Thứ tư, 04/12/2024 15:55 (GMT+7)
Thứ tư, 02/02/2022 07:00 (GMT+7)

Năm 2022 có thể xuất hiện nhiều cơn bão mạnh và phức tạp

Theo dõi KTMT trên

Theo chuyên gia thời tiết nhận định năm 2022, nắng nóng xuất hiện muộn hơn so với mọi năm, tuy nhiên cần đề phòng các cơn bão mạnh và phức tạp.

Nhận định về tình hình thời tiết, thiên tai năm 2022, TS.Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia cho biết, năm nay, nhiệt độ trung bình các tháng đầu và giữa năm có xu hướng xấp xỉ đến thấp hơn trung bình nhiều năm (TBNN). Các tháng cuối năm nhiệt độ có xu hướng ở mức xấp xỉ đến cao hơn TBNN cùng thời kỳ.

Theo ông Lâm, trong năm 2022, nắng nóng khả năng xuất hiện muộn hơn so với trung bình và có khả năng không gay gắt cũng như không kéo dài.

“Thông thường có thể cuối tháng 3, đầu tháng 4 sẽ có những đợt nắng nóng đầu tiên ở khu vực Nam Bộ và sau đó là Tây Bắc Bộ, nhưng năm nay chúng tôi nhận định có thể nắng nóng sẽ đến muộn hơn”, ông Lâm nói.

Năm 2022 có thể xuất hiện nhiều cơn bão mạnh và phức tạp - Ảnh 1
Chuyên gia thời tiết nhận định năm 2022 có thể xuất hiện nhiều cơn bão mạnh và phức tạp.

Theo báo cáo của Tổng cục Phòng chống thiên tai, năm 2021, cả nước trải qua 841 trận thiên tai với 18 loại hình bao gồm động đất, mưa đá, dông, lốc, sét... cùng 12 cơn bão và áp thấp nhiệt đới xuất hiện trên Biển Đông. Trong đó, miền Trung chịu ảnh hưởng trực tiếp của 4 cơn bão và 6 đợt mưa lũ lớn diện rộng.

Thống kê cho thấy thiên tai năm 2021 làm 108 người chết và mất tích, 95 người bị thương, thiệt hại kinh tế trên 5.200 tỷ đồng. Thiệt hại này giảm đáng kể so với năm 2020 (357 người chết và mất tích, thiệt hại gần 40.000 tỷ đồng).

Về tình hình bão và áp thấp nhiệt đới trong năm 2022, ông Hoàng Phúc Lâm cho biết, xoáy thuận nhiệt đới (XTNĐ) xuất hiện trên Biển Đông phù hợp với quy luật khí hậu, số lượng XTNĐ trên khu vực Biển Đông và ảnh hưởng đến nước ta xu hướng tương đương so với TBNN.

Nửa đầu mùa (tháng 6-9), XTNĐ sẽ tập trung ở khu vực Bắc và Giữa Biển Đông, khả năng ảnh hưởng đến khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ. Thời kỳ nửa cuối mùa (từ tháng 9-11), XTNĐ sẽ tập trung ở khu vực Giữa và Nam Biển Đông và ảnh hưởng đến khu vực Bắc Trung Bộ trở vào phía Nam.

“Trong năm 2022, cần đề phòng trường hợp có bão mạnh, với hướng di chuyển phức tạp do đây là năm chuyển tiếp, pha trung tính nên có nhiều diễn biến khó lường”, ông Lâm nói.

Về tình hình mưa, theo Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia, tổng lượng mưa 6 tháng đầu năm 2022 xu hướng xấp xỉ đến cao hơn TBNN.

Trong 6 tháng cuối năm 2022, lượng mưa có xu hướng gia tăng trên phạm vi toàn quốc, đặc biệt mưa nhiều hơn so với trung bình ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ vào tháng 7-9/2022 và từ tháng 9-11/2022 ở khu vực Trung và Nam Trung Bộ.

Về xâm nhập mặn, ông Lâm cho biết, dòng chảy thượng nguồn về Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) suy giảm và thiếu hụt so với TBNN, xâm nhập mặn ở ĐBSCL có xu thế gia tăng từ cuối tháng 1/2022.

Các đợt xâm nhập mặn cao nhất ở cửa sông Cửu Long khả năng tập trung trong tháng 2, tháng 3; trên sông Vàm Cỏ, sông Cái Lớn vào tháng 3, 4, sau giảm dần.

“Ven biển Nam Bộ sẽ có 3 đợt triều cường cao vào các ngày cuối các tháng 10, 11, 12/2022”, ông Lâm nói.

Từng chia sẻ tại hội nghị tổng kết hoạt động năm 2021, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Lê Minh Hoan cho rằng, biến đổi khí hậu và thời tiết cực đoan ngày càng biểu hiện rõ nhưng đây là câu chuyện toàn cầu.

"Chúng ta không thể mơ mộng sẽ ứng phó thành công 100% với mọi tình huống, nhưng có thể giảm thiệt hại xuống mức thấp nhất nếu chúng ta đi trước một bước", ông Hoan nói.

Ông Hoan cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác phục hồi sau thiên tai. Theo ông, các đơn vị chức năng hiện chỉ tập trung vào công tác ứng phó trước và trong thiên tai mà thiếu đi sự phối hợp để đưa cuộc sống người dân trở lại bình thường sau khi một cơn bão, một trận lụt đi qua.

"Đây không chỉ là câu chuyện thiếu nguồn lực mà còn là kỹ năng khắc phục hậu quả. Nếu công tác khắc phục thiếu sự phối hợp, độ trễ trong sản xuất, phục hồi kinh tế sau thiên tai của người dân sẽ kéo dài", ông Hoan nói.

Bộ trưởng NN&PTNT cũng cho rằng việc nâng cao năng lực cộng đồng trong công tác ứng phó thiên tai rất quan trọng, bởi chỉ đạo từ Trung ương, địa phương hay công tác chính quyền có quyết liệt thế nào thì người thực thi vẫn là người dân, "có những thứ chính quyền không thể làm thay được cộng đồng dân cư".

Ông Lê Minh Hoan đề nghị các đơn vị liên quan tập trung nhiệm vụ rà soát công tác phòng chống thiên tai trong cộng đồng, dân cư vào năm tới. Đồng thời, mọi giải pháp ứng phó với thiên tai cần tận dụng được khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.

Theo báo cáo của Tổng cục Phòng chống thiên tai, năm 2021, cả nước trải qua 841 trận thiên tai với 18 loại hình bao gồm động đất, mưa đá, dông, lốc, sét... cùng 12 cơn bão và áp thấp nhiệt đới xuất hiện trên Biển Đông. Trong đó, miền Trung chịu ảnh hưởng trực tiếp của 4 cơn bão và 6 đợt mưa lũ lớn diện rộng.

Thống kê cho thấy thiên tai năm 2021 làm 108 người chết và mất tích, 95 người bị thương, thiệt hại kinh tế trên 5.200 tỷ đồng. Thiệt hại này giảm đáng kể so với năm 2020 (357 người chết và mất tích, thiệt hại gần 40.000 tỷ đồng).

Hà Lan (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Năm 2022 có thể xuất hiện nhiều cơn bão mạnh và phức tạp. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới