Thứ ba, 23/04/2024 21:34 (GMT+7)
Thứ tư, 17/05/2023 14:55 (GMT+7)

Ngân hàng Nhà nước lý giải nguyên nhân khiến lãi vay vẫn neo cao?

Theo dõi KTMT trên

Theo Ngân hàng Nhà nước, kinh tế Việt Nam phụ thuộc vào nguồn vốn tín dụng ngân hàng, trong khi nhu cầu vốn để phát triển kinh tế luôn ở mức cao đang tạo áp lực lên lãi suất cho vay.

Trên cơ sở điều hành và chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), đến nay mặt bằng lãi suất đã ổn định, lãi suất phát sinh mới có xu hướng giảm dần trong tháng đầu năm 2023.

Mặc dù vậy, nhiều doanh nghiệp vẫn đang phải vay với lãi suất trên 10%/năm, có doanh nghiệp bất động sản phải vay với lãi suất 14%/năm.

Chịu áp lực cả trong và ngoài nước

Theo NHNN, có nhiều lý do tác động lên mức lãi suất cho vay. Đầu tiên là do hệ thống ngân hàng là kênh cung ứng vốn chủ yếu cho nền kinh tế. Kinh tế Việt Nam phụ thuộc chủ yếu vào nguồn vốn tín dụng ngân hàng (tỷ lệ tín dụng/GDP cuối năm 2022 ở mức 125,34%), trong khi nhu cầu vốn để phát triển kinh tế luôn ở mức cao, tạo áp lực lên lãi suất cho vay.

"Sau dịch COVID-19, kinh tế phục hồi trở lại nên nhu cầu vốn cho sản xuất kinh doanh gia tăng, hệ thống ngân hàng sử dụng tối đa nguồn huy động cho phép để đáp ứng vốn cho nền kinh tế. Hiện chênh lệch tiền gửi và tín dụng bằng VND ở mức 167.000 tỷ đồng; hệ số sử dụng vốn trên thị trường 1 (tỷ lệ tín dụng/huy động vốn thị trường 1) bằng VND ở mức 101,45%, giảm so với mức 102,28% cuối năm 2022 nhưng vẫn ở mức rất cao.

Ngân hàng Nhà nước lý giải nguyên nhân khiến lãi vay vẫn neo cao? - Ảnh 1
Nhiều doanh nghiệp vẫn đang phải vay với lãi suất trên 10%/năm, có doanh nghiệp bất động sản phải vay với lãi suất 14%/năm. (Ảnh minh họa)

Hệ thống ngân hàng chủ yếu huy động vốn ngắn hạn (khoảng 88% tiền gửi là kỳ hạn 12 tháng trở xuống) nhưng vẫn phải đáp ứng các nhu cầu cho vay trung dài hạn nên đã tạo sức ép lên lãi suất huy động. Đồng thời, áp lực gia tăng lãi suất luôn tồn tại do Việt Nam có độ mở kinh tế lớn, biến động của thị trường tài chính, tiền tệ thế giới tác động nhanh và mạnh lên lãi suất, tỷ giá trong nước", NHNN phân tích.

Bên cạnh đó, từ năm 2022, các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới đã duy trì chính sách tiền tệ thắt chặt để chống lạm phát. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã 10 lần tăng lãi suất. Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cũng liên tục tăng lãi suất.

Áp lực lạm phát hiện hữu, tiềm ẩn và người dân kỳ vọng lãi suất thực dương nên các ngân hàng khó giảm lãi suất để thu hút tiền gửi, khiến chi phí đầu vào tăng cao. Huy động vốn đến ngày 27/4 chỉ tăng 1,78%, chỉ bằng hơn một nửa so với tốc độ tăng trưởng tín dụng 3,04%.

Ảnh hưởng từ Thông tư 02 

Theo NHNN, Thông tư số 02 mới ban hành cho phép ngân hàng cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng gặp khó khăn.

"Ngân hàng chưa thu nợ khi đến hạn trong khi vẫn phải đảm bảo chi trả tiền gửi, làm giảm doanh số cho vay và chậm lại vòng quay vốn trong nền kinh tế. Từ đó gây áp lực trở lại lên khả năng cân đối vốn và dư địa giảm lãi suất", NHNN lý giải.

