc tế đến Việt Nam đạt gần 432.000 lượt người, gấp 45,4 lần so với cùng kỳ năm trước do Việt Nam đã mở cửa du lịch, các đường bay quốc tế được khôi phục trở lại. Tuy nhiên, lượng khách quốc tế đến trong tháng 9 có sự sụt giảm nhẹ so với tháng trước, giảm 11,2%.

Báo cáo của Tổng cục thống kê cho biết, doanh thu dịch vụ lữ hành, lưu trú, ăn uống 9 tháng qua tiếp tục đà tăng do nhu cầu vui chơi, du lịch của người dân tăng cao trong dịp hè. Trong đó, du lịch nội địa tiếp tục đóng vai trò chủ lực thúc đẩy doanh thu gia tăng.

Cụ thể, doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống 9 tháng qua ước đạt 430,9 nghìn tỷ đồng, tăng 54,7% so với cùng kỳ năm trước.

Doanh thu du lịch lữ hành 9 tháng của năm 2022 ước đạt 18,2 nghìn tỷ đồng, gấp 3,9 lần so với cùng kỳ năm trước do hoạt động du lịch phục hồi mạnh mẽ, đặc biệt là du lịch nội địa. Tuy nhiên, doanh thu du lịch lữ hành 9 tháng năm nay mới chỉ bằng 55,9% so với cùng kỳ năm 2019.

1 số trọng điểm du lịch trong nước ghi nhận mức tăng doanh thu dịch vụ lữ hành cao là: Đà Nẵng tăng 634,7%; Hà Nội tăng 386,3%; Hải Phòng tăng 277%; Thành phố Hồ Chí Minh tăng 151,9%; Quảng Ninh tăng 90,3%.

Đặc biệt, Cần Thơ là địa phương ghi nhận cả doanh thu dịch vụ lữ hành, dịch vụ lưu trú tăng cao nhất với mức tăng lần lượt 766,8% và 122,5%.

Hải An

Bạn đang đọc bài viết Ngành du lịch châu Á tiếp đà phục hồi tích cực sau ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới