Năng lực cạnh tranh 2019 của Việt Nam tăng mạnh nhất
Việt Nam vừa được Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) xếp hạng là nền kinh tế có tính cạnh tranh thứ 67 thế giới với 61,3 điểm, tăng 10 bậc và +3,5 điểm đánh giá so với năm 2018 - mức tăng mạnh nhất thế giới tại “Báo cáo Năng lực cạnh tranh toàn cầu 2019" (GCI 4.0) được tổ chức quốc tế này công bố ngày 9/10 (theo giờ Việt Nam).
Cầu Mỹ Thuận. (Ảnh minh họa: Nguyễn Vinh Hiển - Vĩnh Long) |
Trong 12 chỉ tiêu đánh giá của WEF, chỉ tiêu “Phổ cập công nghệ thông tin – viễn thông” của Việt Nam ghi nhận mức tăng mạnh nhất, tăng 44 bậc lên thứ 41 thế giới. Tại chỉ tiêu này, điểm đánh giá của WEF đối với Việt Nam tăng 26 điểm so với năm 2018 lên mức 69 điểm.
So với năm 2018, cả bốn chỉ tiêu thuộc nhóm “Thị trường” của Việt Nam theo đánh giá của WEF đều có sự cải thiện.
Cụ thể, “Thị trường sản xuất” tăng 23 bậc lên thứ 79 (+2 điểm đánh giá), “Thị trường lao động” tăng bảy bậc lên thứ 83 (+2 điểm).
“Quy mô thị trường” không thay đổi xếp hạng (thứ 26) nhưng cũng tăng một điểm đánh giá. “Hệ thống Tài chính” mặc dù tăng hai điểm đánh giá nhưng lại bị tụt xuống một bậc (thứ 60).
Về nhóm chỉ tiêu “Hệ sinh thái Đột phá sáng tạo”, WEF cũng ghi nhận nhiều cải thiện của Việt Nam. Chỉ tiêu “Sự năng động trong kinh doanh” tăng 12 bậc và xếp thứ 89 (+3 điểm đánh giá), “Khả năng đột phá” tăng bốn bậc và xếp thứ 78 (+4 điểm đánh giá).
Về nhóm chỉ tiêu “Nguồn nhân lực”, “Kỹ năng” tăng ba điểm và tăng bốn bậc lên thứ 93 với 57 điểm. “Sức khỏe” không có sự thay đổi điểm số và tụt xuống thứ 71 (giảm ba bậc).
GCI 2019 của Việt Nam. (Ảnh: Chụp màn hình) |
Báo cáo của WEF được công bố thường niên, kể từ năm 1979. WEF xếp hạng các nền kinh tế thông qua 103 Mục được chia thành 12 Chỉ tiêu và phân vào bốn nhóm chính. Với mỗi chỉ tiêu, WEF sử dụng thang điểm 100 để đánh giá nền kinh tế đó đã tiến gần mức trạng thái cạnh tranh lý tưởng hay mới sơ khai.