Cũng theo NHNN, việc một số ngân hàng quy mô nhỏ duy trì lãi suất tiền gửi ở mức cao để giữ khách hàng cũng làm cho việc giảm mặt bằng lãi suất cho vay trở nên khó khăn hơn.

"Theo quy định hiện hành, việc xem xét quyết định về lãi suất cho vay là do ngân hàng và khách hàng thỏa thuận theo cung cầu vốn thị trường và mức độ tín nhiệm của khách hàng.

Trường hợp lãi suất thị trường có biến động hoặc NHNN tăng/giảm các mức lãi suất điều hành, dẫn đến mặt bằng lãi suất trên thị trường thay đổi thì lãi suất các khoản vay mà ngân hàng và khách hàng đã thỏa thuận tiếp tục duy trì cho tới kỳ điều chỉnh lãi suất tiếp theo", NHNN khẳng định.

Cũng theo NHNN, qua theo dõi báo cáo của các ngân hàng, đến nay nhiều ngân hàng đã giảm lãi suất cho vay. Hiện lãi suất cho vay mới ở mức khoảng 9,3%/năm, giảm 0,65%/năm so với cuối năm 2022.

"Thời gian tới, trên cơ sở diễn biến kinh tế vĩ mô, thị trường tiền tệ trong và ngoài nước, NHNN sẽ nghiên cứu điều hành lãi suất phù hợp với cân đối vĩ mô, lạm phát và mục tiêu chính sách. NHNN sẽ tiếp tục khuyến khích các ngân hàng triển khai các giải pháp tiết giảm chi phí để giảm mặt bằng lãi suất cho vay, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh", NHNN cho hay.

Nhiều chính sách giảm lãi suất cũng đã được áp dụng

Từ ngày 10/3/2023, để thực hiện mục tiêu tăng cung tiền, giảm lãi suất cho vay theo chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng, NHNN đã tăng khối lượng và kéo dài kỳ hạn chào mua giấy tờ có giá hàng ngày để phát tín hiệu sẵn sàng cung ứng vốn cho thị trường tiền tệ.

Điều chỉnh giảm lãi suất chào mua giấy tờ có giá từ mức 6%/năm xuống mức 5,5%/năm (từ ngày 15/3/2023) và giảm xuống mức 5,0%/năm (từ ngày 3/4/2023), vốn khả dụng của các tổ chức tín dụng được đảm bảo và thường trong tình trạng dư thừa.

Từ đầu năm 2023 đến nay, NHNN đã mua được lượng lớn ngoại tệ bổ sung dự trữ ngoại hối (trên 6 tỷ USD). Bên cạnh đó, đối với các giao dịch tổ chức tín dụng mua ngoại tệ kỳ hạn với "người mua bán cuối cùng", NHNN và các tổ chức tín dụng cũng đã gia hạn các giao dịch này với tổng trị giá 3,99 tỷ USD; đồng thời, tổ chức tín dụng hủy mua 1,74 tỷ USD từ NHNN.

Các giải pháp nêu trên đã góp phần quan trọng vào việc tạo thanh khoản dư thừa trên thị trường, từ đó bình ổn mặt bằng lãi suất thị trường liên ngân hàng, hỗ trợ tổ chức tín dụng giảm lãi suất huy động và giảm lãi suất cho vay đối với nền kinh tế.

Anh Thư

Bạn đang đọc bài viết Ngân hàng Nhà nước lý giải nguyên nhân khiến lãi vay vẫn neo cao?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Các ngân hàng đặt mục tiêu cao trong năm 2024
Vừa qua, một số ngân hàng đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ) với nhiều kế hoạch đáng chú ý liên quan đến việc tái cơ cấu, đẩy mạnh chuyển đổi số, tăng vốn điều lệ.
Petrovietnam kinh doanh ra sao trong quý I?
Trong quý I/2024, hầu hết các chỉ tiêu sản xuất của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) đều hoàn thành vượt mức kế hoạch. Trong đó, khai thác dầu thô đạt 2,54 triệu tấn, vượt 19,4% .

Tin mới

Hà Tĩnh khai mạc lễ hội du lịch biển năm 2024
Tối 21/4, tại quảng trường Hồ Tùng Mậu (Khu du lịch Thiên Cầm, Cẩm Xuyên), UBND tỉnh Hà Tĩnh đã long trọng tổ chức khai mạc lễ hội du lịch biển năm 2024 với chủ đề “Hà Tĩnh – Thanh âm ngày nắng mới”.