Nắng nóng 'thiêu đốt' Bắc và Trung Bộ kéo dài đến bao giờ?
Đợt nắng nóng gay gắt ở Bắc và Trung Bộ có khả năng kéo dài trong nhiều ngày tới, nhiệt độ cao nhất phổ biến 36-39 độ, có nơi trên 39 độ.
Lực lượng chức năng chữa cháy rừng thông tại xã Diễn Lợi (Diễn Châu, Nghệ An) ngày 27/6. (Ảnh: Báo Nghệ An) |
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, do ảnh hưởng của rìa Đông Nam vùng áp thấp nóng phía Tây kết hợp với hiệu ứng phơn, nên ngày hôm nay (13/7) ở các tỉnh từ Thanh Hóa đến Phú Yên có nắng nóng và nắng nóng gay gắt, nhiệt độ cao nhất phổ biến 36-39 độ, có nơi trên 39 độ.
Các tỉnh trung du và đồng bằng Bắc Bộ có nắng nóng với nền nhiệt độ cao nhất phổ biến 35-37 độ, có nơi trên 37 độ. Độ ẩm tương đối thấp, phổ biến 40-55%. Thời gian có nhiệt độ trên 35 độ từ 10-18 giờ.
Thủ đô Hà Nội ngày hôm nay có nắng nóng phổ biến 35-37 độ. Chỉ số tia UV ở Hà Nội và Đà Nẵng có giá trị từ 7-9 với mức ảnh hưởng nguy cơ gây hại cao đến rất cao đối với cơ thể con người khi tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng.
Dự báo, nắng nóng ở đồng bằng Bắc Bộ có khả năng kéo dài đến hết tuần này (19/7). Cụ thể từ nay đến hết 15/7 nắng nóng duy trì ở ngưỡng 35-36 độ. Từ thứ 16 đến 19/7 nắng nóng gia tăng thêm sau đó dịu dần vào ngày 20/7. Tại miền Trung, nắng nóng chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.
Cũng theo nhận định từ Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, nắng nóng năm nay kéo dài nhiều ngày hơn so với trung bình nhiều năm. Trong cả tháng 6, nắng kéo dài gần như cả tháng tại trung du và đồng bằng Bắc Bộ. Cụ thể, Bắc Bộ đã có 25 ngày nắng nóng còn Trung Bộ có 26 ngày nắng nóng.
Nhiệt độ trung bình trên cả nước từ nay đến đầu tháng 8 cũng được dự báo sẽ cao hơn so với trung bình nhiều năm từ 0,5-1,5 độ. Riêng khu vực đồng bằng và trung du Bắc Bộ, các tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế có thể cao hơn từ 1,5 - 2,5 độ.
Nhiệt độ thực đo cao nhất ngày 12/7/2020. (Ảnh: Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia) |
Do ảnh hưởng của nắng nóng gay gắt và đặc biệt gay gắt và có khả năng kéo dài trong nhiều ngày tới kết hợp với độ ẩm trong không khí giảm thấp và gió Tây Nam gây hiệu ứng phơn thổi mạnh nên có nhiều nguy cơ xảy ra cháy nổ và hỏa hoạn ở khu vực dân cư do nhu cầu sử dụng điện tăng cao và nguy cơ cao cháy rừng ở các tỉnh Bắc và Trung Trung Bộ. Ngoài ra, nắng nóng còn có thể gây tình trạng mất nước, kiệt sức, đột quỵ do sốc nhiệt đối với cơ thể người khi tiếp xúc lâu với nền nhiệt độ cao.
Mưa bão dồn dập cuối năm, nguy cơ lũ chồng lũ tại Nam Bộ Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn quốc gia, 11-13 cơn bão có khả năng hình thành trên Biển Đông trong giai đoạn tháng 8 đến tháng 12 năm 2020, trong đó có 5-6 cơn tác động trực tiếp đến đất liền nước ta. Khu vực từ Trung Bộ xuống phía nam được dự báo là nơi chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão. Các chuyên gia khí tượng thuỷ văn lo ngại trong các tháng cuối năm, mưa lũ xuất hiện dồn dập ở Trung Bộ và các tỉnh phía Nam do ảnh hưởng của các hình thái trên Biển Đông. Đặc biệt, những cơn bão có khả năng ảnh hưởng liên tục đến các tỉnh Trung Bộ và Nam Bộ, gây hiện tượng lũ chồng lũ khi các đợt mưa lớn nối tiếp nhau. Trước đó, Tổng cục Khí tượng Thủy văn từng đưa ra số liệu thống kê về các năm hạn nặng và lũ lớn trong khoảng 20 năm qua. Cụ thể, các thông số ghi nhận được cho thấy mối liên hệ nhất định giữa các năm lũ lớn xuất hiện vào mùa lũ ngay sau năm có hạn hán nặng. Đặc biệt, trong 15-20 năm qua, cả nước xuất hiện 4 đợt hạn nặng với chu kỳ lặp lại khoảng 5 năm và sau đó đều xuất hiện lũ lớn diện rộng là các năm: 2006, 2010, 2016. Với số liệu thống kê này đã cho thông tin ban đầu về diễn biến mùa lũ năm nay. Từ đó, cơ quan khí tượng cho rằng có cơ sở để nhận định về tính phức tạp theo hướng lũ lớn trên các hệ thống sông trong mùa lũ năm nay và năm 2021. |
Mai Anh