Thứ sáu, 22/11/2024 07:17 (GMT+7)
Thứ sáu, 31/05/2019 14:09 (GMT+7)

Ngân hàng lại ráo riết thoái vốn, giảm sở hữu chéo

Theo dõi KTMT trên

Thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) liên tục hối thúc các ngân hàng thương mại rà soát nhóm cổ đông lớn sở hữu 5% vốn điều lệ trở lên tại tổ chức tín dụng (TCTD) khác, để sớm thoái vốn.

Các thương vụ thoái vốn ngân hàng gần đây cũng diễn ra với tiến độ khẩn trương, gấp gáp để rút hết vốn đầu tư ngoài ngành, hoặc giảm sở hữu ngân hàng về giới hạn cho phép.

Đáng chú ý, MobiFone vừa hoàn tất thoái vốn khỏi TPBank khi giảm tỷ lệ sở hữu từ 0,83% về 0% vốn ngân hàng. Đây là lần thứ ba công ty này bán vốn với giá chào bán là 21.350 đồng/CP, thấp hơn so với giá tối thiểu của lần chào bán thứ hai là 25.230 đồng/CP và rẻ hơn thị giá của cổ phiếuTPB trên sàn hiện giao dịch ở mức 23.800 đồng/CP. Nhờ đó, Mobifone đã thu về hơn 153 tỉ đồng.

MobiFone cho biết, việc chuyển nhượng cổ phần này là nhằm đáp ứng các quy định của cơ quan Nhà nước, đồng thời, cơ cấu lại nguồn vốn phục vụ sản xuất kinh doanh, tập trung vào ngành nghề sản xuất chính, cắt giảm tối đa góp vốn đầu tư tài chính.

Sau khi Mobifone thoái hết vốn, TPBank hiện chỉ còn 2 cổ đông lớn là FPT và DOJI với tỷ lệ sở hữu lần lượt là 9,42% và 8,25% vốn điều lệ.

Ngân hàng lại ráo riết thoái vốn, giảm sở hữu chéo - Ảnh 1
Ngân hàng cũng đang khẩn trương lên kế hoạch thoái vốn tại các TCTD khác

Không chỉ các công ty bắt buộc thoái vốn mà nhiều ngân hàng cũng đang khẩn trương lên kế hoạch thoái vốn tại các TCTD khác.

Đơn cử, Agribank mới thông báo chuẩn bị bán đấu giá hơn 468.000 cổ phần Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB).

Tại OCB, Vietcombank cũng đã thoái xong vốn sau nhiều lần bán đấu giá cổ phần. Lần gần nhất, Vietcombank đã bán toàn bộ 1,48 triệu cổ phần OCB còn lại, mức giá khởi điểm 18.876 đồng/CP và thu về gần 27,9 tỉ đồng.

Ngoài OCB, Vietcombank đã thoái xong vốn khỏi Saigonbank, Công ty Tài chính Xi măng và đang dần thoái vốn tại Eximbank và MB. Chia sẻ tại Đại hội đồng cổ đông 2019 mới đây, lãnh đạo Vietcombank cho biết ngân hàng đã không còn là cổ đông lớn của 2 ngân hàng này sau khi cùng giảm sở hữu tại MB và Eximbank xuống 4,5% vốn.

Với VietinBank, ngân hàng này đã thoái xong vốn tại Saigonbank sau khi chuyển nhượng toàn bộ hơn 15,1 triệu cổ phiếu Saigonbank với giá bình quân 20.204 đồng/CP vào giữa tháng 5 này, thu ròng gần 305 tỉ đồng.

Trước đó, Eximbank đã giảm sở hữu tại Sacombank từ hơn 8% xuống 4,69% trong lộ trình “bóc” dần sở hữu chéo giữa hai nhà băng suốt nhiều năm qua.

Để giải quyết sở hữu chồng chéo,Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cho biết đang chỉ đạo xử lý nhưng do việc thoái vốn phụ thuộc vào việc tìm đối tác nên thời điểm thoái vốn cần tính toán thận trọng để bảo toàn vốn nhà nước.

Mặc dù rốt ráo, song sở hữu chéo vẫn chưa thể xử lý triệt để. Ông Hưng cho biết, sở hữu chéo vẫn tồn tại đối với những trường hợp cố tình nhờ người đứng tên hộ. Thời gian qua, các cơ quan chức năng phải rất nỗ lực mới phát hiện được trường hợp vi phạm tinh vi này. Thực tế cho thấy, sở hữu chéo ngân hàng mặt ngoài đã giảm, nhưng vẫn còn đâu đó bên trong sự lòng vòng, lắt léo của các mối quan hệ, “ẩn mình” dưới nhiều tầng lớp do lợi ích nhóm điều phối. Điều này tiềm ẩn hệ lụy khôn lường cho nền kinh tế.

Huyền Đoàn

Bạn đang đọc bài viết Ngân hàng lại ráo riết thoái vốn, giảm sở hữu chéo. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: toasoanktmt@gmail.com

Cùng chuyên mục

Tin mới

Thanh Hóa: Đẩy nhanh tiến độ tham mưu, xây dựng các văn bản quy định tại Luật Đất đai, Luật Nhà ở
UBND tỉnh Thanh Hóa vừa ban hành văn bản về việc đẩy nhanh tiến độ tham mưu, xây dựng các văn bản theo thẩm quyền quy định chi tiết việc thực hiện Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản và các Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật.